Không phải “chở củi về rừng”!

Tường Mạnh| 14/12/2017 09:55

Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 11/2017 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây, Sở Công Thương được mời đến để cung cấp thông tin cho báo chí về kết quả sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Đáng chú ý, trong báo cáo của Sở Công Thương có thông tin khá “lạ” là trong năm 2017, tỉnh Đắk Nông đã nhập khẩu sản phẩm tiêu đen trị giá lên tới 21 triệu USD.

ADQuảng cáo

Sở dĩ nói “lạ”, vì lâu nay, Đắk Nông được xem là vựa tiêu của Tây Nguyên, với diện tích trong vụ mùa 2016-2017 vừa qua là lên đến trên 27.500 ha và sản lượng trên 34.400 tấn. Với diện tích, sản lượng thuộc vào hàng tốp đầu, xuất khẩu đang phải gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào thị trường thế giới biến động thất thường, lúc lên lúc xuống, vậy sao phải nhập một lượng lớn tiêu đen như vậy (?). Cũng vì cái “lạ” này, nên đại diện một số cơ quan báo chí cũng yêu cầu lãnh đạo Sở Công Thương thông tin rõ ràng về chuyện có hay không việc nhập khẩu tiêu đen.

Trao đổi tại hội nghị, ông Ngô Thế Tùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, số liệu nhập khẩu tiêu đen là đúng, nghe chừng vô lý, nhưng bản chất sự việc lại không phải như vậy. Sở dĩ có số liệu này là do lâu nay trên địa bàn tỉnh có Công ty TNHH Oxlam là doanh nghiệp FDI, đang đăng ký hoạt động kinh doanh tại Đắk Nông. Trong khi đó, công ty này lại hoạt động xuất nhập khẩu ở khắp nơi trong cả nước.

Việc nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nơi về trong nước để phục vụ chế biến, xuất khẩu là chuyện làm ăn của công ty. Tuy nhiên, theo quy định, hoạt động, số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của công ty vẫn phải thể hiện cho Đắk Nông. Bây giờ thì ít, chứ nhiều năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông hàng năm phần lớn cũng lấy từ số liệu của công ty này, có năm lên đến cả 600 triệu USD là vì vậy. Tương tự như trên, việc nhập khẩu điều nguyên liệu của tỉnh Đắk Nông cũng đạt con số 136 triệu USD.

ADQuảng cáo

Ông Tùng cũng cho rằng, đây là vấn đề hết sức bình thường trong hoạt động xuất nhập khẩu lâu nay. Chuyện doanh nghiệp mua chỗ này, bán chỗ nọ là theo sự điều phối của thị trường và quan hệ làm ăn. Sự việc đã khá rõ ràng và đây cũng là vấn đề mà các cơ quan báo chí cần thông tin rộng rãi để nhân dân được biết một cách chính xác, tránh việc hiểu lầm là Đắk Nông đang “chở củi về rừng”.

Rõ ràng, mỗi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn có những phương thức sản xuất, kinh doanh để đạt hiệu quả về nhiều mặt, nhất là vấn đề lợi nhuận. Trong đó, cho dù nông sản trong nước không thiếu, thậm chí thừa thãi, nhưng họ vẫn có thể thu mua nguyên liệu ở các nước khác để phục vụ chế biến sản phẩm, sau đó xuất khẩu để đạt lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường thế giới luôn có những biến động cũng như tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại thường xuyên diễn ra thì việc có những doanh nghiệp đủ năng lực về nhiều mặt mà đứng ra thu mua, tiêu thụ một lượng lớn nông sản cho nông dân trong tỉnh là điều cần phải tính toán, đặt ra một cách nghiêm túc. Nếu được như vậy, chắc chắn số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của tỉnh là “thật” và chúng ta không phải mang tiếng là “chở củi về rừng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phải “chở củi về rừng”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO