Xây dựng, vun đắp cái “gốc” cho đội ngũ người làm báo

Hồ Miền| 22/06/2018 09:34

Ngày nay trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo. Với xu thế chung của thế giới, không còn cách nào khác là các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó có những bước đi phù hợp.

ADQuảng cáo

Phóng viên tác nghiệp tại lễ hội cồng chiêng tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Ngọc Tâm

Đối với “báo chí 4.0”, dễ dàng nhận ra có sự hội tụ của nền tảng công nghệ trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, cho dù công nghệ có đạt đến mức độ nào thì người làm báo phải là người tiên phong định hướng công chúng. Công nghệ là phải phục vụ con người, và những người làm báo cần cân nhắc để sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả, không phụ thuộc quá vào công nghệ mà quên đi nền tảng đó là: Cơ quan báo chí đưa ra nội dung gì, hình thức tiếp cận thế nào, vấn đề gì nên nói… để định hướng cho công chúng, giúp họ tiếp cận đúng bản chất của thông tin được báo chí chuyển tải.

Hoạt động báo chí trong cơ chế thị trường hiện nay gắn với sự phát triển của công nghệ, với sự bùng nổ của mạng xã hội, chưa bao giờ việc lọc thông tin, tìm sự thật khó như hiện tại, người làm báo đang bị tác động về tư tưởng, bản lĩnh hơn bao giờ hết. Có một vấn đề đặt ra là nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ khi mà áp lực đưa tin điện tử ngày một nhanh.

Bên cạnh đó, nhiều nhà báo, phóng viên dùng mạng xã hội để chia sẻ bài viết để tiếp cận độc giả, bản thân họ cũng chơi facebook, để tăng lượt like, share, một số cũng dùng những status câu view. Bên cạnh tích cực, lại có một hiện tượng là trong bài viết đăng báo thì nội dung không có vấn đề nhưng dòng trạng thái của nhà báo lại viết khác, giật gân để hút cộng đồng. Đây cũng là điều đáng lo ngại.

Trong môi trường như vậy thì bên cạnh giải pháp về công nghệ, hạ tầng, thì vấn đề xây dựng nguồn nhân lực, vun đắp, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cho người làm báo là vô cùng cần thiết. Càng đòi hỏi những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc, đề cao tính trung thực, khách quan, giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đi đôi việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Ngọc Tâm

Quan điểm của Bác Hồ “Báo chí là mặt trận, nhà báo là chiến sĩ” luôn đúng trong thời chiến cũng như thời bình hiện nay. Một nhà báo giỏi phải hội đủ đức và tài, đức là gốc nhưng tài có ý nghĩa quyết định. Có tài không có đức dễ dẫn đến sai lầm nguy hại. Có đức không có tài thì không thể có được những bài báo hay. Đức và tài không tự nhiên mà có, không phải do bẩm sinh mà là kết quả của sự trau dồi, rèn luyện, kết hợp trong quá trình đào tạo ở các trường, lớp và tự đào tạo, tự rèn luyện là cơ bản nhất.

ADQuảng cáo

Tính trung thực là cái đức và cũng là cái gốc của người làm báo.

Tính chiến đấu là một trong những biểu hiện tập trung nhất, rõ nhất phong cách làm báo của Bác Hồ, đồng thời cũng là một chức năng, một thuộc tính của báo chí cách mạng. Báo chí là công cụ của Đảng, tiếng nói của nhân dân, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Những người làm báo là những cán bộ, viên chức của Đảng và cũng là của nhân dân, được Đảng phân công hoạt động, công tác trong lĩnh vực báo chí. Cho nên báo chí, mà trực tiếp là những người cầm bút phải có bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu cao, đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Cách viết báo của Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc trưng phong cách báo chí của Người. Vì thế, đối với những người cầm bút, điều quan trọng trong học phong cách báo chí của Người là học cách viết. Phong cách báo chí Hồ Chí Minh thể hiện sự kết hợp nhuần nhụy những đặc điểm cơ bản của nhà báo vô sản với sắc thái cá nhân, nhằm lý giải một cách tốt nhất mục tiêu: viết cho ai xem? viết để làm gì? từ đó đi đến viết như thế nào? Những bài Người viết luôn ngắn gọn, cô đọng, văn phong giản dị, khoáng đạt, có sức thuyết phục cao đối với người đọc.

Phong cách làm việc khoa học, thiết thực, sát thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp các nhà báo, người làm báo suy ngẫm mỗi khi sáng tạo ra tác phẩm. Người dạy: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử lý vấn đề này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy” (X.Y.Z-Sửa đổi lối làm việc).

Để nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí, chất lượng bài viết, tất thảy những người làm báo, nhất là những người mới vào nghề cần phải học cách viết đó. Tất nhiên, học và viết được như thế không hề đơn giản. Vậy phải học như thế nào? Hãy học Bác. Bác là mẫu mực của đức tính bền bỉ. Học cách Bác rèn luyện trong bộn bề khó khăn để có những bài viết đầu tay. Do đó, muốn trở thành "cây bút", nhất thiết phải “lao tâm, khổ tứ”, kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là phải tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc. Những người lâu năm trong nghề, giàu kinh nghiệm làm báo đều cho rằng: Viết bài ngắn mới khó. Và không phải ai cũng có đủ trình độ, đủ thời gian để viết ngắn. Tất nhiên bài viết ngắn hay dài chỉ là khái niệm tương đối và cũng còn tuỳ theo quan niệm của mỗi người. Nhưng có điều dễ thống nhất là viết sao cho "ít chữ mà không thiếu" và "nhiều chữ nhưng không thừa" là bài viết chất lượng. Thiết nghĩ, hiểu và học cách viết Hồ Chí Minh như vậy là đúng nhất.

Ngày nay, những người làm báo chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với Bác Hồ khi bắt đầu công việc báo chí. Hầu hết chúng ta đều được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về lý luận, nghiệp vụ, ngoại ngữ,… tại các học viện, nhà trường chính quy. Nhưng để làm ra được sản phẩm báo chí thực sự có chất lượng, có giá trị lý luận, thực tiễn cao, được người đọc thích thú lại là cả một quá trình không ngừng rèn luyện, học tập, học nữa, học mãi... Cốt yếu là học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh để “vun đắp” về bản lĩnh chính trị, đạo đức và nghiệp vụ. Bởi lẽ đơn giản, Bác là nhà báo cách mạng vĩ đại, là người thầy, là tấm gương của tất cả chúng ta.

Ngày 21/6/1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Trước hết, “học để sửa chữa tư tưởng”. Theo Người, đi theo cách mạng nhưng lòng chưa thông, chưa thực sự cách mạng thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ và lạc lối. Tiếp đến, “học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, là người có tài thôi chưa đủ, “nếu không có đạo đức cách mạng cũng vô dụng”. “Học để tin tưởng”, bởi có tin tưởng khi thực hành mới kiên quyết, mới dám hy sinh; có tin tưởng thì khi viết mới không sai; mình có tin tưởng thì mới làm cho đồng bào tin tưởng. Vậy tin tưởng vào ai? Theo Bác tin tưởng vào đoàn thể, vào nhân dân, tương lai dân tộc. Cuối cùng, “học để hành”, có hành thì việc mới có kết quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng, vun đắp cái “gốc” cho đội ngũ người làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO