Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

18/10/2017 10:31

Để thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tổng hợp nội dung trả lời của các bộ, ngành Trung ương như sau:

I. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ban Dân nguyện

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Ban Dân nguyện cần tăng cường đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp thu, trả lời kiến nghị của cử tri; đảm bảo thời gian giải quyết, trả lời và báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định. Ví dụ các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV chưa được giải quyết, trả lời.

Đề nghị cần xác lập cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cụ thể, rõ ràng hơn; hướng dẫn cụ thể về thời gian các cơ quan hữu quan phải trả lời kiến nghị của cử tri, do hiện nay việc trả lời còn chậm, nhiều vấn đề được tập hợp và phản ánh tại kỳ họp Quốc hội, nhưng đến kỳ họp sau mới có văn bản trả lời.”

Trả lời:

- Về thời hạn trả lời kiến nghị của cử tri: Tại khoản 1, Điều 36 Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cụ thể là: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của cử tri, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri; gửi văn bản trả lời cử tri đến Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi cử tri kiến nghị và cơ quan, đại biểu Quốc hội đã chuyển kiến nghị của cử tri”. Như  vậy, thời hạn giải quyết, trả lời của cử tri đã được Nghị quyết 525 quy định cụ thể, và về cơ bản đều đã được bộ, ngành chấp hành nghiêm chỉnh, đã nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của cử tri và trả lời đúng thời hạn pháp luật quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số kiến nghị mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị của tri còn chậm so với quy định. Về việc này, Ban Dân nguyện đã đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chậm giải quyết, trả lời cử tri và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của tri theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời cung cấp thông tin để phục vụ Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và tiếp xúc cử tri.

Để thuận lợi cho việc rà soát, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Nông và Phú Thọ chuyển đến từ sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV nhưng chưa nhận được văn bản trả lời, trân trọng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thống kê các kiến nghị nêu trên gửi lại Ban Dân nguyện để tiến hành rà soát, đôn đốc các cơ quan quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri.

- Về cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri: Điều 31 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016) quy định: Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; và tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội quy định: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là Trưởng Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực được phân công.

Thực hiện nhiệm vụ này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng như hiện nay, Ban Dân nguyện đã tổ chức nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản trả lời của các bộ, ngành đối với từng kiến nghị và phân loại theo các tiêu chí: các kiến nghị đã giải quyết, đang giải quyết, sẽ giải quyết, tiếp thu, giải trình, cung cấp thông tin cho cử tri để tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; tổ chức làm việc với các bộ, ngành về việc giải quyết đối với toàn bộ kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội; đồng thời, tổ chức giám sát chuyên đề về một số nội dung mà các bộ, ngành trả lời đã giải quyết mà cử tri tiếp tục kiến nghị, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

Như vậy, quy định của pháp luật về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa cụ thể, cần được nghiên cứu hoàn thiện như kiến nghị của cử tri nêu. Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 mới có hiệu lực, cần thời gian tổ chức thực hiện, qua thực tế hoạt động sẽ rút kinh nghiệm để ngiên cứu, sửa đổi cho phù hợp thực tế.

II.Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Cử tri kiến nghị:

Hiện nay các tuyến tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 6 và tuyến đường biên giới (Quốc lộ 14C) bị hư hỏng nặng, gây mất an toàn giao thông cũng  như ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của địa phương cũng như đảm bảo quốc phòng – an ninh khi có vấn đề phát sinh; tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh rất hạn chế nên không thể tiến hành đầu tư, nâng cấp. Vì vậy, đề nghị Trung ương quan tâm, sớm bố trí vốn cho các công trình này.

Đường tỉnh lộ 4 đã được chuyển thành Quốc lộ 28 (kéo dài), tuy nhiên hiện còn nhiều đoạn bị hư hỏng rất nặng, gây khó khăn trong lưu thông cũng như mất an toàn giao thông. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ giao thông vận tải sớm có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này.

Trả lời:

1.1. Về bố trí vốn đầu tư các tuyến tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 6 và tuyến đường biên giới (Quốc lộ 14C):

a. Quốc lộ 14C:

Quốc lộ 14C đi qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, trong đó đoạn qua Đắk Nông dài khoảng 113,0km là tuyến giao thông dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, có ý nghĩa chiến lược về đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Đắk Nông nói riêng và của khu vực Tây Nguyên nói chung. Cho đến nay, Bộ GTVT đã đầu tư xong giai đoạn 1 (nền đường và hệ thống thoát nước) và đã bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 2014. Bộ GTVT cũng đã dự kiến tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và đã đề xuất trong danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nguồn vốn dự kiến được giao rất hạn chế nên Bộ GTVT chưa thể cân đối vốn cho các dự án này. Trong khi chưa triển khai thực hiện đầu tư được ngay, Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và đảm bảo an toàn giao thông.

b. Các tuyến Tỉnh lộ 1 và Tỉnh lộ 6:

Các tuyến Tỉnh lộ 1 và Tỉnh lộ 6 được đầu tư sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận lợi và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Vì vậy, việc sớm đầu tư nâng cấp các tuyến đường là cần thiết.

Theo quy định tại Luật Ngân sách đối với hệ thống đường địa phương do UBND tỉnh quản lý và đầu tư. Do vậy, vốn đầu tư cho tuyến đường nêu trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chủ động bố trí vốn và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Trường hợp khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.

1.2. Về sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 4:

Ngày 18/01/2016, Bộ GTVT có Quyết định số 148/QĐ-BGTVT chuyển tuyến Tỉnh lộ 4 (đường tỉnh 684), tỉnh Đắk Nông thành QL28 kéo dài. Đồng thời, tuyến đường cũng chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam. Hiện tại, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 chưa bao gồm danh mục đầu tư nâng cấp tuyến đường này. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành đề xuất nguồn vốn đầu tư thích hợp, trước mắt trong khi chưa triển khai thực hiện đầu tư được ngay, Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, đảm bảo êm thuận và an toàn giao thông.

2. Cử tri kiến nghị:  Khi xây dựng Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Mil và các địa phương trong tỉnh thì việc vận chuyển đá từ mỏ ra tới công trường xây dựng gây hư hỏng nặng một số tuyến đường nhưng đến nay chưa được đầu tư xây dựng hoàn trả  theo quy định. Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan và chủ đầu tư dự án khẩn trương giải quyết dứt điểm.

Trả lời

Về nội dung kiến nghị của cử tri Đắk Nông nêu trên, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND tỉnh Đắk Nông tại Thông báo số 582/BGTVT-UBND ngày 07/10/2016 trong đó có nội dung đầu tư các tuyến đường kết nối vơi đường Hồ Chí Minh. Ngày 27/10/2016 UBND tỉnh Đắk Nông có Văn bản số 5617/UBND -CNXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa chữa, cải tạo các tuyến đường địa phương kết nối với dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh.

Tại văn bản số 10437/VPCP-KTN ngày 02/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đấu tư là đơn vị chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT và UBND địa phương liên quan trong đó có tỉnh Đắk Nông để đề xuất thực hiện đầu tư các tuyến đường kết nối.

Đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính đã có ý kiến tại Văn bản số 5511/BTC- ĐT ngày 27/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 4444/BKHĐT-KCHTĐT ngày 16/6/2017 tổng hợp báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT cùng các  địa phương thực hiên việc cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương nêu trên, sử dụng nguồn vốn còn dư của Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để triển khai thực hiện các tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh qua địa bàn các tỉnh.

Ngay khi được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai thực hiện tuân thủ quy định.

3. Cử tri kiến nghị:

Cử tri đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét đầu tư sửa chữa Quốc lộ 28, đoạn qua huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vì mặt đường quá hẹp, lưu lượng phương tiện đi lại ngày càng tăng, hệ thống thoát nước xuống cấp, biển báo còn thiếu nên thường xuyên gây ra tai nạn giao thông, gây khó khăn trong việc di chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trả lời

Quốc lộ 28, đoạn qua huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông được đầu tư nâng cấp sẽ giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo kết nối thuận lợi hơn giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông nói riêng và và vùng Tây Nguyên nói chung. Do vậy, việc đầu tư xây dựng dự án nêu trên là cần thiết.

Hiện nay, Bộ GTVT đã đề xuất dự án nêu trên trong danh mục các dự án sử dụng vốn trung hạn giai đoạn 2016 -2020. Tuy nhiên, nguồn vốn dự kiến được giao rất hạn chế nên Bộ GTVT chưa thể cân đối vốn cho dự án này. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong khi chưa triển khai thực hiện đầu tư được ngay, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này.

III. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Cử tri kiến nghị: Hiện nay, còn nhiều tồn tại, bất cập trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (thực hiện theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Theo đó, việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về thu nhập như trước đây còn phải đáp ứng tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ xã hội cơ bản với 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cụ thể). Điều này khi áp dụng ở một số cơ sở chưa sát với thực tế và gây mất công bằng.

Trả lời:

Ngày 28/6/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, theo đó, việc xét duyệt hộ nghèo sẽ dựa trên kết quả chấm điểm tài sản của hộ gia đình (thông qua mẫu phiếu B để tính điểm B1 - ước lượng thu nhập thông qua tài sản, B2 - xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản). Bộ công cụ và quy trình đánh giá được xây dựng để đánh giá về giá trị sử dụng của hộ gia đình (không đánh giá về giá trị tài sản), qua đó xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các thành viên trong hộ, do đó, không cần thiết phải xác định mức điểm đánh giá theo giá trị của từng loại tài sản. Bên cạnh đó, việc quy định mức cho điểm để đánh giá tài sản, ước lượng mức thu nhập của hộ gia đình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dựa trên kết quả thống kê, khảo sát mức sống hộ gia đình của các vùng trên toàn quốc do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện; các chỉ tiêu, mức điểm cho từng chỉ tiêu được Tổng cục Thống kê nghiên cứu, xây dựng chặt chẽ, khoa học dựa trên những yếu tố chung nhất của từng vùng, phù hợp với những đặc điểm cơ bản của các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, do đó, về cơ bản các chỉ tiêu, mức điểm đưa ra trong bộ công cụ và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 đã phù hợp với đặc điểm chung từng vùng trên cả nước. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn có những trường hợp đặc thù, cá biệt mà bộ công cụ và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm chưa thể phản ánh đúng thực trạng của hộ gia đình, do đó, cần đến sự tham gia của cán bộ cơ sở (cấp xã và thôn, bản...) và đại diện các hộ gia đình trên địa bàn trong quá trình thống nhất kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm tại cơ sở.

Để đảm bảo phù hợp với việc đánh giá của địa phương, tại Thông tư đã hướng dẫn các địa phương có thể xin ý kiến chỉ đạo thống nhất của Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh để điều chỉnh quy định về nhận diện, đánh giá tài sản của các hộ dân trên địa bàn theo các đặc thù của địa phương.

IV. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ

Cử tri kiến nghị:

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ và xử lý nghiêm những người có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác quản lý quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Trong thực tế cán bộ cơ sở kiêm nhiệm nhiều vị trí chức danh nhưng chỉ hưởng 30% phụ cấp của vị trí kiêm nhiệm. Do đó, không khuyến khích họ làm việc, vì vậy nên xem xét cho hưởng 100% phụ cấp”.

Trả lời:

1. Trong những năm qua, Bộ Nội vụ luôn quan tâm, chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung, tăng cường thanh tra công tác tổ chức cán bộ như: Tuyển dụng, nâng ngạch, tiêu chuẩn ngạch, đánh giá công chức, thôi việc, nghỉ hưu, quản lý hồ sơ công chức dự bị. trong đó tập trung vào công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành và địa phương.

Cụ thể, từ năm 2011 - đến 2016, Thanh tra Bộ Nội vụ đã thực hiện 34 cuộc thanh tra, kiểm tra có liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại tại 12 bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tấn xã Việt Nam; Bộ Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam) và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cà Mau; Quảng Ninh; Quảng Ngãi; Bình Dương; Thanh Hóa; Thái Bình; Hòa Bình; Hà Nam; Hà Giang; An Giang; Đắk Nông; Sơn La; Bình Phước; Kiên Giang; Kon Tum; Điện Biên; Ninh Bình; Nghệ An; Thừa Thiên Huế; Cao Bằng; Hải Dương; Tây Ninh).

Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện những sai phạm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm như: Tại thời điểm bổ nhiệm chưa được quy hoạch vào chức danh được bổ nhiệm; chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về độ tuổi; trình độ lý luận chính trị; trình độ chuyên môn; trình độ quản lý nhà nước; nghiệp vụ chuyên ngành; thiếu kê khai tài sản, thu nhập; sơ yếu lý lịch. Thực hiện chưa đầy đủ quy trình bổ nhiệm (thiếu đề nghị về chủ trương bổ nhiệm; phê duyệt chủ trương bổ nhiệm; đề xuất phương án nhân sự; ý kiến của tập thể lãnh đạo; tờ trình đề nghị bổ nhiệm của đơn vị tham mưu trình người có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm...); ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm.

Trên cơ sở những sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm, kiểm điểm có biện pháp xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm; xem xét thu hồi quyết định bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các trường hợp được bổ nhiệm không đúng quy trình, không đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ chỉ đạo Thanh tra Bộ, các Vụ chuyên môn thuộc Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thanh tra, kiểm tra về công tác quy hoạch, bổ nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương; kịp thời, kiên quyết xử lý các sai phạm đảm bảo công tác quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện đúng quy định pháp luật.

2. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng Đề án “Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn” trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Nội vụ xin ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau khi Đề án nêu trên được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

V. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Cử tri kiến nghị: Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, nhân dân hưởng ứng rất tích cực, tự nguyện và vận động nhau đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhất là trong lĩnh vực giao thông nông thôn. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân rất bức xúc vì đóng góp đã lâu nhưng các công trình chưa được đầu tư xây dựng do thiếu phần vốn hỗ trợ của nhà nước. Nguyên nhân là do địa phương không cân đối được ngân sách trong khi các khoản hỗ trợ cũng như cho vay kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn từ Trung ương rất thấp so với nhu cầu của tỉnh. Cử tri đề nghị cần tăng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương để giảm sự đóng góp của nhân dân; cần tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để Chương trình này đạt hiệu quả thiết thực.

Trả lời:

Năm 2014, Quốc hội đã thống nhất bổ sung 15.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 để thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho chương trình đã tăng gấp hơn 5 lần so với vốn bố trí cho Chương trình năm 2013), giai đoạn 2016-2020 Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết số 100/2015/QH13 nâng mức hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình lên 63.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020 khả năng cân đối ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn, trong khi nhu cầu chi thường xuyên, chi trả nợ tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng chi đầu tư trên tổng chi ngân sách nhà nước giảm rất nhiều so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư ngân sách trung ương trong trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chỉ xấp xỉ giai đoạn 2011 - 2015, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn. Trong điều kiện hết sức khó khăn, Chính phủ, Quốc hội vẫn tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó bố trí cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 47.619 tỷ đồng, cụ thể năm 2016 bố trí là 4.500 tỷ đồng cho Chương trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, số vốn còn lại bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020. Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước hết sức khó khăn, Quốc hội đã phê chuẩn bố trí đủ ngân sách Trung ương cho Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Quốc hội. Chi tiết vốn thực hiện Chương trình cho từng địa phương Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thông qua. Đề nghị địa phương căn cứ nguồn vốn ngân sách Trung ương được giao, huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình tại địa phương.

2. Cử tri kiến nghị: Việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư thưa nên khả năng huy động đóng góp của nhân dân là rất hạn chế, nguồn thu ngân sách của tỉnh thấp. Nếu đầu tư của Trung ương nhưng bình quân cả nước thì tỉnh rất khó thực hiện, vì vậy cần có cơ chế đầu tư riêng cho vùng miền núi nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.

Trả lời: Theo Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội, đối tượng các xã nghèo sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, các địa phương có nhiều xã nghèo như Đắk Nông sẽ được ưu tiên bố trí vốn.

3. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu vực chưa có điện lưới quốc gia, thậm chí là thôn “trắng” về diện. Vì vậy, kính đề nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn để tỉnh có nguồn đầu tư khắc phục tình trạng này.

Trả lời: Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020 do Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư, có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Dự án đã được bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương các năm 2015, 2016. Do nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo hạn chế nên việc bố trí vốn đến hết kế hoạch 2016 nhìn chung chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.

Giai đoạn 2016-2020 để tăng cường chủ động cho các bộ, ngành trung ương và địa phương, Chính phủ báo cáo Quốc hội nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 giao tổng mức kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn kế hoạch cho từng dự án theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội đã phê chuẩn. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8836/BKHĐT-TH ngày 24/10/2016 thông báo tổng số vốn kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động lựa chọn danh mục và dự kiến mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương cho từng dự án.

Trong phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tỉnh Đắk Nông bố trí kế hoạch trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Dự án là 81 tỷ đồng, trong đó kế hoạch 2017 là 15 tỷ đồng. Thẩm quyền lựa chọn dự án và mức vốn bố trí cho các dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn do địa phương quyết định.

Đề nghị chuyển kiến nghị của cử tri đến HĐND và UBND tỉnh Đắk Nông để được xử lý cụ thể.

4. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, tình hình di dân tự do từ các tỉnh khác đến Đắk Nông vẫn rất lớn, gây sức ép cho chính quyền các cấp trong việc ổn định tình hình, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khắn trong việc quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Tỉnh Đắk Nông còn nhiều dân di cư tự do chưa được sắp xếp, ổn định cuộc sống, đề nghị sớm bố trí kế hoạch vốn để triển khai đầu tư các dự án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn. Đồng thời, có giải pháp mang tính chiến lược quốc gia nhằm hạn chế tình trạng di cư tự do như hiện nay.

Trả lời: Đắk Nông là tỉnh có nhiều dân di cư tự do. Trong những năm qua, ngân sách trung ương cũng đã ưu tiên bố trí kinh phí cho Tỉnh nhưng nhu cầu của Tỉnh đầu tư cho các dự án còn rất lớn. Đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, rà soát lại các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công. Trước mắt đề nghị Tỉnh sử dụng nguồn vốn được giao trong kế hoạch trung hạn và chủ động lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư các dự án ổn định dân di cư tự do.

Tại văn bản số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các dự án các dự án dân di cư tự do và có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên. Đề nghị chuyển kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Đắk Nông để được xử lý cụ thể.

5. Cử tri kiến nghị: Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định vốn cho một số dự án nhóm B; tuy nhiên, một số dự án tỉnh Đắk Nông chưa cân đối được vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 -2020 để triển khai thực hiện, do nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ hạn hẹp trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh quá thấp. Vì vậy, để tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu, mục tiêu quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, tính cấp thiết của từng dự án, đề nghị Trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của các chương trình này trên cơ sở vốn của Trung ương cân đối cho địa phương.

Trả lời: Theo quy định giai đoạn 2016-2020 ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho các địa phương các dự án có quy mô từ nhóm B trở lên. Đối với các dự án nhóm C, ngân sách trung ương hỗ trợ chỉ có các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án được hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và các dự án Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non. Tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, quy định các dự án nhóm C có quy mô nhỏ tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư theo quy trình rút gọn quy định tại Điều 13 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Theo đó, các địa phương lập toàn bộ danh mục dự án (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) và dự kiến tổng mức đầu tư của toàn bộ danh mục; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, không thẩm định từng dự án riêng lẻ.

Ngoài ra, đối với các dự án nhóm C quy mô nhỏ của chương trình mục tiêu quốc gia, tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được áp dụng quy chế rút gọn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án đáp ứng các tiêu chí sau: (i) Thuộc nội dung đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; (ii) Tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng; (iii) Dự án nằm trên địa bàn 01 xã và do Ủy ban nhân dân xã quản lý; (iv) Kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; (v) Sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân. Phần kinh phí đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền; (vi) Thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành./.

VI. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ y tế

1. Cử tri kiến nghị: Cử tri đề nghị chuyển việc đóng bảo hiểm y tế học sinh theo trường học về đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, để người dân được giảm mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình theo chính sách đã ban hành.

Trả lời:

Theo quy định mỗi người dân chỉ có thể tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo 01 nhóm đối tượng. Để tránh xáo trộn, trùng lặp, giảm bớt khó khăn trong việc triển khai, theo dõi, tổng hợp đối với việc bao phủ BHYT của các nhóm đối tượng, thuận lợi cho việc quản lý đối tượng tham gia BHYT, Điều 12 Luật BHYT quy định các đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự từ trên xuống dưới, trong đó học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc Nhóm 4 (Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng), nên không thể tham gia BHYT theo Nhóm 5 (Nhóm hộ gia đình) được, quy định này phần nào cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để HSSV tham gia BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi được giảm trừ mức đóng BHYT, nhất là đối với các HSSV thuộc đối tượng các hộ gia đình có từ 4 thành viên trở lên. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, HSSV đã được Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 105/NĐ-CP, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy định trên, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT của HSSV cao hơn mức hỗ trợ 30% để bảo đảm quyền lợi của HSSV và cân đối tương đồng với nhóm đối tượng tham gia BHYT khác.

2. Cử tri kiến nghị: Việc khám, chữa bệnh là một trong những nhu cầu bức thiết của nhân dân nhưng hạ tầng bệnh viện, phòng bệnh, trang thiết bị y tế, chất lượng đội ngũ y bác sĩ, chất lượng dịch vụ (nhất là các bệnh viện tuyến dưới),… chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng quá tải ở các bệnh viện vẫn diễn ra thường xuyên, gây khó khăn, thiệt thòi cho dân. Cử tri đề nghị ngành y tế phải có quyết sách khả thi trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành y tế.

Trả lời:

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra các định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng y tế đến năm 2020, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong điều kiện ngân sách đầu tư cho ngành Y tế còn hạn chế, Bộ Y tế đã triển khai nghiên cứu nhiều giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng y tế, trong đó tiếp tục ưu tiên tăng đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, kết hợp công tư (PPP) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Cụ thể như sau:

2.1. Triển khai vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

Ngày 15/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp, nguồn vốn ODA cũng dần bị thu hẹp, kêu gọi đầu tư cho y tế bằng hình thức hợp tác đối tác công tư gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, lĩnh vực y tế là lĩnh vực an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến con người nên hết sức nhạy cảm, nhiều nhà đầu tư còn do dự và chưa mặn mà, thì những hình thức đầu tư, cơ chế chính sách tại Nghị quyết số 93/NQ-CP đã tạo động lực đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá đầu tư vào y tế, nhất là đầu tư vào hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, điều trị cho bệnh nhân.

Nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa, trong 10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt và vượt mức kế hoạch, cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Hệ thống y tế bao gồm y tế công lập và y tế tư nhân đã có bước phát triển mới. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới. Năng lực dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng cao, ngăn chặn kịp thời nhiều dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, không để dịch lớn xẩy ra. Đã có đột phá trong đầu tư, hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 610/766 bệnh viện từ nguồn trái phiếu chính phủ, đang triển khai xây dựng 05 bệnh viện trung ương và tuyến cuối hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.Hầu hết, các bệnh viện tuyến Trung ương đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng như: Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Da liễu...

2.2. Thực hiện liên doanh liên kết lắp đặt thiết bị

Qua tổng hợp báo cáo của 22 Sở Y tế và 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế: đến nay trong ngành Y tế triển khai khoảng 810 đề án liên doanh, liên kết với tổng số vốn là 3.882 tỷ đồng. Việc liên kết lắp đặt thiết bị tại các bệnh viện đã góp phần phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Các thiết bị xã hội hoá chủ yếu là thiết bị chẩn đoán, điều trị, kỹ thuật cao có giá trị lớn mà ngân sách không thể trang bị được như: 03 máy PET.CT (tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai), CT-Scanner các loại (đã có 01 hệ thống 256 lớp cắt, 128 lớp cắt, nhiều hệ thống 64 lát cắt); hệ thống cộng hưởng từ (MRI), hệ thống gia tốc tuyến tính, các thiết bị phá sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, các máy xét nghiệm…

2.3. Xây dựng các khu khám, điều trị theo yêu cầu

Một số bệnh viện đã huy động vốn để đầu tư khu khám bệnh theo yêu cầu, chọn thầy thuốc khám, xây dựng một số buồng bệnh có điều kiện dịch vụ tốt hơn như phòng có ít giường hơn, có trang bị ti vi, tủ lạnh hoặc suất ăn tại giường. Khu điều trị này nằm trong khuôn viên bệnh viện, về nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến số giường bệnh theo kế hoạch được giao.

Theo kết quả kiểm tra bệnh viện giai đoạn 2012-2014, tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập là 5%, trong đó các bệnh viện Trung ương là 11,1%, các bệnh viện tỉnh đạt 4,8%, các bệnh viện huyện chỉ có 3%. Tại khu vực này thì giá khám bệnh, giá giường bệnh được tính theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy theo Nghị định 43 nên mức thu cao hơn nhiều so với giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh do Bộ Y tế hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định của bệnh viện. Nhờ đó bệnh viện có thêm nguồn thu để bù đắp các chi phí chưa được thu đối với khu vực bảo hiểm y tế và tăng thêm thu nhập cho cán bộ y tế. Vai trò quản lý nhà nước đối với khu vực này thể hiện ở: Hướng dẫn nội dung, nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ tại Nghị định số 85/NĐ-CP và các văn bản điều hành; chỉ đạo để bảo đảm công bằng trong cung cấp dịch vụ chuyên môn (việc thực hiện các kỹ thuật y học là như nhau, chỉ khác nhau về giường nằm); kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu cho đúng các quy định, kể cả việc nộp thuế theo pháp luật.

2.4. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP)

Trên cơ sở một số văn bản như: Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (cho phép đơn vị sự nghiệp y tế được huy động vốn để thành lập các cơ sở xã hội hóa, hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội); Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường; Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 về việc hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ sở y tế công lập; và các văn bản pháp luật có liên quan khác, các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành Y tế đã chủ động vay vốn, huy động vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (NĐ15), Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã tạo một khuôn khổ pháp lý thống nhất và rõ ràng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam. Các quy định mới đã mở rộng nhiều lĩnh vực áp dụng PPP, tập hợp nhiều dạng thức hợp đồng dự án PPP, cụ thể hóa sự chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân, ưu đãi, đảm bảo đầu tư, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.

Để đẩy mạnh triển khai các mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong thời gian tới, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác PPP và đang kiện toàn để thành lập Ban chỉ đạo PPP. Trên cơ sở quy định khung tại Nghị định 15, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với các chuyên gia trong nước, nước ngoài, một số tổ chức quốc tế triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về thực hiện PPP trong ngành Y tế, dự kiến hoàn thành trong năm 2017; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các mô hình đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng ngành y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần  không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam.

Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách trên đây, thời gian tới cơ sở hạ tầng của các bệnh viện chắc chắn sẽ thay đổi theo hướng tích cực, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

3. Cử tri kiến nghị:

Cử tri đánh giá cao ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, cử tri cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chưa phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế hiện nay; việc tổ chức khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện còn chưa thật hợp lý, một bộ phận y bác sỹ có thái độ không đúng chuẩn mực khi người dân khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Cử tri đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; khắc phục kịp thời tình trạng trên để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân; đồng thời cần tăng cường thanh tra, giám sát mạnh mẽ hơn nữa việc thu chi quỹ và khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các bệnh viện.

Cử tri ghi nhận sự cố gắng trong thời gian qua của ngành y tế trong việc thưc hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, đưa vào sử dụng nhiều cơ sở y tế hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới, phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân băn khoăn trước việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kể từ ngày 1/3/2016. Kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Trả lời:

3.1. Về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ ưu tiên sau:

Thứ nhất: Đổi mới quan điểm, tư duy của nhân viên y tế về người bệnh, quản lý chất lượng dịch vụ y tế.

Lãnh đạo, nhân viên y tế cần đổi mới quan điểm, tư duy về người bệnh và quản lý chất lượng, lấy "người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị", an toàn của người bệnh là số 1, quản lý và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính "sống còn". Lãnh đạo Bệnh viện cần phải thay đổi quan điểm cho rằng phải có kinh phí mới tiến hành cải tiến chất lượng được. Xác định những việc đòi hỏi ít kinh phí vẫn nâng cao được chất lượng để cải tiến.

Thứ hai: Tích cực triển khai các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành           Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, và Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ KCB khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó nhấn mạnh các giải pháp: Cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng; cải tiến thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế; ứng dụng phát số khám bệnh tự động, bảng số điện tử; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc; Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức đồng thời sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh và các buồng bệnh, mua bổ sung, thay thế bàn, ghế, giường, tủ, dụng cụ khám bệnh, điều hòa nhiệt độ, quạt điện, chăn, ga, gối, đệm, quần áo người bệnh v.v... tại khu vực khám bệnh và các buồng bệnh. Thực hiện tốt cam kết không nằm ghép sau giờ quy định.

Thứ Ba: Thực hiện nghiêm các văn bản, công cụ quản lý chất lượng đã ban hành gần đây thông qua việc:

- Triển khai Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện: khẩn trương, nghiêm túc thiết lập bộ máy, thành lập phòng/tổ quản lý chất lượng, nhân viên chuyên trách, mạng lưới chất lượng. Các nhân viên quản lý chất lượng cần xác định nhiệm vụ và là đầu mối hướng dẫn bệnh viện quản lý chất lượng.

- Thực hiện Thông tư số 01/2013/TT-BYT ngày 11/01/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám chữa bệnh: tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm thường xuyên và cải tiến nâng cao chất lượng xét nghiệm.

- Áp dụng Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện: nghiên cứu áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ BHYT.

- Áp dụng Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03/12/2013 ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện: Các bệnh viện dựa trên 83 tiêu chí để xác định những vấn đề tồn tại và ưu tiên để xây dựng các đề án cải tiến chất lượng cho từng bộ phận như khám bệnh, kế toán, dược, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng, dinh dưỡng, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng... Các bệnh viện cần nỗ lực đẩy mạnh cải tiến chất lượng toàn diện hơn trên cơ sở đầy đủ các khía cạnh từ chất lượng nhân lực, chuyên môn đến cơ sở vật chất, phương tiện, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Bộ Y tế sẽ công bố chất lượng hạng 1 trở lên, tiến tới công bố chất lượng của toàn bộ các bệnh viện trên toàn quốc, bệnh viện có chất lượng tiêu biểu công khai, minh bạch để người dân có thêm thông tin lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh sau khi các bệnh viện được khám thông tuyến BHYT.

- Triển khai Quyết định số 4276/QĐ-BYT ngày 14/10/2015 Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượngkhám chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025, các Sở Y tế, bệnh viện và ban ngành cùng vào cuộc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng riêng của mình cho phù hợp với thực tế và triển khai tích cực.

Thứ Tư: Tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng và triển khai các hướng dẫn kỹ thuật

Trong các năm gần đây, Bộ Y tế đã ban hành 5124 hướng dẫn quy trình kỹ thuật của 28 chuyên khoa và xây dựng 13 cuốn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện cần tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng thông qua việc áp dụng, cập nhật, triển khai các hướng dẫn kỹ thuật và thông tư chuyên môn như Thông tư số 07/2015/TT-BYT áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, Thông tư 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và nhiều thông tư, văn bản khác như bệnh viện vệ tinh, công tác luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới, tích cực chỉ đạo tuyến...

Thứ Năm: Xử lý kịp thời thông tin phản hồi của người dân

Các Bệnh viện nghiêm túc xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân thông qua các kênh thông tin báo chí, hòm thư góp ý, đường dây nóng và kể cả các trang mạng xã hội, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-BYT về đường dây nóng.

Bộ Y tế cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội và cử tri. Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri kiến nghị tới Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành tiếp tục đầu tư các nguồn lực và ủng hộ mạnh mẽ ngành Y tế tiến hành cải tiến chất lượng, đồng thời điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo đúng lộ trình, giúp bệnh viện có thêm nguồn kinh phí tiến hành cải tiến chất lượng.

3.2. Về nâng cao y đức

Không chỉ hiện nay, mà ngay từ những năm 1970, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh đã trở thành vấn đề luôn được quan tâm của ngành Y tế. Bộ Y tế đã ban hành nhiều Chỉ thị về chấn chỉnh công tác bệnh viện, về việc chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ trong các cơ sở phòng bệnh, chữa bệnh như:

+ Chỉ thị số 06/BYT-CT ngày 15/3/1974 về việc chấn chỉnh công tác bệnh viện;

+ Chỉ thị số 10/BYT-CT ngày 27/11/1975.

Chỉ đạo của ngành Y tế càng quyết liệt hơn trong những năm 1990 với một loạt các quy định như:

+ Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6/11/1996 ban hành qui định về y đức;

+ Quyết định số 2526/QĐ-BYT ngày 21/8/1999 ban hành tiêu chuẩn cụ thể phấn đấu về y đức;

+ Chỉ thị số 09/2001/CT-BYT ngày 8/8/2001 về tăng cường y đức nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế;

+ Quyết định số 4031/2001/QĐ-BYT về việc ban hành “Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám, chữa bệnh”.

+ Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 09/CTBYT ngày 22/11/2013 về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng;

+ Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25 tháng 02 năm 2014 quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế;

+ Thông tư số 25/2015/TT-BYT ngày 01 tháng 10 năm 2015 quy định về hòm thư góp ý tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt năm 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” (Ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015). Kế hoạch tập trung vào 06 giải pháp trước mắt như:

a. Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên y tế về Y đức, tầm quan trọng của công tác giao tiếp ứng xử và tăng cường kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế.

b. Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ nhân viên y tế đối với người bệnh, người nhà người bệnh.

c. Chú trọng công tác kiểm tra giám sát tại chỗ bao gồm cả công tác tự kiểm tra giám sát của mỗi cơ sở.

d. Tăng cường kiểm tra, xử lý giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế và thường xuyên tổ chức thu thập ý kiến phản ánh của người bệnh thông qua đường dây nóng 1900-9095 của Bộ Y tế, hộp thư góp ý của người bệnh. Bộ Y tế thường xuyên tiến hành kiểm tra, chỉ đạo các Sở Y tế, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai thực hiện chủ trương đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

e. Xây dựng quy chế khen thưởng để kịp thời động viên khuyến khích, vinh danh những tấm gương tốt về giao tiếp ứng xử của cán bộ nhân viên y tế đối với người bệnh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hiện nay toàn ngành Y tế đang tích cực triển khai kế hoạch này và bước đầu đã thu được một số kết quả. Qua đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, chỉ số hài lòng của bệnh nhân đối với dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên. Tuy nhiên, tại các bệnh viện vẫn còn một số ít cán bộ y tế có tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh chưa tốt, người bệnh chưa hài lòng, đôi khi gây bức xúc cho người bệnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc. Để khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai các nội dung sau:

a. Triển khai toàn bộ các nội dung trong Kế hoạch được phê duyệt kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đặc biệt quan tâm đến công tác hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho 100% cán bộ y tế, trong đó có cả cán bộ bảo vệ, hành chính, thu ngân…

b. Tăng cường kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất các địa phương, đơn vị về nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế.

c. Khen thưởng, biểu dương, nêu gương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Quyết định số 2151/QĐ-BYT; xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm trong quá trình kiểm tra phát hiện hoặc được người dân, báo chí phản ánh (sau khi đã thẩm định, kiểm tra là đúng có vi phạm).

d. Tiếp tục xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo bộ Tiêu chí chấm điểm mới.

e. Tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, vật chất, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến lề lối, tác phong làm việc, quy trình khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, đặc biệt khu phòng khám, xét nghiệm…

3.3. Về việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế

Theo quy định của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, các hành vi vi phạm liên quan đến bảo hiểm y tế đều bị xử phạt hành chính, với các mức phạt khá cao. Đồng thời để chấn chỉnh các hành vi lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 13/6/2014 về việcTăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), đã kịp thời chấn chỉnh các trường hợp lạm dụng và đã chuyển cơ quan pháp luật khởi tố đối với một số trường hợp sử dụng thẻ BHYT của người khác lấy thuốc để bán.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng hệ thống Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT chi phí khám chữa bệnh BHYT, hệ thống này sẽ phát hiện những cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh BHYT có tần suất khám bệnh, chữa bệnh cao; sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật y tế không phù hợp, không đúng với bệnh tật, để từ đó kịp thời xử lý các trường hợp lạm dụng thẻ BHYT để lấy thuốc không đúng quy định.

3.4. Cử tri kiến nghị: Mặc dù cho đến nay phần lớn người đã tham gia mua bảo hiểm y tế nhưng vẫn còn rườm rà trong thủ tục thanh toán do sự không thống nhất trong hệ thống bệnh viện các tuyến. Đó là trường hợp một số bệnh viện không tham gia ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm, nên khi người dân khám chữa bệnh tại bệnh viện đó không thanh toán được bằng thẻ bảo hiểm y tế mà phải tập hợp toàn bộ giấy tờ đến cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán trực tiếp. Việc này gây mất thời gian, chi phí đi lại cho người dân. Do đó, đề nghị Bộ y tế nghiên cứu, đưa ra giải pháp thống nhất trong hệ thống bệnh viện để người dân yên tâm mua bảo hiểm y tế.

Bộ y tế trả lời:

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2016 cơ quan bảo hiểm xã hội đã ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 1465 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước, trong đó có: 968 bệnh viện nhà nước (các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến Trung ương), 102 Phòng khám, 344 Trung tâm y tế; 364 bệnh viện và phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; khoảng 10.000 trạm y tế xã để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Như vậy, hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang hoạt động đều đã tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Để bảo đảm quyền lợi của mình, đề nghị người dân có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh (trừ trường hợp cấp cứu) đến nơi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trên thẻ bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với trường hợp thanh toán trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đơn giản hóa thủ tục thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.

VII. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ

7.1. Cử tri kiến nghị: Nhiều ý kiến cử tri tiếp tục phản ánh về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước. Cử tri cho rằng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, hiện nay hiệu quả chưa như mong muốn. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải có giải pháp kiên quyết hơn nữa trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, điều tra, quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và công khai cho công dân biết.

Trả lời:

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và luôn xác định công tác PCTN là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác PCTN trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời; công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập...

Để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về PCTN và tích cực ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng tham nhũng, Chính phủ đã và đang tích cực triển khai công tác PCTN trên quan điểm phải sử dụng tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng; vừa tích cực, chủ động trong phòng ngừa, vừa kiên quyết trong phát hiện, xử lý. Cụ thể:

- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tập trung thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI)[1]; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015[2] và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị[3]; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ[4]; các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung), đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm sự đồng bộ và nâng cao hiệu lực của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng giải pháp công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nhất là cán bộ quản lý; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...

- Tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao[5]; xử lý những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật; chú trọng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tham nhũng. Động viên, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

- Tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để đảm bảo chính xác thông tin khách quan, đúng sự thật để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; quan tâm hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tham gia tích cực, chủ động thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

7.2. Cử tri kiến nghị: Trong thời gian qua, liên tục xảy ra nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương được báo cáo là đúng quy trình nhưng lại gây nhiều bất bình trong dư luận xã hội. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét lại việc quy định tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát quy trình và đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, đảm bảo hệ thống bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, cử tri đồng tình với sự vào cuộc điều tra, xử lý vi phạm các vụ án tham nhũng, cố ý làm trái quy định của pháp luật gây thất thoát tài sản Nhà nước và nhân dân hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cử tri mong muốn cần phải xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu ở những cơ quan, đơn vị để xảy ra các vi phạm nêu trên và thông tin cho cử tri và nhân dân biết, theo dõi.

Trả lời:

Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý (năm 2015 chỉ có 46 người đứng đầu bị xử lý, so với 257/545 vụ án tham nhũng đã được xét xử; năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu 194/441 vụ án tham nhũng đã được xét xử).

Đây cũng là hạn chế mà Chính phủ đã nghiêm túc chỉ ra khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể bị đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp như:

- Tiếp tục hoàn thiện quy định trách nhiệm người đứng đầu, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xẩy ra tham nhũng;

- Làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra các vụ án tham nhũng, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn.

- Miễn, giảm trách nhiệm và khi cần thiết sẽ biểu dương đối với những người đứng đầu đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng trong phạm vi quản lý.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý, không bao che, nương nhẹ đối với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Kiên quyết, quyết tâm cao trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

- Có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức viên chức phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.

Để tăng cường trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, Chính phủ đã có những đề xuất cụ thể sửa đổi Luật PCTN về nội dung này và chuẩn bị trình Quốc hội trong ký họp tháng 10/2017.

VIII. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính

Cử tri kiến nghị: Đề nghị Chính phủ cân nhắc kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm của đất nước, cần tính toán kỷ về nguồn lực đảm bảo cân đối nguồn vốn hợp lý, đồng thời tập trung đầu tư công trình trọng tâm để phát triển kinh tế cả nước và địa phương, tránh đầu tư dàn trải hiệu quả thấp, gây lãng phí tạo gánh nặng về nợ công. Trong đầu tư Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn các chương trình, dự án để phát triển kinh tế, hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thu hút các nhà đầu tư tạo nhiều công việc làm cho người lao động, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân. Cử tri đề nghị xem xét bổ sung vốn, tăng định mức hỗ trợ ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu long; tiếp tục thực hiện Chương trình theo Quyết định số 168/QĐ-TTg về việc định hướng dài hạn và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; ưu tiên bố trí ngân sách và có biện pháp để huy động nguồn vốn ODA đầu tư cho các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng ngập mặn. Tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước, thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí và công tác quản lý giá…

Trả lời:

8.1. Tình hình thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý  NSNN năm 2016:

(1) Công tác quản lý, điều hành NSNN 2016 được triển khai khẩn trương, đảm bảo chặt chẽ, theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt.

Trên cơ sở sớm nhận diện, đánh giá những khó khăn, thách thức phát sinh, ngay từ đầu năm (giá dầu thô ở mức thấp, tăng cường cắt giảm thuế quan thực hiện cam kết hội nhập quốc tế, hạn hán, thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa phương), Chính phủ đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành NSNN, ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016; Chỉ thị số 22/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016, trong đó, yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; giữ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Trong điều hành, đã rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách về tài chính, thuế, phí phù hợp với thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, như: trình Quốc hội ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020... Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu; triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại[6]; đôn đốc thu các khoản theo kết quả kiểm toán, thanh tra, xử lý thu nợ đọng thuế[7]; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều chỉnh giá dịch vụ công (xăng dầu, sữa, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, cước vận tải...) theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tăng cường quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Nhờ vậy, kết quả thu, chi NSNN đã đạt được kết quả tích cực. Đến hết năm 2016, thu cân đối NSNN đạt 1.101,38 nghìn tỷ đồng, tăng 86,88 nghìn tỷ đồng (8,6%) so dự toán, đảm bảo kịp thời được các nhiệm vụ chi theo Nghị quyết Quốc hội, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

2. Các giải pháp tăng cường công tác quản lý NSNN, thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí và công tác quản lý giá

Để tăng cường công tác quản lý NSNN, thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa (thuế, phí, giá....) trong năm 2017 và những năm sắp tới, cần tập trung vào các giải pháp sau:

(1) Về thu NSNN: Tăng cường, đổi mới công tác quản lý thu, quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nâng tỷ lệ số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2017. Quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước. Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2017 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2017. Đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thu đúng, đủ, kịp thời vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư để có nguồn thu về NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và cho nông nghiệp, nông thôn.

(2) Về chi NSNN: Tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán; giữ bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định.

(3) Về nợ công: Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN. Thực hiện đánh giá đầy đủ tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.

(4) Tổng kết, đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý giá để kịp thời điều chỉnh, bổ sung khắc phục những hạn chế, yếu kém, quy định chưa phù hợp. Tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh thực hiện lộ trình giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu; sớm thực hiện đầy đủ cơ chế giá thị trường đối với dịch vụ công, điện, đất đai và tài nguyên quan trọng; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với các đối tượng chính sách (người nghèo, người dân tộc thiểu số,..).

(5) Phối hợp hiệu quả các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP tối thiểu đạt kế hoạch đề ra; thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch đối với các thông tin liên quan đến tài chính ngân sách theo quy định; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, giảm dần bội chi NSNN.

IX. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cử tri kiến nghị:  Cử tri cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế cho thuê đất, thuê rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm tránh xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng hoặc vấn đề tranh chấp đất đai ngày càng phức tạp giữa các công ty, nông lâm trường với người dân mà tỉnh Đắk Nông là một trong những điểm nóng. Toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay có đến 42 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp đang được triển khai với tổng diện tích đã giao, cho thuê là hơn 33.400 ha; việc giao, cho thuê không dàn đều ở các huyện mà tập trung vào một số huyện. Trên thực tế, nhiều dự án không có khả năng triển khai theo đúng kế hoạch, không có năng lực quản lý bảo vệ rừng dẫn đến mất rừng, xâm lấn, mua bán tranh chấp đất đai trong khi người dân tại chỗ thiếu đất sản xuất gây nhiều hệ lụy phức tạp như mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, khiếu kiện kéo dài,...

Trả lời

Hiện nay, các quy định của pháp luật về cơ chế, chinh sách cho thuê đất, cho thuê rừng được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai; Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013; Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT gồm: Thông tư số 38/2007/TT-BNNPTNT ngày 25/4/2007 về hướng dẫn trình tư, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn; Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT - BNNPTNT - BTNMT ngày 29/01/2011 về hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất và cho thuê đất.

Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, sửa đổi để hoàn thiện tốt hơn cho thuê đất, thuê rừng, nhằm đảy mạnh thực hiện xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng gắn với khác thác các lợi ích từ rừng.

Chú giải:


[1] Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

[2] về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

[3] về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng

[4] về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

[5] quản lý tài chính, ngân sách, tín dụng, ngân hàng, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tái cơ cấu và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước..

[6] Cơ quan Hải quan đã triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, thực hiện gần 9,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, qua đó xử lý tăng thu cho ngân sách 3,3 nghìn tỷ đồng.

[7] Năm 2016, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 84,5 nghìn doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu gần 17,2 nghìn tỷ đồng (đã thực hiện thu vào ngân sách 11,9 nghìn tỷ đồng), tăng 38,9% so với năm 2015; đôn đốc, cưỡng chế thu được 42,5 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế , tăng 13,2% so với năm 2015; xử lý thu 6,6 nghìn tỷ đồng các khoản Kiểm toán Nhà nước kiến nghị trong quyết toán NSNN năm 2014; đồng thời, đã chuyển cơ quan công an 2.776 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO