Học hỏi kinh nghiệm xây dựng công viên địa chất toàn cầu

Gia Bình| 16/05/2018 14:22

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Từ những thành công ban đầu của tỉnh Hà Giang, một số địa phương trong cả nước đã học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào việc xây dựng CVĐC toàn cầu, trong đó có tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Từ Hà Giang và Cao Bằng...

Xác định phát triển du lịch gắn với nâng cao thu nhập cho người dân và đáp ứng mục tiêu bền vững là một trong những chiến lược mà tỉnh Hà Giang đặt ra. Nhờ tăng cường quảng bá hình ảnh và xúc tiến du lịch, những năm qua du lịch ở Cao nguyên đá Đồng Văn có bước tăng trưởng khá, với lượng du khách tăng bình quân trên 20%/năm và doanh thu cũng tăng lên một cách nhanh chóng.

Từ kinh nghiệm của Hà Giang, một số địa phương trong cả nước đã nghiên cứu, vận dụng vào việc xây dựng CVĐC. Có thể kể đến như CVĐC núi lửa Krông Nô (Đắk Nông); CVĐC Lý Sơn (Quảng Ngãi); CVĐC Non Nước Cao Bằng (Cao Bằng); CVĐC Phú Yên (Phú Yên); CVĐC Gia Lai (Gia Lai); CVĐC Ba Bể (Bắc Kạn)...

Xây dựng, phát triển CVĐC phải gắn liền với công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa

Ngày 12/4/2018, tại kỳ họp lần thứ 204 ở Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận CVĐC Non Nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu và đây là CVĐC toàn cầu thứ 2 của Việt Nam. CVĐC toàn cầu Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện ở địa đầu Tổ quốc. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới.

ADQuảng cáo

Và thực tế ở Đắk Nông

Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, sau khi hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện và công bố, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô đã được kiện toàn và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở cứ liệu khoa học, tỉnh cũng đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông”. Đồng thời, tỉnh cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi tham dự Hội nghị về mạng lưới CVĐC Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản; tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về CVĐC toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh, với mục đích giới thiệu, quảng bá về CVĐC núi lửa Krông Nô, kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO...

Qua các chuyến đi, Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô-tỉnh Đắk Nông đã học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển CVĐC, nhất là khai thác du lịch bằng yếu tố văn hóa… Không những vậy, tỉnh đã tổ chức khảo sát, đo vẽ được 48 hang động trong khu vực núi lửa Krông Nô với tổng chiều dài là 9.573m và mời TS Guy Martili-Trưởng Ban điều hành, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO làm chuyên gia tư vấn, hỗ trợ các chiến lược phát triển CVĐC núi lửa Krông Nô và xây dựng hồ sơ mạng lưới CVĐC toàn cầu trình UNESCO. Dự kiến tháng 8/2018, tỉnh Đắk Nông sẽ đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO thẩm định và xét duyệt.

Một góc hang động thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Trưởng tiểu ban CVĐC (Bộ Tài nguyên - Môi trường), so với 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, các bước tiến hành xây dựng CVĐC toàn cầu của tỉnh Đắk Nông có vẻ chậm nhưng đã và đang đi đúng hướng. Do đó, tỉnh cần chủ động, tích cực phối hợp tiến hành nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên Chính phủ và UNESCO để công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Ở góc độ chuyên môn, các cơ quan liên quan cần phối hợp để xây dựng các tiêu chí mà UNESCO đưa ra và tổ chức hội thảo quốc tế lấy ý kiến đánh giá của giới khoa học, giới quản lý trong nước và chuyên gia quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học hỏi kinh nghiệm xây dựng công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO