Chung sức vào cuộc để xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Mỹ Hằng| 05/08/2020 08:01

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Chương trình hành động số 98 về Xây dựng và phát triển Công viên địa chất Đắk Nông năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình ở các địa phương trong vùng CVĐC vẫn còn nhiều vướng mắc.

ADQuảng cáo

Chưa bắt nhịp

Chương trình hành động số 98/CTr-UBND vạch ra 7 nội dung và giải pháp thực hiện gồm: Đầu tư và phát triển các điểm đến trong vùng CVĐC tại 21 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch CVĐC; Công tác nghiên cứu và hợp tác khoa học; Bảo tồn di sản, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong vùng CVĐC; Xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch trong vùng CVĐC; Tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC quốc gia và quốc tế; Xây dựng bộ máy Ban quản lý CVĐC Đắk Nông và các kế hoạch quản lý, phát triển CVĐC…

Chuyên gia UNESCO thăm Làng văn hóa Ê đê của huyện Cư Jút

Ngay sau khi Chương trình hành động được ban hành, với chức năng, nhiệm vụ  của mình, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông phối hợp với các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ, đôn đốc các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hành động. Ban quản lý còn chủ động 2 lần ban hành Văn bản số 20/BQL và số 49/BQL để đôn đốc các địa phương.

Tuy nhiên, đến nay Ban quản lý chưa nhận được kế hoạch triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ. Qua thực tế các chuyến công tác tại các điểm di sản cho thấy, các địa phương chưa thực sự "mặn mà", chưa bắt nhịp đầu tư xây dựng các điểm một cách thấu đáo như tinh thần của Chương trình hành động. 

“Giẫm chân tại chỗ”

Lý giải về điều này, theo ông Trương Quang Quảng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cư Jút, trên địa bàn huyện có 3 điểm cần đầu tư xây dựng theo Chương trình hành động số 98 gồm: Thác Băng Rúp (thác Trinh Nữ - điểm số 16), Cầu Sêrêpốk (điểm số 17) và buôn văn hóa Ê đê (buôn Nui- điểm số 18).

ADQuảng cáo

Thực tế, việc xây dựng buôn Nui thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng đã được huyện triển khai từ nhiều năm trước. Đồng bào Ê đê nơi đây vẫn gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, diễn tấu cồng chiêng… được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi khi địa phương có sự kiện lớn, đồng bào đều hăng hái tham gia một cách nhiệt tình.

Cầu Sêrêpốk cũng được địa phương tăng cường quản lý, gìn giữ vệ sinh môi trường chung. Riêng điểm thác Trinh Nữ thì còn có nhiều chỗ vướng bởi do Công ty Phú Gia Phát quản lý. Năm 2018, Công ty đã tiến hành đầu tư, sửa chữa nhưng chưa hề đi vào hoạt động nên hiện tại điểm du lịch này hầu như bị bỏ hoang, đã xuống cấp. Thực tế, điểm du lịch này chưa được cấp quyền sử dụng đất cũng như giấy phép xây dựng nên việc xây dựng các hạng mục công trình chưa được triển khai.

Các hang động núi lửa thuộc CVĐC toàn cầu Đắk Nông là di sản thiên nhiên cần được đầu tư bài bản để phục vụ du lịch

Ông Trương Quang Quảng chia sẻ: “Thực tế, việc huyện thực hiện chưa thực sự sát sao, bởi mỗi lần đi họp Ban chỉ đạo đều toàn người đi thay. Người có thẩm quyền không đi và người đi họp thay lại không có tiếng nói… nên đành chịu. Mặt khác, điểm thác Trinh Nữ còn vướng mắc nhiều nên chỉ mong các cấp thẩm quyền lập các thủ tục liên quan đến việc thuê đất và đầu tư theo quy định. Có như thế việc đầu tư xây dựng theo đúng tinh thần Chương trình hành động mới diễn ra đúng kế hoạch”.

Tương tự, huyện Đắk Glong có 2 điểm cần đầu tư xây dựng theo Chương trình hành động số 98 gồm Mỏ Cao lanh (điểm số 5) thuộc xã Đắk Ha và Thác đá granit (điểm số 43) thuộc xã Đắk Som. Đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng các điểm này hầu như “giẫm chân tại chỗ”. Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, sở dĩ chưa triển khai vì chờ phê duyệt của cấp trên.

Cần có sự chung tay, góp sức

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, mặc dù được UNESCO chính thức công nhận là CVĐC toàn cầu nhưng trên thực tế, các điểm đến, điểm di sản của CVĐC Đắk Nông hiện nay cũng chỉ ở mức độ sơ khai phục vụ cho thẩm định, chưa thể làm điểm tham quan giữ chân du khách. Vì vậy, các điểm di sản cần phải có sự đầu tư bài bản và muốn vậy cần có sự chung tay vào cuộc của các địa phương, đơn vị, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của Ban quản lý CVĐC.

Cụ thể, các địa phương, đơn vị liên quan được giao thực hiện Chương trình hành động phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp với Ban quản lý để thống nhất nội dung và lấy ý kiến chuyên gia trước khi triển khai thực hiện nhằm bảo đảm yêu cầu, tiến độ, thúc đẩy Chương trình hành động xây dựng và phát triển CVĐC Đắk Nông đạt kết quả cao nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức vào cuộc để xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO