Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mới ở những bước vận hành đầu tiên

Mỹ Hằng| 09/11/2020 09:06

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Đắk Nông chính thức được công nhận vào tháng 7/2020 và mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch CVĐC. Tuy nhiên, việc xây dựng, vận hành một cách hiệu quả CVĐC theo đúng các tiêu chí của UNESCO vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, việc xây dựng và vận hành các tuyến du lịch CVĐC theo đúng tiêu chí của UNESCO không phải là điều dễ dàng, không thể ngày một ngày hai là xong được, nhất là cần một nguồn kinh phí đầu tư lớn. Trong khi Đắk Nông là một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhận thức, kinh nghiệm về du lịch và xây dựng CVĐC gắn với phát triển du lịch còn hạn chế.

Điểm mỏ cao lanh ở xã Đắk Ha

Bên cạnh đó, việc công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông cũng chỉ là bước khởi đầu cho mọi công việc vận hành. Trên thực tế, các điểm đến, điểm di sản của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông hiện nay cũng chỉ ở mức độ sơ khai.

Quá trình đầu tư xây dựng trong thời gian qua chỉ chủ yếu phục vụ cho việc thẩm định chính thức của UNESCO nhằm chứng minh những tiềm năng địa chất mà vùng CVĐC đã và đang sở hữu.

Do đó còn nhiều vấn đề và cần có thời gian mới có thể giải quyết được. Trong tổng số 44 điểm di sản thuộc 3 tuyến CVĐC hiện nay có một số công trình, điểm bị hư hỏng không thể vận hành được. Cụ thể, Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ ở xã Đắk Nia; Nhà trưng bày đàn đá ở xã Đắk R’moan (TP.Gia Nghĩa) điểm thác Trinh Nữ (Cư Jút) không mở cửa đón khách tham quan; điểm gỗ hóa thạch (TP. Gia Nghĩa) và một số bảng biển, trang thiết bị tại một số điểm bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí còn bị xâm hại...

Chuyên gia UNESCO thẩm định chính thức điểm giới thiệu sản phẩm cuối cùng của mỏ cao lanh tại xã Đắk Ha

ADQuảng cáo

Riêng điểm “Ranh giới các pha phun trào núi lửa” (Đắk Mil) thuộc khu đất tư nhân nên chủ đất đang khai thác có thể làm biến mất phần taluy có chứa dấu vết ranh giới các đợt phun trào núi lửa.

Trước thực tế đó, hiện nay, Ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã xây dựng Đề án “Xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động của các điểm di sản CVĐC”; trong đó chú trọng vào các hạng mục, dịch vụ vui chơi giải trí, đặc sản du lịch, sản phẩm du lịch…

Đặc biệt, tỉnh sẽ giảm bớt một số điểm trong 44 điểm di sản và chọn ra những điểm nổi bật có thể đưa vào khai thác du lịch và tiếp tục đầu tư nâng cấp, bổ sung thành sản phẩm du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Một số điểm di sản sẽ được nâng cấp xây dựng thành điểm đến du lịch CVĐC

Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, hiện tại Ban đã chọn ra được 5 điểm nổi bật để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch gồm điểm số 17 (cầu Sêrêpốk ) ở huyện Cư Jút; điểm số 8 (núi lửa Nâm Kar) và điểm số 10 (cánh đồng lúa ven núi lửa) của huyện Krông Nô; đầu tư mới Trung tâm thông tin CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông của huyện Đắk Song tại ngã tư cầu 20.

Riêng 2 điểm địa chất gồm điểm số 4 (mỏ nguyên liệu nhôm) và điểm số 5 (mỏ cao lanh) tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) sẽ được tích hợp tại làng nghề đan lát ở bon Kon Hao, để tạo thành một điểm tham quan trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tương lai. Đối với các điểm vừa và nhỏ sẽ giao cho các địa phương tổ chức các sản phẩm du lịch cộng đồng kèm theo các điểm di sản nhỏ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mới ở những bước vận hành đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO