Tự hào là người con của quê hương Nâm Nung anh hùng

Hoàng Thanh| 26/10/2020 14:00

Ở xã Nâm Nung (Krông Nô), hiện có nhiều cựu chiến binh là đồng bào dân tộc thiểu số từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam. Đặc biệt, trong quá trình công tác, chiến đấu, nhiều người đã gặp nhau, nên duyên vợ chồng từ thời ở căn cứ Nâm Nung.

ADQuảng cáo

Nên duyên trên căn cứ

Một ngày mưa cuối tháng 10, chúng tôi có dịp về thăm vợ chồng ông Y Xuyên ở bon Ja Răh, xã Nâm Nung. Trong căn nhà nhỏ, ấm cúng của mình, vợ chồng ông đang quây quần bên đống lửa ấm áp cùng con cháu. Năm nay, ông bà đều đã gần 70 tuổi nhưng trông còn rất khỏe mạnh, hàng ngày vẫn đều đặn lên rẫy. Bên bếp than hồng, ông Y Xuyên kể cho chúng tôi về một thời tham gia kháng chiến, cầm súng đánh Mỹ.

Gần 70 tuổi, hai ông bà Y Xuyên-H’Rôm luôn yêu thương, chăm sóc nhau như ngày nào

Theo lời ông Y Xuyên, năm 1969, khi mới vừa 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Ngày ấy, Nâm Nung là căn cứ kháng chiến nên có nhiều đơn vị bộ đội ở trong rừng. Vì nhỏ tuổi, nên ông tham gia đưa lương thực, thuốc men… tiếp tế cho bộ đội.

Một thời gian sau, ông được nhập ngũ, ban đầu tại C30, sau chuyển về C35. Từ năm 1972, do yêu cầu của cấp trên, đơn vị ông chuyển đến hoạt động ở vùng Đắk Đam (Đắk Mil). Trong suốt thời gian bộ đội, ông Y Xuyên đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ. Ông nhớ nhất là lần đơn vị ông tham gia giải phóng quận lỵ Đức Lập vào ngày 9/3/1975. Từ khu vực rừng núi Đắk Đam, theo hướng đông, ngày 8/3/1975, đơn vị ông áp sát quận lỵ Đức Lập. Sau khi pháo của bộ đội ta dồn dập nã vào các vị trí đóng quân của địch, đơn vị ông tiến lên tiêu diệt và truy kích địch.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Y Xuyên xuất ngũ trở về địa phương. Nhắc về người vợ của mình, ông Y Xuyên tâm tình: “Tôi và bà H’rôm quen biết nhau từ nhỏ vì là người cùng bon với nhau. Tuy nhiên, đến khi bà H’Rôm tham gia tải đạn, ông bà mới quen nhau”.

Bà H’Rôm chia sẻ thêm: “Cũng như nhiều cô gái trẻ trong bon làng, năm 16 tuổi, tôi đã tham gia cách mạng. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là vận chuyển vũ khí, đạn dược từ căn cứ Nâm Nung lên tuyến giáp Campuchia. Đường vận chuyển qua Đắk Đam nên tôi hay gặp ông Y Xuyên. Là người cùng bon nên chúng tôi cảm mến nhau lắm, rồi thương nhau lúc nào chẳng hay”.

ADQuảng cáo

Được yêu mến, tín nhiệm

Sau chiến tranh, cả hai vợ chồng ông Y Xuyên may mắn lành lặn trở về địa phương. Được bố mẹ để lại cho căn nhà nhỏ và ít rẫy, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn. Bà lần lượt sinh hạ cho ông ba người con, một trai, hai gái, đến nay các con đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, cuộc sống ổn định.

Thời gian đầu khi trở về địa phương, ông Y Xuyên tham gia công tác đoàn thể, trải qua nhiều chức vụ khác nhau như bí thư chi đoàn xã, chủ tịch mặt trận xã. Ở cương vị nào ông cũng làm tốt nhiệm vụ được giao, được bà con yêu mến, chính quyền tin tưởng. Đến năm 2008, do tuổi tác, ông được về nghỉ hưu.

Trong quá trình chiến đấu, công tác ông đã được Nhà nước, quân đội, chính quyền tặng thưởng huân huy chương cao quý. Do được người dân tín nhiệm, năm 2019, ông Y Xuyên được bầu làm già làng của bon Ja Răh. Là người có uy tín, lời nói của ông Y Xuyên được người dân trong bon nghe theo. Nhờ sự tích cực của ông mà bon Ja Răh nhiều năm liền được khen thưởng về an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Ông Y Xuyên tâm sự: "Từng trải qua chiến tranh, chứng kiến bao đau thương mất mát nên tôi thấu hiểu cái giá của độc lập, tự do hôm nay. Tôi thường xuyên khuyên con cháu chịu khó lao động, học tập, không tin, không nghe theo kẻ xấu. Đặc biệt, tôi luôn giữ hòa khí xóm làng, hòa giải ngay những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở. Tôi tự hào vì mình là người con quê hương Nâm Nung anh hùng”.

Theo ông Đinh Xuân Phụng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nâm Nung, trong suốt thời kỳ chống Mỹ, đồng bào các dân tộc tại địa bàn luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn, sắt son với cách mạng. Không chỉ là cơ sở nuôi dấu, chở che cho cách mạng, người dân còn tham gia tiếp lương, tải đạn và trực tiếp cầm súng chống giặc.

Suốt thời gian chống Mỹ, người dân xã Nâm Nung đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có 40 liệt sĩ là con em các dân tộc trên địa bàn hy sinh trong cuộc kháng chiến. Với nhiều thàngh tích vẻ vang, năm 1994, xã Nâm Nung được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Đặc biệt, hiện nay nhiều cựu chiến binh, trong đó có ông Y Xuyên tiếp tục có nhiều đóng góp cho địa phương trên nhiều lĩnh vực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào là người con của quê hương Nâm Nung anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO