Đắk Mil phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với với công nghiệp chế biến

Lam Giang| 04/08/2020 07:01

Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, Đắk Mil (Đắk Nông) đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với với công nghiệp chế biến và tạo ra sản phẩm xuất khẩu cho nông sản.

ADQuảng cáo

Hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Xác định nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ yếu trong nền kinh tế và thu nhập của đại đa số người dân, để có thể nâng cao được năng suất, giá trị sản phẩm nông sản, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đắk Mil đã nỗ lực áp dụng các giải pháp kỹ thuật, từng bước tiếp cận mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển đổi, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất được chú trọng.

Vườn cà phê tái canh của nông dân xã Đắk Lao (Đắk Mil) mang lại hiệu quả cao

Đối với việc tái canh cà phê, thông qua các chương trình tập huấn, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, người dân chủ động thực hiện đối với diện tích già cỗi, năng suất thấp. Trong 5 năm, toàn huyện đã ghép cải tạo kết hợp với trồng mới được 6.840 ha cà phê. Mặt khác, cơ cấu cây trồng của địa phương có sự chuyển dịch mạnh từ diện tích cây hàng năm sang cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil cho biết: "Huyện định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng từng khu vực, từng xã. Trong đó, huyện tập trung vào 3 vấn đề chính: Chuyển đổi một số cây ăn trái tại những khu vực thiếu nguồn nước tưới, độ dốc cao, đất đai cằn cỗi; đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; xúc tiến xây dựng được thương hiệu như cà phê, xoài và sầu riêng Đắk Mil. Trên cơ sở đó, huyện thúc đẩy quá trình sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông sản".

Nông dân trồng xoài tại xã Đắk Gằn (Đắk Mil) sử dụng túi bọc quả hạn chế côn trùng gây hại. Ảnh: Hồng Thoan

Đến nay, trên địa bàn huyện đã cơ bản hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, với sản phẩm chủ lực. Cụ thể, vùng sản xuất cà phê Thuận An, Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk. Vùng sản xuất cây ăn trái Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk N’Drót, Đức Mạnh. Vùng chăn nuôi Đắk Gằn, Đắk N’Drót, Đức Minh, Đắk Sắk và Long Sơn.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống ghép, giống lai có năng suất chất lượng tốt nên giá trị sản xuất đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Hiện nay, 85% các khâu như: làm đất, tưới nước, vận chuyển, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh được cơ giới hóa. Huyện đã đăng ký và được chứng nhận 3 nhãn hiệu nông sản tiêu biểu là xoài Đắk Mil, sầu riêng Đắk Mil, cà phê Đắk Mil.

Trong chăn nuôi, tiếp tục phát triển các mô hình trang trại tăng về số lượng và hiệu quả. Một số trang trại chăn nuôi lợn thịt, gà thịt liên kết với các công ty cổ phần chăn nuôi và một số mô hình chăn nuôi khác như dê, bò... có hiệu quả kinh tế cao.

ADQuảng cáo

Kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, với 16 hợp tác xã và 22 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bước đầu hình thành các hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và cung ứng dịch vụ, xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực

Để đạt được mục tiêu “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nông sản của huyện” như Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV xác định đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và Nhân dân phải nỗ lực rất lớn.

Trong đó, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục tham mưu và chủ động thực hiện hiệu quả chương trình tái canh cây cà phê giai đoạn II, phấn đấu đến năm 2025 đạt 18.262 ha (bằng 86,1% tổng diện tích cà phê của huyện). Việc thâm canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất bình quân từ 2,7 tấn/ha lên 3,2 tấn/ha và có trên 12 nghìn ha cà phê áp dụng sản xuất cà phê có chứng nhận 4C, UTZ, Certified, feirtrade…

Bơ booth trơn cho quả nhiều đang được nhiều nông dân ở Đắk Mil chọn trồng. Ảnh: Đức Hùng

Diện tích sản xuất xoài, bơ Booth theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục được mở rộng để năm 2025 có khoảng 70% sản lượng trái cây của địa phương được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị, cửa hàng OCOP trong nước và xuất khẩu…

Đối với chăn nuôi, Đắk Mil sẽ tập trung phát triển trang trại theo hướng an toàn sinh học có sự liên kết với doanh nghiệp trong chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp tập trung  tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho người dân. Các mô hình đã có hiệu quả sẽ được nhân rộng như: mô hình trồng cây bơ Booth, xoài trái vụ, bưởi da xanh, tiêu xen canh cây cà phê, chăn nuôi bò thịt, heo thương phẩm tập trung…

Đi đôi với quy hoạch, địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây các loại, thức ăn gia súc tại Cụm công nghiệp Thuận An, Trung tâm thương mại hàng nông sản, hệ thống cửa hàng OCOP của huyện tại khu vực 304, thôn 1, xã Đắk N’Drót để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản chủ lực. Liên kết "4 nhà" sẽ được quan tâm chú trọng để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với với công nghiệp chế biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO