Khả năng Đắk Nông được xét duyệt nộp hồ sơ công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu là rất lớn

Mỹ Hằng thực hiện| 02/08/2018 09:45

Mới đây, Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO đã tổ chức đợt khảo sát, thẩm định tiến trình xây dựng hồ sơ Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu của tỉnh Đắk Nông. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Mai Phan Dũng, Quyền Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Mai Phan Dũng (ngoài cùng bên phải), Quyền Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam tham gia chuyến khảo sát thực địa tại khu vực núi lửa Buôn Choáh

PV: Ông có thể cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Tổ chức UNESCO thời gian qua?

Ông Mai Phan Dũng: Phải nói rằng, UNESCO là một tổ chức chuyên môn rất quan trọng của Liên Hợp Quốc hợp tác trên tất cả lĩnh vực văn hóa, giáo dục… Tôn chỉ của UNESCO là xây dựng mối quan hệ hòa bình ngay trong tâm trí mỗi người. Đây là một tổ chức hoạt động hết sức nhân văn và cao cả, giúp các nước xây dựng mối quan hệ hòa bình trong hợp tác.

Theo đó, ngay sau khi đất nước thống nhất (năm 1975) và 1 năm sau đó, Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức UNESCO. Từ khi trở thành thành viên của UNESCO, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có rất nhiều cán bộ đang làm việc trong các ban, ngành của Tổ chức UNESCO và Việt Nam đang tiếp tục đảm nhận chức danh thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO. Trong tổng thể đó, Ủy ban UNSECO Việt Nam giữ vai trò điều phối với các bộ, ngành và các địa phương để tăng cường hợp tác với Tổ chức UNESCO trên tất cả các lĩnh vực liên quan.

Ngược lại, Tổ chức UNESCO cũng rất coi trọng mối quan hệ đối với Việt Nam và cũng đã đặt Văn phòng Quốc gia UNESCO tại Việt Nam. Các văn bản hợp tác với Việt Nam cũng được ký kết, qua đó mối quan hệ giữa Việt Nam và Tổ chức UNESCO ngày càng bền chặt.

PV: Để được UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu là điều hết sức khó khăn, ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Ông Mai Phan Dũng: Hiện tại, Việt Nam có 2 CVĐC toàn cầu được UNESCO công nhận là CVĐC Non nước Cao Bằng (Cao Bằng) và CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị nộp hồ sơ CVĐC núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) và CVĐC Lý Sơn (Quảng Ngãi) và cũng có thể một vài địa phương khác cũng sẽ chuẩn bị hồ sơ để xin công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu của UNESCO. Đây là một mô hình rất hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội, cùng với việc bảo tồn các giá trị về di sản địa chất, địa mạo, da đạng sinh học, văn hóa…

Tôi lấy ví dụ như CVĐC núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông muốn UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu bắt buộc trải qua rất nhiều bước. Đầu tiên, chúng ta phải chuẩn bị hồ sơ thật tốt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra và nộp đúng hạn (hạn cuối cùng là tháng 11/2018). Sau khi được nộp hồ sơ thì khoảng tháng 5 đến tháng 8/2019, Tổ chức UNESCO sẽ cử thêm 1 đoàn chuyên gia khác vào thẩm định tại chỗ. Đây là bước rất quan trọng vì tất cả các tiêu chí đưa ra đều được kiểm tra thực địa và đánh giá xem địa phương có làm tốt hay không. Sau đó, các nhà khoa học, các cơ quan tư vấn của UNESCO thẩm định và sẽ có kết quả khoa học trong tháng 9/2019.

ADQuảng cáo

Ngay sau khi có kết quả thẩm định, UNESCO sẽ xây dựng một nghị quyết và trình lên Ban Chấp hành UNESCO xem có công nhận CVĐC núi lửa Krông Nô là CVĐC toàn cầu hay không. Và cuối cùng là công tác vận động - đây là công việc của cả một tập thể bao gồm Bộ Ngoại giao, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Tiểu ban CVĐC và cả tỉnh Đắk Nông. Khi công việc hoàn tất thì đoàn liên ngành sẽ cùng với địa phương có hồ sơ xây dựng CVĐC tham dự các cuộc họp liên quan của UNESCO để bảo vệ cho hồ sơ được công nhận.

Ông Mai Phan Dũng trả lời phỏng vấn tại hang C6

PV: Hiện tại, về cơ bản Đắk Nông đã hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên Tổ chức UNESCO xét duyệt, ông đánh giá như thế nào về sự nỗ lực của tỉnh Đắk Nông?

Ông Mai Phan Dũng: Trước tiên, tôi phải nói rằng lãnh đạo tỉnh Đắk Nông có một cái nhìn rất tích cực đối với việc bảo vệ di sản nói chung và điều đó được thể hiện qua việc rất quan tâm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để UNESCO công nhận các di sản. Đó là cách nhìn đúng đắn về phát triển bền vững, giúp địa phương vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa, thiên nhiên, địa chất, cảnh quan…

Riêng đối với việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO xét duyệt, công nhận, chúng tôi đánh giá cao sự chủ động của tỉnh trong việc tìm hiểu sớm các cách làm của các địa phương đã được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu. Tỉnh cũng chủ động thực hiện các việc liên quan khác nhau như chuẩn bị bộ máy nhân sự, tổ chức các buổi hội thảo khoa học để xác định phạm vi, ranh giới, các giá trị của CVĐC nói riêng… và hiện tại trên tay chúng tôi đã có những báo cáo hết sức giá trị.

Đặc biệt, qua một vài ngày đi thực tế khảo sát, chúng tôi thấy nhiều di sản có giá trị rất tiêu biểu cả về địa chất lẫn cảnh quan và khả năng Đắk Nông được xét duyệt nộp hồ sơ công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu là rất lớn. Bởi vì, Đắk Nông đã và đang đi đúng hướng, đó là việc mời các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam cũng như quốc tế tham gia giúp đỡ xây dựng hoàn thiện hồ sơ.

Phát huy những thành quả đó, năm 2019, tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các khâu chuẩn bị để các chuyên gia thực địa vào thẩm định lần thứ 2. Thời gian còn lại để đệ trình, nộp hồ sơ lên Tổ chức UNESCO không nhiều, nên đòi hỏi sự tham gia, nỗ lực rất nhiều của các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương trong việc hoàn tất hồ sơ theo đúng quy trình, tiêu chí của UNESCO đã đề ra. Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo, tôi tin rằng Đắk Nông sẽ sớm được gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu.  

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khả năng Đắk Nông được xét duyệt nộp hồ sơ công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu là rất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO