Viết tiếp truyền thống vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong

Hoàng Hoài| 17/07/2017 09:56

Phát huy tinh thần, nhiệt huyết một thời xung phong nơi khó khăn, vất vả, nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP) đang sinh sống trên địa bàn tỉnh vẫn luôn tiên phong trên mọi mặt trận.

Vượt khó vươn lên

Ở tuổi mười tám, đôi mươi, vợ chồng thanh niên xung phong (TNXP) Đỗ Duy Thủ và Lưu Thị Kháu hiện ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) từ quê hương Thái Bình xung phong vào Tây Nguyên xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ thành quả cách mạng tại tỉnh Đắk Nông vào năm 1976. Thời điểm này, hai ông bà được phân công vào các đơn vị C5 và C3 ở xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) với nhiệm vụ chính là làm đường, xây dựng cầu cống, rồi lại vào Quảng Trực tham gia bảo vệ biên giới. Môi trường TNXP thời ấy cũng giống như bộ đội, khó khăn, gian khổ, nhưng chưa lần nào họ nản mà luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ TNXP, ông bà chuyển sang làm công việc khác, rồi đến đầu những năm 1990 thì nghỉ hẳn. Với bản tính cần cù, khó không lui, bại không nản của TNXP, khi về với đời thường, vợ chồng ông tích cực trồng trọt, chăn nuôi để tạo dựng cuộc sống. Hiện nay, gia đình ông có một cơ ngơi là 3 ha đất, trồng cà phê, xen tiêu và cây ăn quả, nuôi thêm gà để tăng thu nhập.

Ông Thủ cho biết: “Có thêm vốn liếng nên việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, kinh tế gia đình ổn định, khấm khá”.

Ông Đỗ Duy Thủ (bên trái) thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng với đồng đội cựu TNXP

Tương tự, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều cựu TNXP khi trở về đời thường vẫn luôn vững vàng trên mặt trận kinh tế với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có thể kể đến như bà Trần Thị Ngọc Mai ở thị trấn Đắk Mil chuyên kinh doanh cà phê. Bà Phạm Thị Son ở xã Thuận An (Đắk Mil) trồng 4 ha cà phê. Ông Hoàng Xuân Sơn ở thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) phát triển 6 ha cà phê, điều, tiêu, keo lai, 5 sào ao thả cá và một xưởng mộc. Bà Võ Thị Đào ở xã Nam Đà (Krông Nô) với 2 ha cà phê, tiêu, kết hợp đào ao thả cá, trồng lúa…

Tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống

Điều đáng nói, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, các cựu TNXP còn đi đầu trong các hoạt động nghĩa tình, giúp hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Điển hình, ông Đỗ Duy Thủ đã cho 3 hộ gia đình vay từ 25-70 triệu đồng không lấy lãi để làm nhà. Một số hộ khác thiếu tiền đầu tư phân bón cho cây trồng, ông sẵn sàng cho vay mà không lấy lãi, đến vụ thu hoạch mới trả.

Bà Phạm Thị Son cho đồng đội vay 50 triệu đồng đầu tư sản xuất không lấy lãi. Bà Võ Thị Đào không những cho đồng đội vay 30 triệu đồng không lấy lãi, mà còn chủ động kêu gọi tài trợ xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng cho cựu TNXP khó khăn về nhà ở. Cán bộ, hội viên cựu TNXP huyện Tuy Đức thì góp công để xây dựng nhà đại đoàn kết cho hội viên khó khăn.

Theo Hội Cựu TNXP tỉnh, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp hội viên khó khăn như trao tặng 7 sổ tiết kiệm, xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa…Nhiều mô hình tương trợ giữa hội viên với nhau được củng cố và phát triển như Quỹ  Nghĩa tình đồng đội, Quỹ tình thương, Quỹ tiết kiệm với số tiền trên 432 triệu đồng để giúp hội viên khó khăn vay.

Ngoài ra, công tác phối hợp thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu TNXP cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 975 cựu TNXP được giải quyết chế độ, chính sách theo các hình thức như thương binh, nhiễm chất độc hóa học, trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng và có 322 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Theo ông Dương Đăng Tưu, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Nhiệm vụ của Đội TNXP là xung phong trong mọi việc, bất kỳ việc khó, việc dễ”, nên dù thời chiến hay thời bình, lực lượng cựu TNXP tỉnh vẫn luôn tiên phong trên mọi mặt trận, nhất là trong xóa đói giảm nghèo, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, viết tiếp truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp truyền thống vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO