Tự hào là nơi nối thông Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh

Đoàn Văn Kỳ| 29/10/2020 09:22

60 năm đã đi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử to lớn của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nói chung, tuyến hành lang chiến lược qua Đắk Nông nối miền Đông Nam Bộ nói riêng mãi mãi là biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc, niềm tự hào của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt

Đắk Nông là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; là nơi hội tụ những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của 40 dân tộc cùng sinh sống.

Di tích Quốc gia đặc biệt - Địa điểm bắt liên lạc nối Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: Thanh Bình

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Đức (cũ) đã ra sức đóng góp công sức, xương máu của mình trong việc xoi, mở đường, nối thông tuyến hành lang chiến lược, vận chuyển nhân lực, vật lực vào các chiến trường Nam Bộ, cùng với quân và dân miền Nam mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là một trong những mốc son lịch sử vẻ vang của quân và dân tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trước âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) tháng 1/1959, xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cần thiết phải mở tuyến đường vận tải chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho miền Nam tiếp nhận sự chi viện về nhân, tài, vật lực của miền Bắc.

Ngày 19/5/1959, Đảng ta quyết định thành lập Đoàn 559 để đảm đương nhiệm vụ chiến lược quan trọng này. Trên cơ sở Đoàn 559, ngày 25/5/1959, Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương tổ chức thành lập Đoàn B90, gồm 25 đồng chí do đồng chí Trần Quang Sang làm Trưởng đoàn và đồng chí Phùng Đình Ấm làm Phó đoàn. Đoàn B90 có nhiệm vụ hành quân “về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắk Lắk, hợp nhất với đội vũ trang công tác ở Bắc Đắk Mil, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, gây dựng cơ sở và xoi, mở đường về Nam Bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”.

Cùng thời điểm này, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức thành lập đơn vị C200 và C270 có nhiệm vụ mở đường từ Chiến khu Đ ra Nam Tây Nguyên để bắt liên lạc với Đoàn B90. Đến cuối tháng 10/1959, Đoàn B90 vào đến Nam Đắk Lắk, tập kết tại bon Đắk Rồ (nay thuộc xã Nâm Nung, huyện Krông Nô) hợp nhất với Đội công tác Đắk Mil và lập ra Ban Cán sự Đảng để lãnh đạo Đoàn B90 xây dựng cơ sở, xoi mở đường từ Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. Từ đây, tổ chức của Đoàn B90 được chia làm ba đội để thực hiện nhiệm vụ. Các đội thực hiện việc xoi, mở, khai thông đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trên địa bàn Nam Tây Nguyên, vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, dưới mưa bom bão đạn, thời tiết khắc nghiệt vừa mở đường, bám đường vừa chiến đấu bảo vệ đường.

Sau gần một năm thực hiện nhiệm vụ xoi mở đường, vào ngày 30/10/1960, tại ngã ba vàm suối Đắk R’tíh - Sông Đồng Nai (nay là thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa), Đội I của Đoàn B90 đã bắt liên lạc với đơn vị C200 từ Đông Nam Bộ xoi đường lên Nam Tây Nguyên. Đến ngày 4/11/1960, tại gò cao ta luy đường 14 (nay là km 23 - quốc lộ 14, thuộc thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song), Đội II của Đoàn B90 đã bắt liên lạc với đơn vị C270 từ Đông Nam Bộ xoi đường lên Nam Tây Nguyên.

Sự kiện bắt nối liên lạc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên Khu V với miền Đông Nam Bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến, đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.

Kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Từ khi tuyến Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh được khai thông, quyết tâm của Trung ương là phải bảo đảm nhanh chóng, bí mật, an toàn trên chiều dài khoảng 200 km từ phía Bắc tỉnh Quảng Đức vào tỉnh Phước Long; bảo đảm bí mật và an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Trung ương vào miền Nam hoạt động và chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, một khối lượng hàng hóa lớn của miền Bắc chi viện tập kết ở Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) đã được nhanh chóng vận chuyển vào Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, trong đó có nhiều loại hàng cần thiết như máy truyền tin, đài phát thanh, thuốc men, dụng cụ y tế... Ngoài khối lượng hàng hóa vận chuyển ngày một lớn, lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến hành lang đoạn Nam Tây Nguyên (tỉnh Quảng Đức) đến Đông Nam Bộ còn tổ chức đưa đón, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn cán bộ cấp cao của ta từ miền Bắc vào Nam.

Như vậy, chủ trương xoi, mở đường và bảo vệ các tuyến đường vận tải chiến lược là điều hết sức quan trọng, đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Điều này, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa bàn Quảng Đức và đáp ứng được nhu cầu khách quan của cách mạng miền Nam. Việc nối thông tuyến đường chiến lược này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện ý chí, quyết tâm thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đắk Nông tự hào là vùng đất nối thông tuyến đường chiến lược huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh, vùng đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước của quê hương Anh hùng N’Trang Lơng; vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế, cùng với tinh thần cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc, tỉnh Đắk Nông đã và đang tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử quý báu, tiếp bước cha ông để xây dựng quê hương phát triển.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử oai hùng, oanh liệt, tầm vóc to lớn về tuyến đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta và đi vào lịch sử như một kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp đổi mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.           

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào là nơi nối thông Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO