Tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong việc chọn, sử dụng cán bộ

Vũ Hà| 15/10/2018 09:08

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Bác diễn đạt điều này một cách cụ thể và thiết thực: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”.. Muốn vậy “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; “phải khéo dùng cán bộ”.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng tháng 2/1930, ngay từ năm 1925 Bác Hồ đã mở lớp tập huấn cho những thanh niên ưu tú từ Việt Nam sang tại Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, chính Người đã trực tiếp giảng dạy, huấn luyện, lựa chọn cán bộ, làm hạt nhân cho cán bộ cách mạng của Đảng ta. Với tầm nhìn xa, từ năm 1926 Bác còn cử một số thanh niên ưu tú sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông để chuẩn bị cho các thế hệ lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau này. Nhiều người trong số nói trên, sau này đã trở thành lãnh tụ cách mạng, trong đó có người trở thành Tổng Bí thư của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Trường Chinh.

Ngay sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Bác cho phát đi thông báo, đại ý: Nước nhà cần kiến thiết, do vậy cần nhân tài. Bấy lâu nay, Chính phủ không nghe thấy hết, không nhìn rõ hết cho nên chưa sử dụng được nhiều người tài. Vì vậy, lúc đó Bác viết thư gửi cho các địa phương, phát hiện người có tài và báo cáo ngay cho Chính phủ biết để xem xét tin dùng. Bấy giờ, Bác không chỉ xây dựng đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng, mà còn cả bộ máy nhà nước. Trong đó, bộ máy Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ gồm các cán bộ ưu tú của Đảng mà còn có nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước ngoài Đảng hết lòng vì sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Đó là các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm và nhiều vị khác.

Có thể đơn cử vài trường hợp cụ thể, giới nghiên cứu đã nói rất nhiều về việc Bác Hồ chọn Võ Nguyên Giáp, vốn là cử nhân Luật và là thầy giáo dạy sử làm người đứng đầu Quân đội Việt Nam. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác chọn ông Trần Duy Hưng vốn là một bác sĩ làm Chủ tịch Hà Nội. Thế nhưng, ông Trần Duy Hưng sau đó đã chứng tỏ là nhà quản lý Thủ đô tuyệt vời. Nhiều người không phải là đảng viên cũng được Bác Hồ lựa chọn vào ví trị lãnh đạo như ông Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Giáo dục vốn là Tiến sĩ dân tộc học và ông đã làm rất tốt trọng trách quản lý ngành Giáo dục nước nhà… Thậm chí, Bác Hồ chọn ông Phan Kế Toại vốn từng là "Khâm sai đại thần Bắc bộ phủ” làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ…

Học tập và kế thừa tư tưởng Bác Hồ về công tác cán bộ, thời gian vừa qua, ngoài việc xử lý kỷ luật, bãi chức những người bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, Bộ Chính trị có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước để tránh và chống những sự “cơ cấu đặc biệt”... Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu ý việc chấn chỉnh công tác cán bộ và yêu cầu “phải đổi mới công tác cán bộ” từ việc tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm: “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong việc chọn, sử dụng cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO