“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”- Một thời nhớ mãi

Lê Phước| 14/05/2019 09:42

Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng người anh hùng Lê Xuân Bá vẫn nhớ như in ký ức một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai!”.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) tại nhà riêng ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột).

Nhắc tới đường Trường Sơn, người cựu chiến binh già đột nhiên xúc động, ánh mắt sâu thẳm hồi tưởng về một thời ký ức khói lửa. Đó là những năm tháng mà ông và các đồng đội chạm vào lằn ranh sinh tử, và nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống để bảo vệ tuyến đường huyền thoại này.

Ông Lê Xuân Bá nhớ lại những ký ức sâu đậm khi tham gia mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Sau khi được cấp trên cử vào hoạt động dọc đường Trường Sơn (năm 1964), ông Lê Xuân Bá được kinh qua nhiều chức vụ tại các đơn vị chiến đấu. Năm 1970, Sư đoàn 470 (Đoàn 559) được thành lập và ông Lê Xuân Bá được điều động về Trung đoàn 4 của Sư đoàn. Từ thời điểm này, Trung đoàn 4 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Lê Xuân Bá đã trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn và lập được nhiều chiến công.

Nhớ lại những năm tháng tham gia mở đường, chiến đấu trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ông Lê Xuân Bá chia sẻ: Việc mở đường cần đảm bảo yếu tố bí mật nên bộ đội Trường Sơn tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Tất cả vì mục tiêu vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí, con người vào miền Nam chiến đấu, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Ông Lê Xuân Bá (trái) cùng đồng đội dâng hương cho các đồng đội đã ngã xuống khi bảo vệ bến phà vượt sông Sêrêpốk để đảm bảo đường Trường Sơn luôn thông suốt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo ông Bá, đường Trường Sơn kéo dài từ Bắc vào Nam, tỏa ra các mặt trận Bình - Trị - Thiên, Quân khu 5, Đông Nam bộ. Thông qua đường Trường Sơn, một khối lượng lớn lương thực, thuốc men, vũ khí… từ miền Bắc được vận chuyển vào phục vụ chiến trường miền Nam. Vì tính chất quan trọng của tuyến đường nên nhiều thời điểm, quân địch đặt nhiệm vụ đánh phá đường Trường Sơn lên hàng đầu. Nhiều đoạn đường của ta vừa hoàn thành đã bị địch bắn phá không thương tiếc bằng các loại vũ khí tối tân. Tuy nhiên, bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ luôn nêu cao khẩu hiệu “tắt giờ chứ không để tắt đêm”. Địch đánh phá tới đâu, bộ đội ta lại sửa đường tới đó, làm ngày làm đêm với quyết tâm không để tuyến đường bị chia cắt trong nhiều giờ, để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” từ hậu phương miền Bắc vào phục vụ tiền tuyến miền Nam.

Năm 1972, Trung đoàn 4 được giao nhiệm vụ thi công, chiến đấu bảo vệ khoảng 80 km đường Trường Sơn từ Gia Lai đến bến phà sông Sêrêpốk (tỉnh Đắk Lắk cũ, nay là ranh giới với tỉnh Đắk Nông). Trong đó, đoạn chảy qua sông Sêrêpốk, đơn vị phải thi công các hạng mục: bến phà qua sông; bến ngầm xe tăng; cầu nối để xe tăng, ô tô, pháo binh và bộ binh vượt sông. Vượt qua mọi khó khăn, đơn vị đã hoàn thành công trình, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển của ta. “Sau Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), quân ta có chủ trương mở rộng đoạn đường này ra (rộng 6m) để các phương tiện đi lại thuận lợi hơn. Sau khi biết sự việc, quân địch điều động không quân và pháo hạng nặng đến đánh phá ác liệt. Trung đoàn 4 đã phối hợp với các lực lượng của Sư đoàn 47 ra sức chiến đấu để ngăn chặn âm mưu của kẻ thù. Trong trận chiến này, 57 đồng đội của Sư đoàn chúng tôi đã anh dũng hy sinh để đảm bảo tuyến đường luôn được hoạt động thông suốt. Sau khi đất nước được thống nhất, Nhà nước đã đưa hài cốt các đồng chí ấy về Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (ở Quảng Trị) để yên nghỉ”, ông Bá xúc động nhớ lại.

Ông Lê Xuân Bá (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng đội thăm chiến trường xưa tại điểm vượt sông Sêrêpốk - nơi được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2013. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Để soi mở đường vào miền Nam chiến đấu, mồ hôi và xương máu của bộ đội Trường Sơn đã thấm đượm trên từng cây cỏ, mét đường. Nhiều anh hùng- liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu vực Tây Nguyên, cùng với điểm bắt liên lạc khơi thông Tuyến hành lang chiến lược Bắc-Nam tại thôn Cây xoài, xã Đắk Nia, Gia Nghĩa (Đắk Nông) ngày nay, bến vượt sông Sêrêpốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Ông Bá - người 11 năm trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn và những đồng đội mãi mãi là những thế hệ anh hùng mang trong mình lý tưởng cách mạng cao cả, với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”- Một thời nhớ mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO