Đắk Mil quảng bá, kết nối đầu ra cho sản phẩm OCOP

Hưng Nguyên| 05/07/2022 10:13

Thời gian qua, huyện Đắk Mil đã đồng hành với các chủ thể OCOP để từng bước quảng bá, kết nối đầu ra, đưa sản phẩm tiếp cận nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

ADQuảng cáo

Năm 2017, anh Nguyễn Thế Độ, ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất dưa lưới. Quy mô nhà lưới khoảng 5.000m2, sản xuất theo hình thức gối vụ.

Anh duy trì mỗi tháng từ 2,5 -3 tấn dưa bán ra thị trường, với giá bán từ 35.000 – 50.000 đồng/kg. Anh Độ cho biết, mặc dù đã tìm kiếm đầu ra trước khi sản xuất, nhưng giá bán dưa lưới thường không ổn định, thường xuyên bị ép giá.

Năm 2021, anh Độ tham gia chương trình OCOP với sản phẩm dưa lưới. Anh được UBND huyện Đắk Mil hỗ trợ làm hồ sơ sản phẩm, đăng ký chứng nhận VietGAP, bao bì, nhãn mác.

Kết quả, sản phẩm dưa lưới của anh đạt OCOP hạng 3 sao. Sản phẩm của anh cũng được giới thiệu, quảng bá tại nhiều cửa hàng OCOP trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Mới đây, dưa lưới của anh đã tham gia Chương trình kết nối giao thương tại TP. Hồ Chí Minh. Sau chương trình này, một số siêu thị đặt vấn đề liên kết tiêu thụ dưa lưới của anh Độ trong thời gian tới.

Vườn dưa lưới đạt chuẩn VietGAP của anh Độ đang vào vụ thu hoạch

Tương tự, năm 2017, Công ty TNHH MTV cà phê Hương Quê Đắk Nông được thành lập ở xã Thuận An, Đắk Mil. Nhờ có vùng nguyên liệu rộng lớn, Công ty đã đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến cà phê, ca cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm, bán ra thị trường.

Công ty tập trung vào khâu chế biến và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Thế nhưng, đầu ra cho các sản phẩm của Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Năm 2021, sản phẩm cà phê, ca cao của Công ty được chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao. Sau khi đạt tiêu chuẩn này, Công ty được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trưng bày ở các cửa hàng OCOP trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Mới đây, Công ty cũng được tham gia Chương trình kết nối giao thương tại TP. Hồ Chí Minh. Nhờ được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, Công ty được một số doanh nghiệp kết nối để tiêu thụ cà phê, ca cao.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cho biết: "Tôi rất kỳ vọng vào các hoạt động hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Vì nó giúp chúng tôi mở ra cơ hội để đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường, kết nối đầu ra ổn định".

Huyện Đắk Mil có 18 sản phẩm của 12 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong đó, đã có 15 sản phẩm đạt OCOP hàng từ 3-4 sao. Các sản phẩm tham gia OCOP của doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn huyện tập trung vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản như cà phê, bơ, xoài, ca cao…

Theo ông Cao Đức Nguyên, Phó Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đắk Mil, hầu hết các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện đều đã trải qua các khâu sản xuất, chế biến, có nhãn hiệu...

Thế nhưng, trên thực tế, các sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra. Nắm bắt được khó khăn này, thời gian qua, huyện đã đồng hành, hỗ trợ các chủ thể trong việc kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP.

Trong đó, huyện tập trung đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Huyện cũng làm cầu nối để đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các cửa hàng Bách hóa xanh...

UBND huyện Đắk Mil cũng thường xuyên tổ chức cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành trong cả nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

"Với những nỗ lực của địa phương và ngành chức năng, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn đã tìm được thị trường, có đầu ra ổn định", ông Nguyên chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil quảng bá, kết nối đầu ra cho sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO