Vài điều suy ngẫm về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

18/08/2021 09:41

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có nêu: “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước”. Đây có thể xem là nội dung cốt lõi của nghị quyết, những vấn đề còn lại là nhận thức, tư tưởng để thực hiện có hiệu quả Đề án.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Long Sơn (Đắk Mil) ngày càng được nâng cao. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: Sùng A Trư

Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là chương trình riêng biệt, cụ thể. Các chương trình này luôn thống nhất với cái chung, đó là trên cơ sở phát triển bền vững đất nước. Các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà Nước luôn bảo đảm tính công bằng, đoàn kết và tương trợ giúp đỡ nhau trên mọi lĩnh vực.

Mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã đưa ra chính sách dân tộc phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Có thể nói cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc đã ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục y tế, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi và tin tưởng hơn vào Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, chúng ta đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc, làm cuộc cách mạng, thắng lợi liên tục và toàn diện trên mọi mặt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những hạn chế, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhận thức chưa đầy đủ về tính khoa học, tính khách quan của chính sách dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng, Nhà nước. Từ đó dẫn đến tổ chức thực hiện còn tùy tiện, hoặc làm theo hình thức đại khái chiếu lệ, theo lối ban ơn, xin cho.

Chính sách về việc quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số bị xem nhẹ ở một số địa phương khiến cho các đối tượng đáng được hưởng chính sách này không tiếp cận được, đang ở phía sau lại bị lùi phía sau xa hơn. Một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và đất ở; chính sách cho vay lãi suất ưu đãi đối với đồng bào dân tộc nghèo chưa được thực hiện tốt. Một số chính sách hỗ trợ như gạo, muối, điện... duy trì quá lâu, tạo sự ỷ lại, tâm lý ngồi trông chờ vào Nhà nước của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một sức ì không đáng có, gây ra sự trì trệ trong phát triển chung của đất nước. Cùng với đó, sự đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền mặc dù đã có sự nỗ lực nhưng cần phải quyết liệt hơn nữa để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Bảo đảm tính đoàn kết toàn dân tộc, đó là sức đề kháng cực mạnh của dân tộc Việt Nam ta mà không thể có một vắc xin nào thay thế được. Nếu chúng ta không làm tốt công tác này thì vô tình hay hữu ý tạo "mảnh đất màu mỡ" cho các thế lực thù địch nhảy vào lợi dụng. Cũng cần hiểu rõ thêm rằng, đất nước ta là một đất nước đa dân tộc, đều là những công dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam ta là một cơ thể thống nhất trọn vẹn.

Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phát huy những thành tựu của chính sách dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng, Nhà nước. Triệt để khắc phục những hạn chế, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, có biện pháp tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, để chính sách dân tộc và miền núi có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19/4/1946 có đoạn: “... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vài điều suy ngẫm về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO