Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Nguồn dangcongsan.vn| 17/03/2017 08:59

Chiều 16/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

ADQuảng cáo

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự kiến luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều. So với luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, dự thảo luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới 29 điều; bỏ 19 điều.

Tại Tờ trình, Chính phủ đề nghị xem xét lấy tên luật là “luật Lâm nghiệp’’ thay cho “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)”.

Phiên họp thứ 8 của UBTVQH. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành luật Bảo vệ và Phát triển rừng(sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Tại phiên họp, cơ bản thống nhất với các nội dung được đề xuất trong dự thảo luật, các đại biểu phần lớn tập trung cho ý kiến về vấn đề quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

ADQuảng cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt thẳng thắn chỉ ra các điểm bất hợp lý hiện nay trong vấn đề này. Theo ông, bất hợp lý đầu tiên là “rừng ở trên cao nhưng chính sách đầu tư thì ở dưới thấp, anh dưới thấp lại được đầu tư trên cao”. Bất cập nữa theo ông là “cơ bản rừng bị phá hết rồi, nói mấy chục phần trăm che phủ là rừng mới trồng chứ nhiều người nói rằng nhìn “xanh tốt” nhưng thực ra trong kia “viêm đại tràng nặng”.

Ông Võ Trọng Việt cũng đánh giá, về việc quản lý rừng thì quy định rất rõ từ trung ương nhưng khi thi hành lại phức tạp, nhất là kiểm lâm lực bất tòng tâm. Theo ông, những quy định nêu trong dự luật cũng không đảm bảo cho kiểm lâm bảo vệ được rừng, chống được lâm tặc. “Mình phải tính cơ chế lập pháp làm hành lang pháp lý cho các cơ quan công quyền để xử lý, ngăn chặn những vấn đề này. Phải ban hành theo hướng trao quyền mạnh hơn, để lâm tặc lộng hành là có tội với dân, với đất nước” – ông phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng việc quản lý rừng từ xưa đến nay là vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong dự thảo luật, quy định về vấn đề này khá chung, do đó đề nghị phải cụ thể hơn nữa. Phát biểu thêm về phân loại rừng, ông nhất trí với đề xuất của Chính phủ phân thành 3 loại rừng là: đặc dụng, phòng hộ, sản xuất nhưng ông đề nghị trong rừng đặc dụng nên đưa vào rừng khu vực biên giới để quản lý sâu hơn bởi đây là vấn đề có tác dụng lớn với quốc phòng an ninh.

Cũng quan tâm tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, bảo vệ rừng là vấn đề cấp bách phải đặt ra. Ông nhận xét, dự thảo luật có đề cập đến trách nhiệm bảo vệ rừng của cấp tỉnh, huyện nhưng mới nêu chung chung. “Tôi đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, nghĩa là nếu mất rừng thì Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm” – ông nói.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Khi bay từ Điện Biên về, tôi nhìn xuống thấy đồi trọc hết, Tây Nguyên mà không còn màu xanh. Đi Lai Châu thì thấy những triền đồi bà con chặt hết để trồng chuối”. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề phải suy nghĩ và luật phải giải quyết được. Đồng thời Quốc hội phải ra nghị quyết giám sát về bảo vệ, trồng rừng; bố trí nguồn lực để trong 5, 10 năm tới hàng năm trồng bao nhiêu ha rừng, xác định trồng chỗ nào giao cho chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm trồng rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO