Tinh gọn bộ máy, phù hợp thực tiễn

Lam Giang| 15/11/2021 09:30

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai việc kiêm nhiệm chức danh cấp cơ sở để sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả đòi hỏi tỉnh có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp cũng như nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Một vai hai gánh

Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đã chứng minh được nhiều ưu thế trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến rõ nét ở các địa phương thực hiện thí điểm.

Giữ vững đoàn kết, thống nhất

Sau khi xem xét các điều kiện và đánh giá năng lực cán bộ, Huyện ủy Cư Jút đã triển khai thí điểm mô hình nhất thể hóa, với việc điều động ông Trần Thế Quang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng. Đã từng có thời gian giữ chức Chủ tịch UBND xã, có nhiều thuận lợi vì nắm rõ được địa bàn nên khi được giao thêm trọng trách bí thư, ông Quang xác định đây là vinh dự nhưng đi kèm là trách nhiệm.

Ông Trần Thế Quang chia sẻ: "Khi thực hiện mô hình nhất thể hóa có nghĩa là quyền lực tập trung, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất đoàn kết nội bộ… Do đó, bản thân tôi phải xác định rõ quyền hạn và nghĩa vụ trong từng công việc cụ thể, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cấp phó, đề cao vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, qua đó giữ vững đoàn kết, thống nhất trong xã".

Ông Trần Thế Quang (ngoài cùng bên phải), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng luôn bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình dân cư. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nhờ bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học nên ông Quang vẫn có thời gian đi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, tạo được lòng tin trong người dân.

Ông Quang cho biết: “Việc nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời chủ tịch UBND xã tránh được hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, giảm được khâu báo cáo, xin ý kiến. Bí thư Đảng ủy cũng là Chủ tịch UBND xã nên nắm rõ tình hình địa phương, từ đó chỉ đạo xây dựng nghị quyết, đề ra chủ trương sát với thực tiễn. Công tác phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, những thiếu sót, hạn chế khi thực hiện nhiệm vụ được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, không đi ngược với chủ trương chung”.

Đồ họa: N.T

Tương tự, theo đánh giá của Huyện ủy Krông Nô, sau một thời gian dài thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã Nam Đà, đại bộ phận đảng viên, cán bộ, người dân đã có nhận thức đúng đắn và đồng tình ủng hộ chủ trương này. Vai trò Đảng lãnh đạo chính trị xã hội ở xã được đề cao, không còn một số vấn đề thường thấy lâu nay như sự thiếu thống nhất giữa bí thư và chủ tịch, hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm làm chậm tiến độ và kết quả thực hiện một số nhiệm vụ của địa phương.

ADQuảng cáo

Từ một chủ thể vừa chỉ đạo, quản lý, điều hành thống nhất và kịp thời nên việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở xã có những chuyển biến tích cực và khá đồng bộ. Hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tốt, căn bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của xã trong tình hình mới. Sự phối, kết hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị xã chặt chẽ, hiệu quả hơn so với trước đây. Vai trò tham mưu của các tổ chức cho cấp ủy thiết thực và kịp thời. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và bí thư được phát huy.

Đối với cá nhân Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nam Đà, khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ có nhiều thuận lợi, phát huy được tính chủ động trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức điều hành, giảm bớt được khâu trung gian. Do có sự chủ động, bao quát được tình hình nên đã phát huy tốt về vai trò cá nhân, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ, ỷ lại.

Từ đó, Đảng ủy lãnh đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước ở xã kịp thời hơn so với trước đây.

Nhiều cái được

Thực hiện Thông báo số 223 ngày 24/2/2009 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 25 ngày 6/3/2009 của Ban Tổ chức Trung ương, Đắk Nông đã triển khai thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tại 4 xã: Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp), Đắk Môl (Đắk Song), Đắk R’la (Đắk Mil) và Nam Đà (Krông Nô).

Đến khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động để thực hiện nghị quyết; trong đó chỉ đạo mở rộng việc thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Tỉnh thống nhất mỗi huyện, thành phố thực hiện ít nhất 1 xã. Đối với các huyện đang thực hiện có thể tăng thêm số xã nếu đủ điều kiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 6/8 huyện, thành phố đang triển khai thực hiện 6 xã, 1 thị trấn, gồm: xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa), xã Đắk Búk So, xã Quảng Tâm (Tuy Đức), xã Đắk P'lao (Đắk Glong), thị trấn Đức An (Đắk Song), xã Tâm Thắng (Cư Jút), xã Nam Đà (Krông Nô). Riêng 2 huyện Đắk R’lấp và Đắk Mil đang trong thời gian chuyển thí điểm từ xã này sang xã khác.

Ông Trần Thế Quang (đi đầu), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng  bám cơ sở tuyên truyền động viên người dân xây dựng nông thôn mới nâng cao. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua thời gian triển khai cho thấy, đây là mô hình và chủ trương phù hợp thực tiễn, được sự thống nhất và đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Mô hình góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hiệu quả công việc từng bước được nâng cao. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy không ngừng được nâng cao, phát huy được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy được đổi mới; công tác quản lý của chính quyền có chuyển biến tích cực. Việc lãnh đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cấp xã được kịp thời. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên, khắc phục được tình trạng bao biện, đùn đẩy trách nhiệm, đề cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Mô hình còn khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có sự gắn kết chặt chẽ, thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ hơn. Hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tốt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.

>> Kỳ 2: Nâng cao năng lực, trách nhiệm cán bộ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh gọn bộ máy, phù hợp thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO