Đắk R’lấp tập trung phát triển sản phẩm OCOP

Văn Tâm| 06/10/2020 08:58

Huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với nhiều lợi thế trong ngành Nông nghiệp, huyện đặt mục tiêu là phải có nhiều sản phẩm đạt OCOP trong thời gian tới...

ADQuảng cáo

Thời gian qua, huyện Đắk R’lấp luôn chú trọng đến việc hỗ trợ, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo cơ chế chính sách để các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất, đầu tư chế biến nông sản.

Hợp tác xã Hồ tiêu Hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ đạt tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Đến nay, toàn huyện có 26 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 10 tổ hợp tác. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang áp dụng các mô hình sản xuất có tính chuyên môn hóa cao. Đây là nền tảng giúp kinh tế nông thôn của huyện Đắk R'lấp phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị.

Trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đang có khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật tiên tiến, mang lại năng suất cao, đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận đối với sản phẩm nông sản. Chẳng hạn, gia đình ông Võ Văn Minh, thôn 8, xã Nhân Cơ, có gần 1,5 ha sầu riêng. Nhờ đầu tư bài bản từ khâu chăm sóc đến phòng bệnh, nên vườn sầu riêng của ông Minh phát triển ổn định, năng suất bình quân đạt gần 1 tạ quả/cây.

Ông Minh cho hay, tiêu chí của người trồng sầu riêng hiện nay không phải là bằng mọi giá để đạt năng suất mà chủ yếu là có chất lượng. Quả sầu riêng phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thơm ngon. Như vậy mới bán được sản phẩm, nghề trồng sầu riêng mới duy trì được lâu dài.

ADQuảng cáo

Sầu riêng của ông Võ Văn Minh, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) trồng theo hướng hữu cơ, được người tiêu dùng ưa chuộng

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sầu riêng Thiên Phú, xã Nhân Cơ, hiện nay, đa số các hộ nông dân trên địa bàn đều ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sạch. Nhiều năm nay, có rất nhiều hộ trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả áp dụng các biện pháp sinh học hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP… Do vậy, sản phẩm nông nghiệp của các nhà vườn này bán ra có nhiều uy tín và được các đối tác cũng như người tiêu dùng tin tưởng.

Với cách sản xuất bài bản, theo hướng hữu cơ, nên nhiều nhà vườn đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Do đó, việc các sản phẩm của họ được "gắn sao” để trở thành sản phẩm OCOP là điều không mấy khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk R’lấp, hiện có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có khả năng tham gia Chương trình OCOP. Thế nhưng, huyện cũng phải từng bước xây dựng nhằm tạo ra chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản một cách bền vững chứ không vội vàng "gắn sao" OCOP.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để thực hiện Chương trình OCOP, bước đầu, huyện thực hiện các phương án thúc đẩy các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển để tạo động lực nội sinh. Huyện tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trong Chương trình OCOP. Đó là tập trung giúp đỡ các đơn vị về kiến thức, kỹ năng quản lý, công nghệ sản xuất, xúc tiến thương mại.

Huyện Đắk R'lấp đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 sản phẩm của doanh nghiệp tham gia OCOP; 6 sản phẩm của các hợp tác xã được cấp chứng nhận OCOP. Ngoài ra, có ít nhất 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao trở lên, 1 sản phẩm đạt từ 4 - 5 sao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp tập trung phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO