Đưa hợp tác phát triển kinh tế giữa Đắk Nông và Mondulkiri đi vào chiều sâu

Tường Mạnh| 10/09/2015 17:08

Khi đề cập đến công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong nhiệm kỳ qua, dự thảo Báo cáo chính trị có nêu: Thực hiện ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lâu nay giữa hai tỉnh chỉ mới hình thành các kênh ngoại giao của chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ truyền thống đoàn kết giữa hai quốc gia, dân tộc.

Trong khi đó, vấn đề hợp tác phát triển kinh tế giữa 2 tỉnh chưa thật sự rõ nét, mặc dù hai bên đã 2 lần ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2015-2020. Nhìn chung, việc hợp tác này chủ yếu là về phía tỉnh Đắk Nông triển khai các hoạt động giúp đỡ phía bạn là chính, chứ chưa thấy có sự nổi bật nào về hợp tác đầu tư giữa hai tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri ký kết Chương trình hợp tác kinh tế, xã hội giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Đức Diệu

Cụ thể, theo đánh giá, trên cơ sở chương trình đã ký kết, 5 năm qua, tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ và hoàn thành, bàn giao cho tỉnh Mondulkiri 9 công trình thiết yếu như trường học, trụ sở làm việc, giếng khoan và hệ thống nước sạch với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ngoài ra, Đắk Nông còn hỗ trợ tỉnh Mondulkiri xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng; đồng thời triển khai đấu nối công trình đường điện 22 kV cấp điện cho tỉnh Mondulkiri…

Trong phần phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, dự thảo cũng tiếp tục nêu: Hết sức coi trọng mối quan hệ với tỉnh bạn Mondulkiri (Campuchia), xây dựng biên giới hai tỉnh hòa bình, hữu nghị; thúc đẩy thực hiện tốt ký kết hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, đầu tư hợp tác giữa hai tỉnh.

Rõ ràng, ngoài lĩnh vực ngoại giao, vấn đề giao lưu kinh tế, đầu tư hợp tác giữa hai tỉnh được Đảng bộ tỉnh chú trọng. Vì vậy, với chủ trương trên, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp cũng phải tiếp tục chú trọng trong việc thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ, tích cực, tạo sự thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế giữa hai tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, mạnh mẽ hơn.

Liên quan đến chủ trương này, cũng xin nêu lên một vấn đề, đó là, với lợi thế “núi liền núi, sông liền sông”, Đắk Nông có 2 cửa khẩu là Đắk Peur và Bu Prăng thông thương với nước bạn Campuchia. Những năm gần đây, hợp tác phát triển thương mại khu vực biên giới giữa Đắk Nông và các tỉnh biên giới Campuchia đã có bước phát triển.

Đặc biệt, do có mạng lưới đường bộ kết nối với Campuchia nên cửa khẩu Đắk Peur (Đắk Mil) có một vị trí quan trọng về phát triển kinh tế đối ngoại và bảo vệ an ninh quốc phòng. Vì vậy, UBND tỉnh đã có Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 26/4/2013 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm cửa khẩu thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur. Đây là cơ sở, nền tảng để thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần tích cực vào việc hình thành khu kinh tế cửa khẩu động lực của tỉnh cũng như mở rộng hợp tác phát triển kinh tế với nước bạn Campuchia.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur vẫn chưa đâu vào đâu, nếu không muốn nói là chưa có gì cụ thể, nổi bật cả. Vì vậy, tỉnh cũng cần có ý kiến với Chính phủ trong việc rà soát, nhận định tiềm năng, lợi thế của cửa khẩu đối với liên kết phát triển vùng Tây Nguyên cũng như nước bạn Campuchia để có kế hoạch hỗ trợ tỉnh đầu tư thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của khu vực.

Có thể nói, việc hợp tác phát triển kinh tế có chiều sâu với nước bạn Campuchia không chỉ là vì bản thân nền kinh tế của tỉnh mà còn vì sự ổn định, bảo đảm quốc phòng an ninh biên giới một cách lâu dài, bền vững, trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, hai bên cùng có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa hợp tác phát triển kinh tế giữa Đắk Nông và Mondulkiri đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO