Cần quan tâm hơn đến OCOP

Hồng Thoan| 08/06/2021 09:28

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, tỉnh Đắk Nông xác định, thời gian tới, phải dành sự quan tâm nhiều hơn đối với chương trình này.

ADQuảng cáo

Nhiều mục tiêu chưa đạt

Theo Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, Đắk Nông đề ra mục tiêu có 15 sản phẩm thế mạnh đạt OCOP. Mục tiêu này đã sớm hoàn thành, khi kết thúc năm 2020, tỉnh đã có 36 sản phẩm đạt OCOP từ hạng 3 - 4 sao.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu có sản phẩm đạt chất lượng quốc tế OCOP hạng 5 sao. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên mục tiêu này chưa thực hiện được.

Sản phẩm OCOP của Đắk Nông phần lớn là nông sản

Đối với mục tiêu phát triển, công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh đưa ra 6 nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải, may mặc; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm du lịch, dịch vụ nông thôn, bán hàng.
Đối với nhóm thực phẩm, sự phát triển các sản phẩm OCOP chủ yếu tập trung vào thực phẩm, lúa gạo, mắc ca, hồ tiêu, sầu riêng, bơ, măng cụt, chanh dây... Những sản phẩm này đều là thế mạnh của các địa phương, được các chủ thể tích cực tham gia, khẳng định được giá trị trên thị trường.

Ở nhóm đồ uống, kế hoạch của tỉnh là tập trung vào các sản phẩm rượu cần của người Ê đê, nước chanh dây, sữa đậu nành, cà phê sạch, chè xanh đóng gói. Ở nhóm này mới có sản phẩm cà phê được công nhận OCOP, các sản phẩm còn lại chưa được công nhận hoặc ít được quan tâm phát triển OCOP.

Nhóm vải và may mặc, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc, nhưng đến nay chưa có sản phẩm đạt OCOP như mong muốn.

Đối với nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí, huyện Krông Nô đã phát triển sản phẩm tranh thêu con rồng và tranh hoa, nhưng cũng chỉ mới đạt chất lượng trung bình, chưa thể công nhận OCOP.

ADQuảng cáo

Nhóm dịch vụ, du lịch nông thôn, bán hàng, giai đoạn 2018-2020, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đó là xây dựng bon, buôn truyền thống ở bon Đắk R’moan (Gia Nghĩa), buôn Buôr (Cư Jút). Tỉnh cũng quan tâm phát triển các sản phẩm dịch vụ thuộc tuyến du lịch từ Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm nói trên chưa đạt tiêu chuẩn và chưa được công nhận OCOP.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh chưa được khai thác, đầu tư để phát triển OCOP (Ảnh chụp trước ngày 27/4)

Dành sự quan tâm nhiều hơn

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc xây dựng các sản phẩm OCOP cần có sự chung tay của cả cộng đồng từ chính quyền các cấp đến cơ quan chức năng và người dân.

Ngoài việc tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình OCOP, ngành chức năng cần có sự bứt phá hơn trong xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển các sản phẩm chất lượng cao.

Nhiệm vụ tìm đầu ra, kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP cần được quan tâm nhiều hơn. Từ đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP; giúp các chủ thể yên tâm đầu tư sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP tích cực hơn.

Theo kế hoạch phát triển OCOP năm 2021, UBND tỉnh sẽ triển khai các nội dung lớn như: Tuyên truyền tập huấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý điều hành, xúc tiến thương mại, tổ chức đánh giá và kiểm tra, giám sát. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu phát triển thêm 15 sản phẩm OCOP đạt từ hạng 3 sao trở lên. Đối với những sản phẩm đã được công nhận OCOP, tỉnh giao các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng để nâng hạng sao cao hơn.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, ngoài các giải pháp đã được xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải xác định OCOP là chương trình, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm hơn đến OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO