Hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

Song Việt| 28/07/2022 09:38

Thời gian qua, nhiều bà con nông dân đã ứng dụng công nghệ vào chăm sóc cây trồng, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Ngành chức năng cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số (CĐS).

ADQuảng cáo

Vụ sản xuất cam năm 2021, HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) có hàng chục tấn cam sành được đưa ra ngoài thị trường. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam của HTX gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến đã trở thành phương án hữu hiệu giúp HTX tiêu thụ được cơ bản số cam của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX, để không bị đứt gẫy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, Fanpage và sàn thương mại điện tử.

Theo đó, các thành viên HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình chăm sóc, thu hoạch cam và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Qua đó, HTX đã kết nối được với chuỗi siêu thị, các tư thương khác giúp tiêu thụ sản phẩm cam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa), thời gian gần đây, ông đã được tiếp cận với CĐS trong sản xuất nông nghiệp. CĐS mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua CĐS, ông được tiếp cận với các thông tin về dự báo nhu cầu thị trường chính xác, dự đoán nguồn cung sản phẩm. Áp dụng công nghệ, CĐS giúp ông giảm thiểu chi phí sản xuất.

"Từ những ưu điểm đó, tôi đã áp dụng CĐS trong chăm sóc vườn sầu riêng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả kinh tế", ông Trung chia sẻ.

ADQuảng cáo

HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã bán sản phẩm cam sành trên các nền tảng số. Ảnh: Hồng Thoan

Đắk Nông có trên 380.945 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã định hình phát triển 23 sản phẩm, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng. Tỉnh đã hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 120 ha.

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 2.432 ha. Toàn tỉnh đã xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, 1 chỉ dẫn địa lý Đắk Nông đối với sản phẩm hồ tiêu.

Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây đạt khoảng 720 triệu USD/năm.

Theo Hội Nông dân tỉnh, với những nền tảng đó, CĐS sẽ càng giúp ngành nông nghiệp phát huy tốt các giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Quá trình CĐS cũng cần bắt đầu từ những người trực tiếp sản xuất.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết về CĐS. Mục tiêu của Hội Nông dân là giúp nông dân thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, qua đó tự nguyện tham gia tiến trình CĐS.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, CĐS là giải pháp quan trọng, giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá tốt nhất.

Để nông dân nâng cao năng lực CĐS, Hội Nông dân sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet, sàn thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO