Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ

Trần Văn Hoạt| 19/10/2018 09:28

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rất hiểu và đặc biệt quan tâm đến vị thế, vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, coi công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng. Tư tưởng của Người là cơ sở lý luận cho Đảng và Nhà nước vận dụng và hoạch định chủ trương, chính sách phát triển phụ nữ nói chung, cán bộ nữ nói riêng.

ADQuảng cáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, tháng 2/1951. Ảnh tư liệu

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ nữ nói riêng, công tác cán bộ nói chung của Đảng và nhà nước. Trước lúc đi xa, Người để lại Di chúc căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cần thực hiện một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Trong các bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cấp, các ngành phải nhận thức rõ vai trò to lớn của cán bộ nữ, phải chú trọng đào tạo, sử dụng, cất nhắc cán bộ nữ. Theo Người, phụ nữ có tiềm năng to lớn, có nhiều ưu điểm như “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh”; đặc biệt là khả năng lãnh đạo, “có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi”. Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Người nhắc nhở “Đảng và Chính phủ phải quan tâm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, phù hợp với điều kiện công việc của phụ nữ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có đủ tiêu chuẩn để đề bạt, sử dụng”. Người chỉ rõ trách nhiệm của Đảng, Chính phủ: “Cần chú ý kết nạp thêm đảng viên các dân tộc và nữ đảng viên để mở rộng hàng ngũ Đảng… đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”. Vì vậy, công tác cán bộ của Đảng phải có kế hoạch, đưa chương trình đào tạo cán bộ nữ vào quy hoạch đào tạo ở các cơ sở đảng và tổ chức quần chúng với những chương trình, biện pháp cụ thể để từ đó có thể cất nhắc, bố trí, sử dụng cán bộ nữ một cách thiết thực và hiệu quả; đồng thời phải chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng hẹp hòi, trọng nam khinh nữ.

Hai là, phải xây dựng được nội dung đào tạo, bồi dưỡng toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có đủ đức và tài. Nhưng đức và tài của cán bộ không tự có, mà phải được đào tạo, bồi dưỡng mọi mặt, phải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, qua thử thách trong thực tiễn. Đặc biệt, trong những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng, có nhiều vấn đề mới nảy sinh, cán bộ nữ cần có năng lực, tính sáng tạo, quyết đoán, vừa phải thạo về chính trị, vừa phải giỏi về chuyên môn. Vì vậy, Đảng phải xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với cán bộ nữ để họ trở thành những công dân mới xã hội chủ nghĩa, vừa biết lao động chân tay, vừa biết lao động trí óc, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ học văn hóa, khoa học - kỹ thuật, nâng cao trí thức, tự vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới của từng giai đoạn cách mạng.

ADQuảng cáo

Việc tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các hội thi, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ có vai trò rất quan trọng. (Trong ảnh: Giáo viên Trường trung cấp nghề Đắk Nông tham gia Hội thi nhà giáo nghề nghiệp giỏi năm 2018. Ảnh: Thanh Nga)

Ba là, bản thân cán bộ nữ phải có kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng. Theo Hồ Chí Minh, sự nỗ lực cố gắng của bản thân phụ nữ là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đến sự giải phóng phụ nữ. Người chỉ ra một số nhược điểm, hạn chế của phụ nữ như “bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”. Người luôn nhắc nhở, động viên cán bộ nữ “phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Bản thân mỗi cán bộ nữ phải chủ động khắc phục, phải đấu tranh mạnh, “không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết, giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”. Người dạy, phụ nữ muốn được Đảng, Chính phủ tin tưởng và cất nhắc vào những vị trí lãnh đạo, quản lý, bản thân mỗi cán bộ phải không ngừng học tập mọi lúc, mọi nơi, về mọi mặt: Chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. “Phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti, chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình”. Người cũng yêu cầu Đảng và Chính phủ cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để xóa bỏ định kiến xã hội đối với phụ nữ, xóa bỏ tâm lý tự ti, giúp họ đủ tự tin đảm nhận những công việc được giao.

Trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là một nét nổi bật, xuyên suốt cuộc đời và tư tưởng của Người. Với 1.941 bài nói và viết thuộc bộ Hồ Chí Minh toàn tập đã có nhiều bài Người nhắc đến phụ nữ, làm nổi bật sự cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng và những biện pháp cơ bản để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Người đã chỉ rõ sự cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là để phát huy vai trò và những ưu điểm nổi bật của phụ nữ; góp phần khắc phục những nhược điểm, hạn chế của phụ nữ, tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ vươn lên; để bố trí, cất nhắc phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo, quản lý; góp phần giải phóng phụ nữ, giải phóng xã hội.

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ thể hiện tính nhân văn, nhân ái, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bình đẳng giới. Những tư tưởng của Người đã và đang được Đảng, Chính phủ và chính bản thân phụ nữ triển khai thực hiện có hiệu quả bằng những chủ trương, chính sách, hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng xã hội, phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO