Tư duy nhiệm kỳ - lực cản cần loại bỏ

Vũ Hà| 16/04/2018 09:37

Tư duy nhiệm kỳ” là một thuật ngữ mới xuất hiện và thường được nói tới những năm gần đây. Theo nghĩa tiêu cực, “tư duy nhiệm kỳ” là việc làm vì mục tiêu, lợi ích trước mắt trong ngắn hạn để thu lợi cho bản thân, cho “nhóm lợi ích” hoặc cho tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn chung của tập thể, cộng đồng...

“Tư duy nhiệm kỳ” là một dạng biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tạo sức ì rất lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội, đồng thời nó là một trong những nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, vị kỷ, vụ lợi, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân. “Tư duy nhiệm kỳ” đã đẻ ra kiểu tư duy, thói xấu: Thấy lợi thì làm, thấy khó thì tránh, chỉ thấy quyền lợi, không thấy hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Đó là một kiểu tư duy ngắn hạn, mang tính thời vụ, chỉ lo nghĩ đến cái trước mắt, vun vén lợi ích cá nhân, vì cái danh và cái lợi của mình.

Người có tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ” thường “ý chí hóa cá nhân” vào chủ trương lãnh đạo của cấp ủy, nên nghị quyết tuy mang danh “tập thể lãnh đạo”, nhưng thực tế đã bị “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” dẫn dắt. Không ít quan chức ở “bình minh nhiệm kỳ” thì hứa hẹn, hô hào nhưng đến nửa cuối nhiệm kỳ thì nhạt dần và đến cuối nhiệm kỳ thì đối phó, trì trệ, cầm chừng. Với tư duy nhiệm kỳ, người kế nhiệm thay vì tiếp tục thực hiện, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kế hoạch “dài hơi” của người tiền nhiệm thì lại đặt ra kế hoạch mới để rồi cũng dang dở khi về hưu, hoặc chuyển công tác.

“Tư duy nhiệm kỳ” thể hiện rất rõ ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” nhằm tranh thủ thực hiện “chuyến tàu vét” trong cả lĩnh vực dự án, bổ nhiệm hoặc biên chế. Đặc biệt hệ lụy của “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức, cán bộ ở các khâu nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm là rất nguy hại... Sự thiếu khách quan và những tiêu cực của nó đã làm thui chột động lực học tập, rèn luyện, phấn đấu của những cán bộ tốt và tạo nên dư luận xấu trong nội bộ và cả những cán bộ được đề bạt. Rõ ràng, cấp trên mà “tư duy nhiệm kỳ” thì cấp dưới dù tích cực, năng động, sáng tạo đến đâu cũng không được khuyến khích, phát huy, dẫn đến làm việc cầm chừng.

Sự cố kết của các nhóm lợi ích với những người hoạch định và thực hiện chính sách theo “tư duy nhiệm kỳ” dễ dẫn tới các hành vi tham nhũng hoặc trục lợi, vun vén cá nhân chỉ biết lợi ích cá nhân, địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức mình, mà không tính, không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Thực tế cho thấy, “tư duy nhiệm kỳ” là cặp “song sinh” với “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” cho tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng có cơ hội “nảy nở” cán bộ, đảng viên và trong bộ máy chính trị.

Tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (ngày 10/10/2011) của Đảng lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” như lời cảnh báo, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10/2016) Đảng ta xem “tư duy nhiệm kỳ” cũng là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và cần phải loại bỏ.

Muốn khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” cần phải có những cơ chế, chế tài đủ mạnh để “bịt chặt” các “lỗ hổng”, không cho mặt trái của “tư duy nhiệm kỳ” phát sinh, lây lan. Theo đó, cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với quan chức lãnh đạo, truy trách nhiệm, xử lý ngay cả khi quan chức về hưu. Loại bỏ cho được cái công thức bất thành văn “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, trí tuệ” trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, không còn những câu hỏi nhức nhối “tìm người tài hay người nhà” trong dư luận xã hội.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật, loại bỏ những kẻ thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị, hám danh, hám chức, tham quyền, trục lợi ra khỏi bộ máy lãnh đạo nhà nước. Đây là một trong những giải pháp cốt yếu nhằm xóa bỏ được tư duy nhiệm kỳ, xây dựng một đội ngũ công chức lãnh đạo trong sạch, tận tâm, tận tụy, vì dân. Cũng thời gian qua, chưa bao giờ tỉnh ta tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm khắc như vậy nhằm củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, trong đó có việc khắc phục, đẩy lùi, xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư duy nhiệm kỳ - lực cản cần loại bỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO