Tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Thanh| 21/06/2017 09:05

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và Người cũng là nhà báo vĩ đại nhất. Những giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần dẵn dắt nền báo chí cách mạng nói chung, người làm báo nói riêng phát triển về mọi mặt cả về số lượng lẫn chất lượng.

ADQuảng cáo

Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu

Ngay từ những năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về vai trò to lớn của báo chí tiến bộ trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính và truyền bá học thuyết Mác – Lênin vào nước ta. Người coi đây là một phương tiện nhạy bén và đầy hiệu quả trong cuộc đấu tranh sống còn để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Qua thực tiễn và kinh nghiệm làm báo đầy gian truân, Bác đã căn dặn báo chí, các nhà báo: Làm báo là để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu báo chí, các nhà báo cách mạng phải thức tỉnh quần chúng, giúp người đọc tự nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, kinh tế và văn hóa, đạo đức và xã hội giúp cho người đọc hiểu và có đủ khả năng nhận thức được thế giới xung quanh một cách đúng đắn, từ đó có hành vi ứng xử thích hợp bằng một quan điểm đúng đắn, xuất phát từ lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp.

Nghề làm báo vốn là nghề đòi hỏi sự khắt khe về chính trị, đạo đức, nghiệp vụ mới có thể làm việc được hanh thông, trôi chảy, Bác cho rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.

ADQuảng cáo

Về phong cách làm báo Bác viết: “Muốn tiến bộ thì phải viết hay”, “có sự kết hợp hài hòa cái dân gian và cái bác học, cái cổ điển và cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây, từ đó tạo thành sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc”. Mỗi người cầm bút tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?  Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc. Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Bác căn dặn: “Chớ tự ái, tự cho mình là “tuyệt rồi” vì bệnh tự ái sẽ “ngăn chặn con đường tiến bộ” của người cầm bút.

Về tính chân thực, Bác thường nhắc nhở: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải  phân tích và chứng thật, không nên hàm hồ…”. “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.

Tác phẩm phải ngắn gọn, nhiều thông tin hữu ích sẽ có giá trị hơn những tác phẩm "dây cà ra dây muống", câu chữ lòng vòng đánh đố người đọc. Người dạy: “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh là cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, chữ thừa. Người nhiều lần phê bình nhắc nhở cán bộ về mặt ba hoa, viết vừa dài vừa rỗng. Người thường khuyên cán bộ nói, viết đều phải ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề. Nói dài, viết dài và sáo rỗng đều hoàn toàn xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh.

Tác phẩm phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Muốn nói, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Bác Hồ, trước hết phải học cách nói của quần chúng. Phải thực sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Bác thường nhắc nhở căn dặn cán bộ, đảng viên; “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”.

Mỗi lời dạy của Người cho đến hôm nay vẫn tươi nguyên tính thời sự - chính trị; là hành trang quý báu, là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người cầm bút - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tư tưởng – văn hóa. Bác thường xuyên nhắc nhở cái gốc của người chiến sĩ cách mạng là đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, Bác lưu ý động cơ không trong sáng của một số ít người cầm bút là “chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ”. Muốn viết cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn...Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều vẻ vang.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO