Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Lam Giang| 27/08/2019 09:23

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong quá trình phát triển của địa phương, sau khi thành lập tỉnh, Tỉnh ủy Đắk Nông đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc từ khâu tuyển chọn, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Kỳ 1: Chăm lo tạo nguồn cán bộ

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ trẻ phục vụ sự phát triển của địa phương, tỉnh đã thực hiện khá đồng bộ từ công tác lựa chọn, quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, luân chuyển, thử thách qua thực tiễn, khắc phục một bước tình trạng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ.

Được luân chuyển về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk R'măng, anh Đỗ Đức Tài (bên phải) luôn bám cơ sở, gần gũi thăm hỏi, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân

Về cơ sở để rèn luyện

Trước những khó khăn của địa phương, năm 2017, chị Lê Lưu Hồng Hiếu khi đó là Phó Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Gia Nghĩa được luân chuyển về nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa). Về nhận công tác ở cơ sở, với nhiều điều mới mẻ, khác xa so với chuyên môn từng đảm nhiệm, nên chị Hiếu đã xác định, muốn xây dựng lòng tin với người dân, đưa phong trào đi lên thì phải gần dân, dựa vào dân và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở…

Trên tinh thần đó, cùng với tích cực học hỏi nâng cao kiến thức về pháp luật, quản lý, kinh nghiệm của người đi trước, chị Hiếu tích cực xuống cơ sở tìm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như nắm bắt những vướng mắc của người dân để giải quyết. Chị cùng tập thể bắt tay vào chấn chỉnh, giải quyết những tồn đọng trên địa bàn bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể, quyết liệt, nhất là những vấn đề “nóng” ở địa phương như: quản lý đô thị, quản lý đất đai, xây dựng nhà cửa, san lấp mặt bằng trái phép, đền bù, giải phóng mặt bằng, tác phong, lề lối làm việc, cải cách hành chính… Qua đó, tạo được phản hồi tích cực, gây dựng được lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường.

Chị Lê Lưu Hồng Hiếu chia sẻ: “Với trách nhiệm là một đảng viên, dù được giao công việc gì, tôi luôn cố gắng hoàn thành, cùng với tập thể lãnh đạo phường tập trung giải quyết những vấn đề hạn chế trên địa bàn, gây dựng lòng tin trong người dân. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng nêu gương, xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên, công chức của phường”.

Tương tự, từ Phó Trưởng Phòng Tổng hợp Văn phòng Tỉnh ủy, anh Nguyễn Thành Nên được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Đắk Ru (Đắk R’lấp). Anh Nên cho biết: “Sau khi nắm bắt tình hình, đi sâu tìm hiểu thực tế của địa phương, những mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, tôi cùng tập thể lãnh đạo xã đề ra hướng giải quyết theo phương châm điều hành chính quyền phải gắn với gần dân, có trách nhiệm với công việc của nhân dân”.

Với tinh thần đó, cùng với công tác lãnh đạo, anh Nên đã bám sát thực tế địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết công việc hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều vấn đề bức xúc, tồn đọng nhiều năm đã được giải quyết nhanh chóng như quy hoạch, đền bù đất nghĩa địa, chấm dứt tình trạng đường liên thôn 8 bị chia cắt do người dân cản trở, đổi mới phong cách làm việc...Từ một xã vùng 3, trọng điểm về quốc phòng - an ninh có nhiều phức tạp, mâu thuẫn nội bộ, Đắk Ru đã thoát ra khỏi xã vùng 3, có sự thay đổi tích cực và hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2018.

Tháng 9/2016, từ Phó Trưởng Phòng Kinh tế Văn phòng Tỉnh ủy được luân chuyển về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk R’măng– xã vùng 3 kém phát triển, có đông đồng bào dân tộcthiểu số, giao thông đi lại khó khăn, anh Đỗ Đức Tài đã luôn sâu sát cơ sở, tập trung nắm bắt những hạn chế để tham mưu cấp ủy giải pháp khắc phục. Qua nắm bắt, nhận thấy những hạn chế trong hoạt động của các tổ chức đoàn  thể, anh Tài đã tham mưu và trực tiếp củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị…

Anh Tài cũng thường xuyên gần gũi, động viên, hướng dẫn, nhắc nhở đội ngũ cán bộ các tổ chức đoàn thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể của xã ngày càng tốt hơn, đã bám sát cơ sở và tập trung giải quyết những yêu cầu của người dân, hội viên.

Bên cạnh đó, trước những khó khăn trong phát triển Đảng, nhất là trong đồng bào dân tộc Mông di cư tự do đến địa bàn, để giải quyết “bài toán khó” về xác minh lý lịch quần chúng, anh Tài đã đề xuất cấp ủy và tự bỏ kinh phí mang hồ sơ đi ra các tỉnh phía Bắc để xác minh. Qua gần 3 năm, đến nay Đảng bộ xã Đắk R’măng đã phát triển được 8 đảng viên là người dân tộc Mông. Các thôn 5, 6, 7, từ chỗ chưa có đảng viên người Mông tại chỗ, đến nay mỗi chi bộ đều phát triển được từ 2-3 đảng viên; trong đó trưởng thôn 7 là đảng viên. Ngoài ra, xã cũng đã cử 10 quần chúng người Mông đi học các lớp nhận thức về Đảng, để tạo nguồn phát triển.

Anh Đỗ Đức Tài, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk R'Măng (Đắk Glong) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ xã

Trưởng thành, phát huy năng lực

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, việc đào tạo và sử dụng cán bộ nguồn của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05, ngày 10/8/2011 “Về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ trẻ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tuyển chọn 300 cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực công tác, thể hiện tính vượt trội để xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn dài hạn của tỉnh. 46 cán bộ (có 33 cán bộ nguồn) được cử tham gia đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ tiếng Anh để đáp ứng điều kiện đào tạo trình độ thạc sỹ trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho 72 cán bộ nguồn để luân chuyển về cơ sở tiếp tục rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Đến nay, tỉnh đã luân chuyển về cơ sở 57 người; bổ nhiệm được 78 trường hợp; luân chuyển 141 trường hợp (có 149 cán bộ nguồn đảm nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo cao hơn so với thời điểm được quy hoạch).

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua khảo sát cho thấy, số cán bộ nguồn được luân chuyển về cơ sở cơ bản đã hòa nhập tốt, phát huy vai trò, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, có nhiều đóng góp xây dựng địa phương, cơ quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định được uy tín, năng lực chuyên môn và khả năng lãnh đạo, quản lý nên được cán bộ, người dân tin tưởng.

Về phía cán bộ được luân chuyển có bước trưởng thành, biết vận dụng, phát huy năng lực, chuyên môn được đào tạo vào việc lãnh đạo, điều hành công việc, có ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết. Nhiều cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp huyện, cấp tỉnh. Một số trường hợp được cơ sở đề xuất tiếp tục ở lại cống hiến cho địa phương.

>>Kỳ 2: Tăng cường kiểm tra, giám sát, “xây đi đôi với chống”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO