Văn hóa “kính thưa”

Vũ Hà| 08/10/2018 09:23

Kính thưa là vấn đề văn hóa giao tiếp, nó không còn là chuyện cá nhân của mỗi người mà là vấn đề chính trị xã hội. Điều muốn nói ở đây là văn hóa “kính thưa” hiện nay trong các cuộc mít tinh, hội nghị nhiều khi thái quá, tràn lan không theo một khuôn mẫu nào, trở thành một bệnh lý trầm trọng.

Điều thường thấy là, cuộc mít tinh nào, hội nghị nào cũng phải mất 5-7 phút “kính thưa” đủ các loại quan khách và đại biểu. Đi liền với “kính thưa” là phải nêu chức vụ, chức danh của người được kính thưa. Trong một bài phát biểu chào mừng, từ “kính thưa” nhiều đến mức có thể lấp đầy một trang giấy, rồi kết thúc bài phát biểu, kính chúc sức khỏe các vị khách quý lại nhắc lại đầy đủ quý danh đại biểu cấp trên.

Hình thức giao tế và kiểu “kính thưa” trong các mít tinh hội nghị như vậy sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng phản cảm. Thực tình, người tham dự nghe mãi thì đâm ra nhàm chán. Những người có lòng tự trọng được giới thiệu mãi tên và chức vụ mình nhiều lần như vậy cũng không lấy gì làm vui. Mặt khác, việc “kính thưa” quá nhiều đại biểu và sự lặp đi lặp lại các chức vụ, chức danh đại biểu sẽ làm mất thì giờ, kéo dài hội nghị hay buổi lễ một cách không cần thiết.

Tại sao lại có tình trạng “kính thưa” dài dòng, nhiêu khê nói trên? Với người tổ chức phải “kính thưa” dài dòng để được an tâm là mình không phạm lỗi với bề trên. Cấp trên có người không thích nhưng cũng có người được “kính thưa” mãi rồi cũng thành quen, đâm nghiện. Thế nên có người khi bị ban tổ chức quên kính thưa hoặc kính thưa không đủ, hoặc đưa chức nhỏ lên trước chức lớn có khi cảm thấy tự ái... Đó được xem như là tội thiếu trách nhiệm gây hiệu ứng bất kính, nên cứ “kính thưa” hết "cho nó lành”.

Và “kính thưa” vì thế đã trở thành một vấn đề phải quan tâm trong văn hóa ứng xử và cải cách hành chính. Không phải chúng ta không có quy chuẩn cho việc “kính thưa” mà từ 14 năm trước, vấn đề này đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 154/2004. Theo nghị định này thì phần mở đầu diễn văn, báo cáo hoặc phát biểu chỉ “kính thưa” một đồng chí có chức vụ cao nhất, còn lại là kính thưa chung với các vị lãnh đạo, các đại biểu. Thế nhưng, như đã nói ở trên, chúng ta không chấp hành nghiêm, không sửa… Trong một xã hội, mỗi người cần có cách ứng xử phù hợp. Cái gì phù hợp thì tồn tại. Nếu không phù hợp nên loại bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa “kính thưa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO