Tròn 60 năm Bác Hồ viết tác phẩm Đạo đức cách mạng: “Đạo đức cách mạng” cho hôm nay và mai sau

H.V.M| 28/12/2018 10:35

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ở miền Bắc, Nhân dân ta bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Trong bối cảnh mới của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy những khó khăn, thách thức của chặng đường phía trước đó là hạn chế của công tác cán bộ, có nguy cơ, biểu hiện về suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống... bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể gây phương hại cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta. Xuất phát từ thực tiễn đó, Bác Hồ đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng. Tác phẩm đăng trên Tạp chí Học tập, tạp chí lý luận của Đảng, nay là Tạp chí Cộng sản, vào tháng 12 năm 1958.

60 năm nhìn lại, tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, mang tính thời sự, có ý nghĩa giáo dục, chỉ đường cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hôm nay.

Những phẩm chất đạo đức cách mạng cơ bản

Nói về vai trò, vị trí của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức là nền tảng tinh thần, có nội hàm sức mạnh to lớn - nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, giúp cho con người vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Do vậy, đạo đức là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội và đối với cá nhân con người xã hội. Vai trò của đạo đức lại càng quan trọng, chiếm vị trí hàng đầu trong những phẩm chất của người cách mạng. Đạo đức là gốc của con người, là nền tảng tư tưởng, tinh thần, định hướng sự phát triển của cán bộ, đảng viên. Đạo đức cách mạng được Người ví như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, là nền tảng và sức mạnh - “cái gốc” của người cách mạng.

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng trình bày và giải thích một cách toàn diện, chặt chẽ và khái quát nhất về đạo đức cách mạng, biểu thị đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bác Hồ chỉ rõ đạo đức cách mạng gồm bốn chuẩn theo thứ tự được trình bày, trong đó điều chủ chốt nhất và cũng là “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Chuẩn thứ hai của đạo đức cách mạng được Người chỉ ra là cán bộ, đảng viên phải thể hiện bằng hành động, ra sức để thực hiện ba nội dung: Ra sức làm việc cho Đảng; Ra sức giữ kỷ luật của Đảng; Ra sức thực hiện đúng đường lối của Đảng. Người viết rõ: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”. Những chỉ dẫn trên cho thấy, theo Hồ Chí Minh, trung thành và ra sức làm việc của cán bộ, đảng viên không phải vì danh, lợi cá nhân mà vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân để hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, dám hy sinh, đấu tranh quên mình và phải đạt tới mức “gương mẫu trong mọi việc” của hành động thực hiện mục tiêu lý tưởng. Đó là sự vượt trội của đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam là: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng. Theo Bác, “trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Đây cũng là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị, đạo đức cho mỗi người Việt Nam, không phải chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn lâu dài trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa cá nhân - kẻ địch rất nguy hiểm

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Người cũng chỉ ra những kẻ địch của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gồm: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm, thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to và chủ nghĩa cá nhân - một loại kẻ thù vô cùng nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội.

Những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện và khái quát như sau: chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể". Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Chủ nghĩa cá nhân là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ”, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Người cảnh báo: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Cùng với việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng phải kiên quyết chống những biểu hiện phi đạo đức, chống “chủ nghĩa cá nhân”.

Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, nhưng cần phải đề phòng tư tưởng cực đoan, phải phân biệt “chủ nghĩa cá nhân” và “quyền lợi cá nhân chính đáng”. Muốn tránh sai lầm trong nhìn nhận, đánh giá con người hay công việc, tránh mắc phải căn bệnh giáo điều, theo Hồ Chí Minh: “Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin... Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”.

Người yêu cầu chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ tất yếu của cách mạng Việt Nam: Muốn chủ nghĩa xã hội thành công thì phải chống được chủ nghĩa cá nhân và phải thực hiện cho được đạo đức cách mạng. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng chủ nghĩa cá nhân bởi nó là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”.

Giá trị và ý nghĩa cho hôm nay

Tấm gương đạo đức trong sáng và di sản tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng có giá trị trường tồn không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn cả với nhân dân thế giới. Học tập, quán triệt những chỉ dạy của Người để xây dựng Đảng ta trở thành một “Đảng là đạo đức, là văn minh” là việc làm thường xuyên, liên tục.

Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh xây dựng Đảng về đạo đức, trong các Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI và XII); Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời đề ra nhiệm vụ cấp bách và những giải pháp cụ thể, nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Và sắp tới đây, Bộ Chính trị sẽ ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền; Ban Bí thư sẽ ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng,...

Từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ của Đảng hiện nay, chúng ta càng thấy rõ các chỉ dẫn về xây dựng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc. Càng ý thức được lời dặn của Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Tác phẩm Đạo đức cách mạng thể hiện trách nhiệm, tình cảm và mong ước lớn lao của Người gửi gắm cho các thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay về việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; cũng là thông điệp, lý luận của Người về xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tròn 60 năm Bác Hồ viết tác phẩm Đạo đức cách mạng: “Đạo đức cách mạng” cho hôm nay và mai sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO