Xác định vị trí việc làm là một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý công chức, viên chức

Hoàng Thanh| 16/01/2020 08:36

Thực hiện Nghị quyết số 89/NQ-CP, ngày 10/10/2016 của Chính phủ, trong năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập.

ADQuảng cáo

Mục đích của đề án nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp quản lý, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức trên từng lĩnh vực cụ thể, sắp xếp bố trí nhân lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy được năng lực, khả năng công tác của công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo đúng vị trí việc làm

Đối tượng, phạm vi áp dụng của Đề án là tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Nội dung chính của Đề án là thống kê thực trạng vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu công chức theo ngạch, viên chức theo chức danh nghề nghiệp; xác định thực trạng công việc, số lượng người của từng vị trí việc làm và đề xuất vị trí việc làm, số biên chế cần thiết để bố trí, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức theo vị trí việc làm.

Theo Đề án, các vấn đề liên quan đến công chức, viên chức đều gắn với vị trí việc làm, bao gồm: Vị trí việc làm là căn cứ đầu tiên để xác định biên chế công chức, xác định số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; tuyển dụng và bố trí sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Riêng vị trí việc làm trong một cơ quan, tổ chức bao gồm: Các vị trí lãnh đạo, quản lý; các vị trí thừa hành, thực thi. Mỗi vị trí việc làm nhất định bao giờ cũng có bản mô tả công việc với các yêu cầu về phẩm chất, trình độ, năng lực và hiểu biết tương ứng với một ngạch công chức cụ thể. Trong đó, một số vị trí việc làm giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý; còn lại là các vị trí việc làm mang tính thực thi, thừa hành. Số lượng các vị trí thực thi, thừa hành bao giờ cũng phải nhiều hơn các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Có thể chỉ có một loại vị trí nhưng lại có nhiều loại công việc khác nhau cho loại vị trí đó nên sẽ có nhiều vị trí việc làm khác nhau ở các cơ quan khác nhau. Ví dụ, có một loại vị trí là "lãnh đạo, quản lý cấp phòng" nhưng vì gắn với yếu tố "chức vụ" nên có thể có vị trí là "trưởng phòng", có thể có vị trí là "phó phòng". Và vì gắn với yếu tố "công việc" nên sẽ có nhiều vị trí việc làm khác nhau như: Trưởng phòng kế toán, phó phòng kế toán; trưởng phòng hành chính, phó phòng hành chính…

ADQuảng cáo

Đồng thời, tổ chức Nhà nước mang tính cấp bậc giữa các cơ quan từ Trung ương tới địa phương nên vị trí ở đây cũng chính là vị trí theo cấp bậc giữa các cơ quan. Do đó, có thể có cùng một vị trí lãnh đạo, quản lý; cùng một loại công việc nào đó nhưng ở các cấp khác nhau cũng sẽ khác nhau về vị trí việc làm. Ví dụ như một người đứng đầu, phụ trách về công tác hành chính của một cơ quan cấp huyện sẽ có vị trí việc làm khác với một người đứng đầu, phụ trách về công tác hành chính của cơ quan cấp tỉnh.

Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xem xét trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Điều này sẽ giúp tuyển đúng người cho công việc. Vị trí việc làm có thể có một hoặc nhiều công việc, có tính thường xuyên, lặp đi lặp lại chứ không bao gồm những công việc thời vụ, tạm thời.

Ý nghĩa của công việc này nhằm sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức; phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm, các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả cho hoạt động tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức, đánh giá quy hoạch cán bộ. Muốn xác định vị trí việc làm không chỉ xác định qua khối lượng, số lượng công việc phải thực hiện ở một vị trí nhất định trong tổ chức bộ máy mà quan trọng hơn là phải xác định được đặc điểm, đặc thù, tính phức tạp và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết để thực hiện công việc đó.

Việc xác định vị trí việc làm là một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý công chức, viên chức, từ hệ thống quản lý theo chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Đây là một trong những điểm rất quan trọng, vì thông qua đó, chúng ta mới xóa bỏ hoàn toàn các cơ chế xin-cho biên chế, đồng thời phân định rõ ai là người làm việc tốt, ai làm chưa tốt. Qua đó, giúp cho việc tuyển dụng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị khối hành chính đã được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và sắp xếp, tổ chức cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với danh mục vị trí việc làm được phê duyệt. Ngoài ra, cho đến thời điểm hiện tại, 8/19 sở, ngành và 8/8 huyện, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm.

Phát biểu về nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách hành chính năm 2020 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đã chỉ đạo: Trong năm 2020, Sở Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tập trung công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo đúng vị trí việc làm đã phê duyệt. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ hoàn thành việc phê duyệt bản mô tả khung năng lực vị trí việc làm của các sở, ngành. Để thực hiện được mục tiêu của tỉnh đề ra, đòi hỏi quyết tâm chính trị của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và ý thức của mỗi công chức, viên chức trong toàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định vị trí việc làm là một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý công chức, viên chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO