Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam

Vũ Hà| 11/09/2020 09:58

Từ những năm 1930, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội, phong trào cách mạng lên cao, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nông trong cả nước mà tiêu biểu là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Từ ngày 1/5 đến 8/1930 là “đêm trước" của Xô Viết-Nghệ Tĩnh với 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh. Từ tháng 9/1930 trở đi, sau hai cuộc biểu tình lớn của nông dân hai huyện Nam Đàn, Thanh Chương, cao trào cách mạng vượt ra ngoài dự kiến của các cấp ủy đảng. Những cuộc biểu tình với vũ khí thô sơ, có các đội tự vệ đỏ hỗ trợ, nông dân hai tỉnh dồn dập tấn công chính quyền thực dân, phong kiến từ huyện đến xã.

Tranh tư liệu

Trước bão táp cách mạng của quần chúng, hệ thống chính quyền của thực dân, phong kiến ở Nghệ Tĩnh bị rối loạn. Quan lại và viên chức người Pháp nơm nớp sống trong tâm trạng bất an. Ở Vinh, những người Pháp đã chuẩn bị sẵn nơi trú ẩn, đề phòng khi bị tấn công. Trong giới quan lại phong kiến, nhiều người xin nghỉ việc hoặc xin đổi đi nơi khác. Quan lại được cử ra thay thế lo sợ, thụ động trong khi làm nhiệm vụ.

Trong vòng 6 tháng cuối năm 1930, khâm sứ Trung Kỳ và triều đình Huế đã phải thay tới ba tổng đốc ở Nghệ An và hai tuần vũ ở Hà Tĩnh. Bộ máy chính quyền cơ sở hết sức rối ren. Tại Thanh Chương, tri huyện, nha lại không dám trở lại làm việc. Chính quyền huyện Nam Đàn bị tê liệt. Tri huyện Nghi Lộc và đội lệ Hưng Nguyên bị giết. Tri huyện và nha lại các huyện khác mất tinh thần. Binh lính các đồn không dám hoạt động, một số ngả theo cách mạng. Chính quyền địch ở nhiều làng đã bị tê liệt hoặc tan rã.

Việc giành chính quyền chưa phải là mục tiêu trước mắt của cách mạng. Xứ ủy Trung Kỳ và các cấp ủy đảng ở hai tỉnh cũng không có chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Nhưng khi diễn ra tình huống lực lượng cách mạng áp đảo và làm tan rã bộ máy chính quyền địch, các cấp ủy đảng ở cơ sở đã kịp thời lãnh đạo ban chấp hành nông hội đỏ ở thôn xã đứng ra đảm nhiệm các chức năng của chính quyền cách mạng.    
Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho quần chúng tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý…   

Vấn đề đặt ra là tại sao chính quyền Xô Viết lại chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng? Nguyên nhân là do cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch; phản ứng “tả khuynh” của ta trước sự tấn công điên cuồng của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trong lúc gay cấn nhất cần phải tỉnh táo thì những người lãnh đạo phong trào lại đề ra khẩu hiệu: “Trí phú địa hào; đào tận gốc, trốc tận rễ”. Mặt khác phong trào đã không thấy được yếu tố dân tộc, mà chỉ nhấn mạnh yếu tố giai cấp (công nông liên hiệp). Chẳng hạn, đối với giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản không có sự phân biệt rạch ròi địa chủ yêu nước, địa chủ phản động, tư sản mại bản, tư sản dân tộc để có thái độ và chính sách nhằm phân hóa, lôi kéo họ về phía cách mạng; với trí thức tiểu tư sản thì có nhận định không đúng và có thái độ hẹp hòi đối với tầng lớp quan trọng này.

Tuy còn những hạn chế, nhưng phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh được đánh giá là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một nhà nước công nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.     

Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ đặt ra vấn đề liên minh công nông, vấn đề ruộng đất và dân cày, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế và lực để dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.  

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết-Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO