Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Mỹ Hằng| 12/09/2019 10:23

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương có nhiều giải pháp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.

Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 31 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” giai đoạn 2014-2020 và giai đoạn tiếp theo; Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” và Đề án “Xây dựng nhân cách văn hóa và giáo dục đạo đức, lối sống văn minh, nhân ái, nghĩa tình trong cuộc sống”…

Bám sát tinh thần các chương trình, đề án nói trên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Văn hóa tỉnh đã nỗ lực phối hợp với các địa phương, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều hình thức thiết thực, gắn liền với thực tiễn cuộc sống của người dân. Tại các cơ quan, đơn vị, việc xây dựng môi trường văn hóa được thực hiện với phương châm “tăng cường kỷ cương, lề lối, tác phong làm việc, cải cách thủ tục hành chính”, tạo mối quan hệ hài hòa trong ứng xử giữa cán bộ, công chức và người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan. Từ đó, giữa các bên ngày càng có sự tương tác, mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, cùng chung sức đẩy lùi những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, tạo môi trường văn hóa, cuộc sống thêm lành mạnh.

Các phong trào, hoạt động TDTT luôn được người dân hưởng ứng, tham gia tích cực

Tại các trường học, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được thực hiện tốt. Ngoài việc chú trọng xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, các trường học còn chú trọng đến quan hệ ứng xử giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh. Các trường học tổ chức cho các gia đình, học sinh ký cam kết không vi phạm giao thông; lồng ghép tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hành vi giao tiếp, ứng xử văn hóa cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa.

Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Việc củng cố, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới và đô thị văn minh. Các thiết chế văn hóa cấp xã, cấp thôn được quan tâm xây dựng. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được chú trọng. Công tác xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, tính sáng tạo. Các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng các công trình công cộng ở địa phương như đường giao thông, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm.

Giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh chính là xây dựng gia đình, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cả cộng đồng tốt đẹp, qua đó góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của Trung ương và địa phương về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới là điều hết sức cần thiết. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần hướng vào việc giúp mỗi người dân hiểu và hành động đúng, chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần chủ động rà soát các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế nhằm tạo cơ chế, chính sách phát triển, quản lý hoạt động văn hóa theo hướng phù hợp với khả năng ngân sách, nguồn lực hiện có gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa cần có chiến lược cụ thể, có chọn lọc, ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ bản và có biện pháp, cơ chế huy động các nguồn lực trong xã hội…

Nhiều công trình văn hóa, thể dục, thể thao ra đời từ sự tự nguyện đóng góp đất đai, tiền của, công sức của người dân. Các hoạt động tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đền ơn đáp nghĩa, vì cuộc sống cộng đồng được toàn xã hội quan tâm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được mọi tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Ðến nay, toàn tỉnh có 80,93% hộ gia đình, 82,12% thôn, bon, buôn, tổ dân phố, 35,21% xã, phường, thị trấn và 94,31% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa…

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn nhận thức sâu sắc, coi trọng vấn đề xây dựng phát triển văn hóa, con người, từ đó xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn hóa trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó, cùng với gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các tầng lớp Nhân dân tập trung vào mục tiêu xây dựng một Đắk Nông “văn minh, nhân ái, nghĩa tình”. Mỗi người dân mạnh dạn phê phán, đẩy lùi cái xấu, tiêu cực trong xã hội, góp phần làm trong sạch môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, vì sự phát triển của xã hội và con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO