Ðắk Nông và mục tiêu sản phẩm dịch vụ, du lịch đạt OCOP

Hồng Thoan| 29/11/2022 08:53

Đắk Nông có nhiều tiềm năng phát triển các ngành nghề, sản phẩm dịch vụ, du lịch. Tỉnh đang tập trung xây dựng một số sản phẩm tiêu biểu cho lĩnh vực này, trước mắt là hướng tới mục tiêu được công nhận OCOP.

ADQuảng cáo

Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (Service) là 1 trong 6 nhóm sản phẩm được nêu trong Đề án về Chương trình OCOP của tỉnh. Theo đó, Đắk Nông sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như: bon, buôn truyền thống; các tuyến du lịch từ Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông...

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô), HTX đang chú trọng phát triển thành điểm đến về du lịch tham quan, trải nghiệm.

Các sản phẩm này được kết hợp với các tuyến du lịch thuộc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Cụ thể, khi đến HTX, du khách có thể trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như cam, quýt, bưởi, sầu riêng...

HTX cũng đang định hướng các thành viên phát triển một vài sản phẩm lợi thế của mình như: gà, cá, rau bản địa... để du khách có thể thưởng thức tại chỗ, mua về làm quà biếu.

Đến HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô), du khách có thể trải nghiệm các công đoạn chăm sóc, thu hoạch cây nông nghiệp

Hiện nay, HTX đã có các sản phẩm cam, quýt hữu cơ được công nhận OCOP hạng 3 sao. HTX sẽ thúc đẩy việc công nhận các dịch vụ, sản phẩm đi kèm để được công nhận là điểm đến du lịch OCOP.

“Du lịch cộng đồng sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm về địa phương. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở”, bà Mai nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết, địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để xây dựng sản phẩm OCOP về dịch vụ, du lịch.

ADQuảng cáo

Nổi bật là một số nhóm ngành nghề, lễ hội đặc trưng như: nghề rượu cần, dệt thổ cẩm, lễ cúng bến nước của người Mạ... Xã sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa dân tộc.

Từ đó, xã từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có nhiều tiềm năng đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP du lịch gắn với văn hóa người Mạ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn. Tỉnh hiện có 47 sản phẩm hàng hóa được chứng nhận OCOP hạng từ 3-4 sao.

Cả nước đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, Đắk Nông vẫn chưa có sản phẩm nào. Đây là điều sẽ được tỉnh thúc đẩy, quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Trước hết, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản gắn với du lịch nông thôn, nhất là lợi thế về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; du lịch trải nghiệm, homestay, farmstay, du lịch lâm nghiệp...

Để phát triển các lĩnh vực này, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch cộng đồng cho người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP về dịch vụ, du lịch được tỉnh kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi ngành "công nghiệp không khói", giúp kinh tế Đắk Nông phát triển ngày càng toàn diện hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông và mục tiêu sản phẩm dịch vụ, du lịch đạt OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO