Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân

Bài, ảnh: Hoàng Bảo| 24/12/2018 11:11

Đó là chủ đề của Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2019. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.

ADQuảng cáo

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Đắk Nông

Tại Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019, PGS-TS Bùi Đình Phong-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần “lấy dân làm gốc”, do dân và vì dân. Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân chính là ba mặt của một vấn đề, có mối liên hệ mật thiết, biện chứng, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Tôn trọng Nhân dân là phải có thái độ đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí của Nhân dân. Bởi chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Do đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần đề cao vai trò của Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân.

Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc, liên hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào ý kiến của Nhân dân để sửa chữa nghị quyết, tổ chức; thật thà tự phê bình trước Nhân dân và nghe Nhân dân phê bình mình cũng như gương mẫu thực hiện về đạo đức cách mạng, chống lại bệnh quan liêu, xa dân, khinh Nhân dân, sợ Nhân dân, sợ sửa chữa trước Nhân dân.

Bác Hồ đã từng nói: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”, “Nghị quyết gì mà dân chúng cho không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Trên thực tế, thời gian qua, lắng nghe dân xây dựng Đảng, chính quyền là một nội dung cốt lõi được các cấp, ngành rất quan tâm. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 218 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền nhằm tiếp tục thể chế và cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nhằm phát huy hơn nữa tính dân chủ trong Nhân dân.

ADQuảng cáo

Tại các điểm cầu của tỉnh Đắk Nông, có khoảng 800 cán bộ chủ chốt các cấp tham gia tiếp thu về các nội dung chủ đề của Chỉ thị 05 năm  2019

Theo PGS-TS Bùi Đình Phong, để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải hiểu: “Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”.

Tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ thôi chưa đủ mà cần phải chăm lo đời sống Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân.

Người đã từng căn dặn: “Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Và trong bản Di chúc cuối đời, Người không quên căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Đảng ta luôn nhận định cần phải tăng cường xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên nhằm tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, củng cố hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội nghị, PGS-TS Bùi Đình Phong cũng đã nêu lên một số giải pháp để “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân”. Đó là, các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phải quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lấy "dân làm gốc"; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tự do sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường; phát huy sức dân, huy động Nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu đề ra vì lợi ích của Nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị cần tập trung xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái; gương mẫu, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của Nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO