“Ðền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm và vinh dự!

Thanh Hằng thực hiện| 27/07/2022 09:31

Trong những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông quan tâm, chú trọng thực hiện. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có buổi trao đổi với đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chăm lo đời sống người có công trên địa bàn tỉnh.

PV: Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật trong hoạt động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh trong thời gian qua?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, từ đó, Đắk Nông xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công với cách mạng.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 14.000 hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hàng tháng; trong đó có 2.949 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. 100% mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời với mức hỗ trợ hàng tháng từ 1.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của địa phương, hàng năm Đắk Nông đều tổ chức Đoàn người có công với cách mạng đi tham quan Hà Nội, gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người công với cách mạng nhân các ngày 27/7 và Tết Nguyên đán.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồ họa: Thanh Hằng

Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn kinh phí Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, Trung ương và các đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh hỗ trợ đã xây dựng và trao tặng 110 căn nhà tình nghĩa với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg với 951 hộ, tổng kinh phí thực hiện gần 56,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách địa phương gần 23,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống Nhân dân, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo khẩn trương, kịp thời thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ. Qua đó, hơn 2.500 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ của tỉnh đã được nhận số tiền trên 3,8 tỷ đồng theo nghị quyết này.

Tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức được hơn 120 đợt khảo sát, tìm kiếm, từ đó quy tập được 72 hài cốt (trong đó 18 hài cốt có thông tin, 54 hài cốt chưa có thông tin, có 1 mộ tập thể khoảng hơn 22 hài cốt liệt sĩ).

Đặc biệt, sau quá trình lập hồ sơ, liệt sĩ Trần Văn Thời, thuộc Đoàn B90 - đơn vị Xoi mở đường từ Nam Tây Nguyên đến Miền Đông Nam Bộ và hy sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” tại Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thăm, tặng quà Tết bà Đỗ Thị Thanh-mẹ liệt sĩ ở phường Nghĩa Thành (TP.Gia Nghĩa). Ảnh: Tuệ An

PV: Thưa đồng chí, để tiếp nối những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ gì?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:

Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng trên địa bàn; tiếp tục rà soát, hướng dẫn xác lập hồ sơ, kịp thời phát hiện, đề nghị giải quyết những trường hợp chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi, bảo đảm tất cả người có công với cách mạng được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, bị mắc bệnh hiểm nghèo, sống cô đơn không nơi nương tựa, phấn đấu không để hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo.

Tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó thực hiện việc quản lý, chi trả các chế độ, chính sách theo đúng quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ðền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm và vinh dự!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO