Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên Thảo luận cấp cao Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc

dangcongsan.vn| 24/09/2017 07:25

Ngày 22/9/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên Thảo luận cấp cao Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Hoa Kỳ.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị:

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên Thảo luận cấp cao Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chúc mừng Ngài Miroslav Lajcak được bầu làm Chủ tịch Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc. 

Tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Ngài Tổng Thư ký và Ban Thư ký Liên hợp quốc. Chỉ trong 10 tháng ngắn ngủi, Ngài Antonio Guterres đã để lại dấu ấn trên cả ba lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc là hoà bình, phát triển và thúc đẩy quyền con người.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Vào ngày 20 tháng 9 năm 1977, cách đây đúng 40 năm, Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Một ngày sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã đứng ở chính nơi đây và phát biểu trước Đại hội đồng.

Đại diện cho một đất nước bị tàn phá nặng nề sau hàng thập kỷ chiến tranh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định cam kết của nước Việt Nam thống nhất sẵn sàng hợp tác với các thành viên khác của Liên hợp quốc, phấn đấu không mệt mỏi nhằm hiện thực hoá các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc. Đó là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trải qua bốn mươi năm qua, đất nước chúng tôi đã chuyển mình mạnh mẽ. 

Ngày nay Việt Nam là một nền kinh tế năng động trên con đường đổi mới và phát triển bền vững. Từ một đất nước phụ thuộc vào viện trợ, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của chúng tôi đã giúp hàng chục triệu người dân Việt Nam thoát khỏi nghèo đói.

Nhưng có một điều không thay đổi.

Việt Nam luôn là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc, là một trong những nước ủng hộ tích cực và mạnh mẽ nhất chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.

Chúng tôi tin tưởng vào vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không đe doạ hay sử dụng vũ lực và giải quyết hoà bình các tranh chấp. 

Thưa Ngài Chủ tịch,

Chúng ta nhóm họp tại đây khi trên thế giới đang diễn ra những chuyển biến nhanh và sâu sắc. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là tiến bộ về công nghệ số, đang đem lại những cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của tất cả chúng ta. Những nỗ lực to lớn nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đang được triển khai. 

Tuy vậy, thế giới của chúng ta hiện nay cũng đầy biến động, bất định và mong manh. Mặc dù hòa bình và hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo, người dân trên khắp thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có đối với an ninh và phát triển. Các bất ổn về an ninh, những nguy cơ xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe doạ sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia.

Khủng bố và vũ khí huỷ diệt hàng loạt đã trở thành thách thức toàn cầu đối với tất cả chúng ta. Các nỗ lực giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí và không phổ biến chưa đạt được kết quả mong muốn. Cuộc khủng hoảng di cư và nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay vẫn tiếp tục lan rộng.

Nhiều thập kỷ qua, khát vọng sống trong hoà bình vẫn chỉ là ước mơ xa vời đối với hàng triệu người dân.

Cùng với sự tăng trưởng chậm và thiếu bền vững của nền kinh tế toàn cầu, tương lai của toàn cầu hoá và liên kết kinh tế trở nên kém chắc chắn. Bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia vẫn là một trong những thách thức thức lớn nhất của thời đại. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng hiện thực hơn và vượt qua mức mọi dự báo.

Năm nay, chúng ta chứng kiến nhiều thảm hoạ thiên nhiên liên tiếp, gây tổn thất nặng nề về con người và của cải ở Cuba, Mexico, Hoa Kỳ và các nước vùng Caribe.

Trong bối cảnh đó, chủ đề của Phiên họp năm nay là “Tập trung cho con người: Phấn đấu vì hoà bình và một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững” có tính thời sự rất cao.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Với việc thông qua Chương trình nghị sự 2030, cộng đồng quốc tế đã lựa chọn phát triển bền vững là hướng đi tới một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Trách nhiệm của chúng ta là phải biến kế hoạch tham vọng này thành hiện thực. Các nước đang phát triển cần được tạo điều kiện và có nguồn lực thuận lợi hơn để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.

Trên con đường hướng tới phát triển bền vững, chúng ta phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của mọi chính sách và hành động của chúng ta. Nếu không, chúng ta không thể bảo đảm được cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người. 

Tôi tin rằng cuộc sống không thể tốt đẹp khi nghèo đói, thất nghiệp và dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Cuộc sống không thể tốt đẹp nếu tiếp tục bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu và các thảm hoạ.

Và trên hết, chúng ta sẽ không thể đạt được sự phát triển bền vững và cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người, nếu chúng ta không có được nền hoà bình bền vững.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Với hơn 40 năm được hưởng hoà bình, độc lập và thống nhất, chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa của hoà bình. Duy trì hoà bình phải luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. 

Nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự cam kết và hợp tác mạnh mẽ. Tôi tin rằng chúng ta cần cùng nhau củng cố chủ nghĩa đa phương để đạt được những mục tiêu này.

Chủ nghĩa đa phương đã thực sự chứng tỏ được vai trò trong việc tìm ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu hiện này. Các thể chế hợp tác đa phương là kênh để các nước tìm ra các lợi ích chung, quản lý các tranh chấp và khác biệt, thúc đẩy hợp tác. Lòng tin đối với chủ nghĩa đa phương sẽ lung lay, nếu các thể chế này không hiệu quả, thiếu sự đồng thuận về các mục tiêu và các nguyên tắc chung. Vì vậy, các cơ chế hợp tác đa phương toàn cầu và khu vực cần hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả và đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra.

Liên hợp quốc phải là trung tâm điều phối và gắn kết các nỗ lực chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, xây dựng một hệ thống các quy tắc và chuẩn mực toàn diện hơn với một cơ chế bảo đảm sự khách quan, công bằng và bình đẳng. Để làm được điều này, Liên hợp quốc cần được cải tổ một cách toàn diện, từ tổ chức, phương pháp làm việc đến cách thức huy động, phân bổ nguồn lực. 

Việt Nam ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc theo hướng này và sẽ tham gia một cách có trách nhiệm vào quá trình đó.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng đối với trật tự và sự ổn định trong quan hệ quốc tế. Chiến tranh, xung đột và căng thẳng hiện nay chủ yếu diễn ra do luật pháp quốc tế chưa được tôn trọng một cách đầy đủ, chưa được tuân thủ nghiêm túc. Chúng tôi cho rằng bằng việc đề cao luật pháp quốc tế, hoà bình sẽ được bảo đảm. Chúng ta cần có những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm ngăn ngừa các xung đột, xây dựng lòng tin và giải quyết hoà bình các xung đột, tranh chấp, kể cả các xung đột, tranh chấp ở Trung Đông, Châu Phi và kêu gọi phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Cũng vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng việc bao vây cấm vận đơn phương Cuba là không phù hợp và phải được dỡ bỏ ngay. 

Chúng tôi hoan nghênh việc thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân vừa qua. Đây là một dấu mốc lịch sử trên con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Hôm nay, tôi ký Hiệp ước này và kêu gọi các nước khác cũng ký và phê chuẩn để Hiệp ước này sớm có hiệu lực. Chúng ta cần nhận thức một cách rõ ràng rằng chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại thì nhân loại vẫn còn bị đe doạ.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Năm 2017 cũng đánh dấu 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức khu vực mà Việt Nam tự hào là thành viên. ASEAN hiện nay đang nỗ lực xây dựng một Cộng đồng hoạt động dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, phát huy vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc khu vực, tích cực đóng góp duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương. 

Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ cùng các nước ASEAN ứng phó với các thách thức chung. Về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam và ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý. 

Năm nay, Việt Nam tự hào là nước chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong bối cảnh chúng tôi đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác Châu Á - Thái Bình Dương vì sự phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21. 

Thưa Ngài Chủ tịch,

Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã tham gia một cách tích cực vào công việc của Liên hợp quốc, đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016 và đang là thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018. Chúng tôi đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng sẽ trình bày Báo cáo tự nguyện quốc gia về việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong năm 2018. Tháng 3/2017, chúng tôi đã đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về thuận lợi hoá trung chuyển thương mại cho các nước đang phát triển không có biển. 

Từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sĩ quan quân đội nhân dân đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc ở châu Phi và hiện đang tích cực chuẩn bị triển khai bệnh viện dã chiến cấp II. Trước đó, từ năm 2009, Việt Nam đã chính thức ứng cử làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Chúng tôi cho rằng đây là các đóng góp thiết thực nhất cho việc bảo đảm hoà bình và an ninh bền vững. 

Tôi tin tưởng rằng, với những nỗ lực đồng bộ của chúng ta, với ưu thế của hợp tác đa phương, chúng ta sẽ hoàn thành được sứ mạng của mình về duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, bảo đảm cuộc sống tốt đẹp và tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Xin cảm ơn các Quý vị./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên Thảo luận cấp cao Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO