Ða dạng hóa sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Thanh Hằng| 25/10/2022 09:42

Thực hiện công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới, tỉnh Đắk Nông ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, việc đa dạng hóa sinh kế mang lại hiệu quả cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Thoát nghèo nhờ đàn gà lai chọi

Năm 2016, chị H’Lan, thôn 9, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cùng một số phụ nữ trong bon B’Dơng đăng ký tham gia Cuộc thi sáng kiến thoát nghèo, với mô hình “Phát triển nuôi gà lai chọi”, do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức. Mô hình đạt giải khuyến khích, được hỗ trợ 200 con gà lai chọi và trang thiết bị, thức ăn để thực hiện. Sau một thời gian triển khai, hiện mô hình của chị H’Lan cho hiệu quả cao, đưa gia đình chị thoát nghèo.

Chị H’Lan kể, dù được tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi gà nhưng hai lứa đầu, hiệu quả chưa cao do chưa có kinh nghiệm. Phải đến lứa thứ 3, mô hình nuôi gà chọi của gia đình mới mang lại lợi nhuận.

“Nuôi gà lai chọi không khó, chủ yếu phải chú ý phòng bệnh, làm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Tôi tận dụng rau, cỏ quanh nhà, trộn với ngô, thóc của gia đình trồng được, đồng thời cho gà uống nước đầy đủ. Đặc biệt, khi gà ốm, tôi không dùng thuốc tây mà sẽ sử dụng lá cây rừng của người đồng bào, nấu nước cho gà uống”, H’Lan chia sẻ kinh nghiệm.

Năm 2016, chị H'Lan được hỗ trợ 50 con gà lai chọi, giúp gia đình thoát nghèo

Cũng theo chị H'Lan, gà lai chọi sinh trưởng tốt, mỗi năm chị nuôi từ 3-4 lứa. Gà có giá trị thương phẩm sau khi nuôi được 3 tháng 10 ngày. Trước khi gà xuất chuồng khoảng 1 tháng, chị sẽ cho gà ăn cám ngô, trộn với cá ủ lên men để gà chắc thịt.

Sau hai lứa gà đầu tiên, cùng kinh nghiệm thực tế, chị H’Lan đầu tư mua gà giống và mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Hiện mỗi lứa chị nuôi từ 400-500 con gà lai chọi cùng gần 500 gà mía thương phẩm. Riêng năm 2020, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm chị nuôi trên 1.000 con gà lai chọi.

“Năm 2017, sau khi mô hình nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế, không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn có kinh phí lo cho con trai đi học Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Bây giờ kinh tế ổn định, mấy đứa con đều được đi học đàng hoàng”, chị H’Lan phấn khởi nói.

Từ hiệu quả mô hình, chị H’Lan còn tập hợp 11 hộ nghèo trong bon để thành lập nhóm hội cùng tham gia mô hình chăn nuôi gà lai chọi. Hiện nay, gà được bán sỉ với giá từ 50.000- 60.000 đồng/kg, bán lẻ là 80.000- 90.000 đồng/kg.

Chị H'Lan được Bộ LĐTB-XH tặng bằng khen vì những đóng góp trong công tác giảm nghèo,  giai đoạn 2016-2020

Phát triển các mô hình hay

Không chỉ mô hình nuôi gà lai chọi, trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã thực hiện nhiều dự án, mô hình giảm nghèo khác nhau, điển hình như Dự án nuôi bò sinh sản tại bon U’Sroong, xã Đắk D’rông (Cư Jút); Dự án trồng xoài tại bon Đắk Láp, xã Đắk Gằn (Đắk Mil); Dự án nuôi heo rừng tại xã Thuận Hạnh (Đắk Song); Dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm tại xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) và Quảng Khê (Đắk Glong)...

Kết quả đạt được từ các dự án là tạo cơ cấu kinh tế trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi, dư thừa vào sản xuất. Đặc biệt, các mô hình không chỉ tạo ra sản phẩm và thu nhập, giúp các hộ dân thoát nghèo mà còn tạo sức lan tỏa, động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực, vượt khó, vươn lên.

Theo Sở LĐTB-XH, đến tháng 9/2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 18.290 hộ, 87.125 khẩu, chiếm tỷ lệ 11,19% tổng số hộ toàn tỉnh. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, giảm dần khoảng cách giàu nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới…, toàn tỉnh tiếp tục tập trung vào thực hiện các chính sách để hỗ trợ việc làm, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn và kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, các ngành, địa phương ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm đa dạng sinh kế, phát triển mô hình hay, tạo việc làm cho người dân. Đây là nhân tố quan trọng để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Từ ngày 1/7/2022, Thông tư 09 của Bộ LÐTB-XH về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chính thức có hiệu lực. Theo thông tư, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật là những đối tượng được hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ða dạng hóa sinh kế giúp người dân thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO