Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Nguồn dangcongsan.vn| 20/03/2017 16:39

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 8, sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

ADQuảng cáo

Nợ công tăng nhanh

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Hiện nay, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ…

Dự thảo luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được bố cục thành 10 Chương và 67 Điều, trong đó, bổ sung 3 Chương mới, gồm: Chương II quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; Chương V về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Chương VIII về đảm bảo khả năng trả nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: H.Yến

Về phạm vi nợ công, luật hiện hành quy định nợ công gồm: (1) nợ Chính phủ; (2) nợ được Chính phủ bảo lãnh; và (3) nợ của chính quyền địa phương. Bám sát quan điểm kế thừa quy định của luật hiện hành, các cấu phần nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương; đồng thời tiếp thu, bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (các khoản bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp Nhà nước đã được tính vào nợ công), nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.

Dự thảo luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã quy định một số điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho từng nhóm đối tượng; quy định chặt chẽ về điều kiện đối với người vay được bảo lãnh, dự án, chương trình, khả năng trả nợ và tính khả thi của dự án, chương trình tín dụng (Điều 47).

Không tính nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đồng tình với quan điểm không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước.

ADQuảng cáo

“Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật” - ông Hải nói.

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt trần, vậy lần này sửa luật có giải quyết được vấn đề này không? Có những khoản nợ không nằm trong 3 lĩnh vực này thì tính như thế nào?”

Chủ nhiệm  Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cũng băn khoăn: Hiện nay, có bao nhiêu nước tính nợ công giống ta? Để cho cử tri, đại biểu quốc hội (ĐBQH) hiểu nợ công như thế nào là đáng lo thì do cách tính hay định nghĩa về nợ công hay do vấn đề gì?

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Nợ công tăng nhanh trước hết do điều hành, kinh tế tăng trưởng 5 năm vừa qua không đạt mục tiêu. Thực tế cả nhiệm kỳ chỉ đạt 5,9% trong khi mục tiêu hơn 7%. Trong khi đó, chúng ta vẫn đảm bảo các chỉ tiêu khác như đề ra, như an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông… do vậy thời gian dài giữ bội chi rất cao, chưa nói giải ngân ODA tăng nhanh. Trong điều hành, rõ ràng sự phối hợp các cấp, ngành, đặc biệt là 3 Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính) không ăn ý …

Theo Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: Quan trọng là phải đánh giá tác động chính sách. Đọc dự thảo này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cảm thấy lo lắng, nếu có “tuyên ngôn” “loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước” thì doanh nghiệp nhà nước khó khăn. “Hướng đi là đúng nhưng trong điều kiện hiện nay đã thực hiện được chưa?” - ông Nguyễn Văn Giàu băn khoăn.

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật, tuy nhiên về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phân vân với 3 đối tượng quy định như hiện nay là hẹp, tuy nhiên mở rộng cho các doanh nghiệp nhà nước thì lại lo ngại tính nguy hiểm cao, bởi các doanh nghiệp có thể ỷ lại vào Nhà nước “làm bừa”.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là dự án luật hết sức quan trọng, để tập trung giải quyết nợ công, nợ xấu của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, UBTVQH  đề nghị các cơ quan Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất, khả thi.

“UBTVQH cho rằng, cần rà soát và có quy trình chặt chẽ về quản lý nợ công, nhất là bảo lãnh và cho vay lãi tránh tình trạng như thời gian vừa qua nhiều khoản cho vay không thu hồi được, nhiều rủi ro. Các chính sách, chế tài nợ công cần rà soát đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch…”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO