Phát triển lúa gạo gắn với OCOP

Kim Ngân| 08/12/2022 08:24

Huyện Krông Nô chú trọng sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, áp dụng quy trình lúa VietGAP để làm nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân năm 2022 – 2023, xã Buôn Choáh (Krông Nô) xây dựng kế hoạch gieo trồng 677 ha lúa nước. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã xuống giống đạt gần 30% diện tích. Bước vào vụ đông xuân, thời tiết đầu vụ thuận lợi, lượng nước trên cánh đồng dồi dào, giúp bà con triển khai sản xuất thuận lợi.

Tại cánh đồng thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh, sau một thời gian cày ải, làm đất cho 5 sào ruộng, gia đình chị Trương Thị Duyên tiến hành xuống giống lúa vụ mùa mới.

Để tiến hành gieo sạ đạt hiệu quả, gia đình chị tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất đến xuống giống theo tiêu chuẩn VietGAP.  Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất lúa sạch, nên ngay từ đầu vụ, việc xuống giống của gia đình chị khá thuận lợi.

Chị Duyên cho biết: “Tôi luôn ý thức áp dụng các quy trình kỹ thuật vào các khâu làm đất, ngâm ủ giống, gieo sạ, chăm sóc… Làm tốt các khâu này là góp phần nâng cao giá trị, tên tuổi sản phẩm lúa gạo của mình làm ra”.

Trong sản xuất lúa, khâu làm đất được người dân đặc biệt quan tâm

Còn gia đình ông Triệu Văn Y, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh, vụ này tập trung gieo sạ 7 sào lúa. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ này, gia đình ông cùng người dân các thôn áp dụng biện pháp gieo sạ luân phiên để hạn chế thiếu nước cục bộ trên cánh đồng.

Vụ này, ông Y cũng chọn tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, khi bắt tay vào sản xuất, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ do ngành Nông nghiệp huyện tổ chức.

Ông Y cho hay: “Trong quá trình sản xuất, tôi luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật theo quy định. Chúng tôi luôn theo dõi, xử lý các nguy cơ đe dọa làm ô nhiễm đất trồng. Đồng thời, luôn thực hiện ghi chép, lưu trữ hồ sơ từ các hoạt động trong quy trình trồng lúa”.

Theo ông Y, bước vào mỗi mùa vụ, nông dân không ngừng cải tiến phương pháp sản xuất, ứng dụng hiệu quả các biện pháp tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, bà con luôn nâng cao ý thức sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

ADQuảng cáo

Người dân tiêu úng để xuống giống lúa đông xuân

Bà Trần Thị Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, bám sát lịch thời vụ của ngành chuyên môn, HTX đã hướng dẫn các hộ thành viên cày ải sớm để loại trừ sâu bệnh trong đất, giúp xuống giống lúa đạt hiệu quả cao.

HTX luôn phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tối ưu nhất cho mỗi giống lúa canh tác sao cho đạt được năng suất, chất lượng cao nhất.

Ðể tập trung phát triển sản phẩm OCOP, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá phẩm chất, hàm lượng dinh dưỡng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm lúa gạo của địa phương. Từ đó, HTX thúc đẩy quá trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gắn với sản phẩm OCOP của xã Buôn Choáh.

Người dân Buôn Choáh tập trung gieo sạ lúa vụ đông xuân

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, để vụ đông xuân năm nay đạt kết quả trên cả 3 mặt là diện tích, năng suất, chất lượng, địa phương đã xây dựng kế hoạch gieo trồng cụ thể.

Trong kế hoạch này, xã chú trọng giúp bà con nông dân tiến hành xử lý nhanh gọn khâu làm đất, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với sản phẩm OCOP. Vì thế, không khí sản xuất của người dân khẩn trương ngay từ ngày đầu vụ.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho biết, sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, gắn với phát triển các sản phẩm OCOP là chủ trương lớn của địa phương trong nhiều năm qua.

Huyện luôn bám sát tình hình sản xuất lúa của bà con để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản lúa. Nhờ đó, sản xuất lúa trên địa bàn đã trở thành ngành hàng có giá trị cao từ nhiều năm nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lúa gạo gắn với OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO