Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Thủy sản (sửa đổi)

Nguồn quochoi.vn| 21/03/2017 14:59

Sáng 21/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Thủy sản (sửa đổi). Việc sửa đổi luật Thủy sản 2003 nhằm phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thủy sản và hội nhập quốc tế, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp 2013.

ADQuảng cáo

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: Đình Nam

Dự thảo luật có 08 chương 100 Điều, về cơ bản giữ nguyên tên chương của luật Thủy sản 2003, nhưng có giảm 02 chương (08/10) và tăng 38 Điều (100/62). Trong đó, bổ sung 01 Chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư; Bỏ 03 chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Quản lý nhà nước về thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm với lý do: Các nội dung về hợp tác quốc tế, quản lý nhà nước về thủy sản được thể hiện thành một điều trong Chương quy định chung; nội dung hợp tác về khai thác thủy sản tại nước ngoài, tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam, nhập khẩu tàu cá được thể hiện trong Chương Khai thác thủy sản; không quy định ở luật này về khen thưởng, xử lý vi phạm, khiếu nại tố cáo mà thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng trên các thủy vực nội địa và vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường sống, biến đổi khí hậu… Việc sửa đổi luật Thủy sản là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011- 2020).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra

Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự thảo luật, luật Thủy sản có mối liên quan trực tiếp đến nhiều đạo luật trong hệ thống pháp luật của nước ta và nhiều Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng dự thảo luật đã có nhiều cố gắng để xử lý những bất cập, chồng chéo, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo luật có liên quan với các luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để xử lý việc trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn không hợp lý, bảo đảm tính thống nhất và khả thi của dự án luật, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013.

Về thực hiện đồng quản lý trong hoạt động thủy sản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy khái niệm về “đồng quản lý” và các nội dung liên quan là những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo luật. Với phương thức quản lý này, chính quyền và cộng đồng đều tham gia vào quá trình ra quyết định, thực hiện và thực thi các quy định pháp luật, cùng thống nhất chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong quản lý tài nguyên.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với quy định về mô hình quản lý này, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, những quy định như trong dự thảo luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, khuyến khích. Hơn nữa, qua báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án luật, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản và khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy mô hình này chưa thực sự thành công và có hiệu quả, mới chỉ mang tính thí điểm. Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn trong luật về vai trò, nội dung, phạm vi trách nhiệm của cộng đồng, Hội, Hiệp hội trong chuỗi các hoạt động thủy sản và có những chính sách phù hợp để triển khai mô hình quản lý này thành công và hiệu quả trong thực tiễn; làm rõ vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước với quản lý của cộng đồng.

ADQuảng cáo

Nhất trí với ý kiến của Ủy ban thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, quản lý nhà nước thì phải phân định rõ ràng, quy định đồng quản lý là rất chung chung. Hơn nữa, các đối tượng quản lý trong lĩnh vực thủy sản hết sức phân tán: hội nghề cá, hội nuôi trồng, hiệp hội xuất khẩu cá… Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của các hiệp hội, tổ chức và quy định bằng pháp luật.

Về lực lượng kiểm ngư, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất: Không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại địa phương mà vẫn giữ nguyên tổ chức và hoạt động như hiện tại (Kiểm ngư Trung ương, có các chi cục tại các vùng - gọi tắt là Kiểm ngư vùng). Loại ý kiến thứ hai: Bên cạnh hệ thống Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư vùng, đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các chi cục thủy sản; với lý do lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương hiện nay đang hoạt động theo luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, đặc biệt là không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên. Ngoài ra có ý kiến đề nghị, tùy theo mức độ quan trọng, phạm vi vùng biển phụ trách thì có thể thành lập kiểm ngư cấp tỉnh.

Về vấn đề này, Ủy ban thẩm tra cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng. Việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ công chức làm công tác thanh tra trên biển - một nội dung được quan tâm nhiều, thì có thể được nghiên cứu thực hiện thông qua quyết định của Chính phủ mà không cần thiết phải thực hiện bằng việc thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh như dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng kết hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm ngư trong thời gian qua. Qua đó, Quốc hội có thể hiểu rõ hơn và chọn được phương án hiệu quả hơn.

Không tán thành ý kiến của Ủy ban thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, việc không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại địa phương mà vẫn giữ nguyên tổ chức kiểm ngư vùng là không phù hợp. Bởi cơ chế chính sách của lực lượng kiểm ngư gắn liền với địa phương, vai trò của lực lượng kiểm ngư là giữ gìn an ninh, trật tự, gắn với dân, với cấp ủy địa phương; do đó lực lượng kiểm ngư phải gắn với tỉnh thành. Nếu cần thiết phải tăng biên chế thì vẫn phải tăng, vì việc đó là cần thiết.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc tăng cường lực lượng kiểm ngư tại 28 tỉnh có biển là cần thiết, đồng thời giao cho kiểm ngư làm cả chức năng thanh tra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nên tổ chức lực lượng kiểm ngư thống nhất từ trung ương đến địa phương và quản lý theo ngành dọc. Ở trung ương có kiểm ngư trung ương như hiện nay, ở địa phương phải gắn với cấp ủy với địa phương, do địa phương quản lý và bảo đảm điều kiện hoạt động thì mới phát huy tốt hiệu quả.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với phạm vi điều chỉnh, sửa đổi của luật Thủy sản, đề nghị Ban soạn thảo đảm bảo kế thừa những điểm tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật cũ; đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn lợi thủy sản trong tình hình mới và có sự tiếp thu các thông lệ tốt của quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất của luật này với các Nghị quyết của Đảng, với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và các luật như: Luật Đầu tư, luật Tài nguyên, luật Biển, luật Đất đai, luật Đa dạng sinh học, luật Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ, hoàn chỉnh lại hồ sơ để Chính phủ trình chính thức ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Thủy sản (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO