Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

BAN CHẤP HÀNH  ĐẢNG BỘ TỈNH| 07/07/2020 08:39

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã chính thức công bố Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh để lấy ý kiến Nhân dân. Báo Đắk Nông điện tử xin trân trọng đăng toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh.

Báo Đắk Nông mong nhận được ý kiến đóng góp của Nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh. Các ý kiến đóng góp xin gửi về Tòa soạn Báo Đắk Nông, đường Trần Hưng Đạo, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hoặc qua email: tsbaodaknong@gmail.com

*****

BÁO CÁO CHÍNH TRỊ

TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XII,

NHIỆM KỲ 2020 – 2025

-----

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THC HIN

NGHQUYT ĐI HI ĐNG BTNH LN THXI

Năm năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh nhiều thuận lợi, kinh tế vĩ mô của đất nước dần ổn định; nền kinh tế đang được tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tạo nhiều động lực phát triển mới; công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt, niềm tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước được củng cố, nâng lên. Trong tỉnh, những kết quả đạt được sau hơn 15 năm tái lập đã tạo nền tảng, kinh nghiệm thực tiễn quan trọng cho sự phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đó là: Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những thách thức lớn; tình hình Biển Đông căng thẳng; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh Covid-19; Trung ương ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới, thay đổi tư duy kinh tế đối với một số lĩnh vực quan trọng[1]; nguồn vốn đầu tư trung hạn từ Trung ương phân bổ thấp hơn so với dự kiến[2]; giá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giảm sâu kéo dài; các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh[3]; nền kinh tế quy mô nhỏ, vùng miền núi, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ,... ảnh hưởng mọi mặt đời sống, nhất là ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời; Nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đoàn kết, từng bước khắc phục khó khăn, kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI “Đến năm 2020, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN CỦA ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

Trong 07 nhóm chỉ tiêu (gồm 21 chỉ tiêu cụ thể) Đại hội XI đề ra, kết quả:

14/21 chỉ tiêu đạt và vượt, chiếm 66,7% (gồm: Thu ngân sách, giao thông, trồng rừng, nông thôn mới, lao động và việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng thủy lợi, cấp điện, nước sinh hoạt, phát triển đảng, hoạt động của tổ chức đảng).

07/21 chỉ tiêu không đạt, chiếm 33,3%, chủ yếu là các chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch kéo theo các chỉ tiêu kinh tế đều không đạt (tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội).[4]

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Phụ lục 1.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Lĩnh vực kinh tế - hạ tầng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh (GRDP) duy trì ổn định và bền vững, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và huy động được tiềm năng vào tăng trưởng; phát triển có nét riêng, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chưa phát triển.Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân giai đoạn đạt 8,02%/NQ 9%theo cách tính thời điểm xây dựng Nghị quyết(theo công bố của Tổng cục Thống kê[5]ước đạt 6,15%,gần bằng với mức bình quân chung của cả nước), quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần so với đầu nhiệm kỳ;tăng trưởng bình quân khu vực nông nghiệp đạt 4,52% (cao hơn bình quân chung của cả nước 1,52%), tiếp tục là trụ cột tăng trưởng; quy mô khu vực công nghiệp tăng 1,78 lần, tốc độ bình quân đạt 12,22%,bước đầu khai thác được tiềm năng khoáng sản bôxít vào tăng trưởng, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; GRDP bình quân đầu người tăng từ 38,65triệu đồng đầu nhiệm kỳ lên 52triệu đồng vào năm 2020, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp[6].

Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các quy hoạch để phù hợp với quy hoạch quốc gia, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội[7], trọng tâm là: điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; cơ bản hoàn thành điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng bô xít; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản đến năm 2020, quy hoạch ba loại rừng[8]; phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường quản lý quy hoạch nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản.

Các nguồn lực tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, nhất là đất đai,khoáng sản.Triển khai quyết liệt công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm dần số vụ vi phạm, ngăn chặn và xóa các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng; trồng rừng vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 8.471 ha/NQ 5.000 ha. Chú trọng bảo vệ môi trường; xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;thực hiện hiệu quả pháp luật về môi trường[9].Triển khai quan trắc; thường xuyên kiểm tra, giám sát môi trường trong khai thác, chế biến Bô xít.

Huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng; tăng cường hiệu quả công tác đầu tư công, tập trung hoàn thiện các công trình trọng điểm, ưu tiên nguồn lực xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ và hạ tầng giao thông, thủy lợi:Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 72,3 ngàn tỉ đồng[10], tăng 11%. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn đạt 10.020tỉ đồng, tăng 13,4 %; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Triển khai đầu tư 10 dự án ODAcho các dự án nâng cao hạ tầng nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế, giảm nghèo, với nguồn vốn 1.582 tỉ đồng. Thu ngân sách ước đạt 11.531 tỉ đồng, vượt nghị quyết, tăng 1,8 lần. Chi ngân sách ước đạt 30.893tỉ đồng, quy mô chi tăng 30%. Vốn huy động tăng bình quân 10,1%/năm; vốn tín dụng tăng bình quân 17,3%/năm, là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho phát triển[11]. Tập trung phát triển quỹ đất, tạo quỹ đất sạch, bước đầu huy động nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội, thu sử dụng đất ước đạt 1.339 tỉ đồng[12].

Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện.Nâng tỉ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh lên 65%, nhựa hóa đường huyện lên 76%[13]. Đầu tư xây dựng mới, nângcấp sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi và hồ chứa, nâng tỉ lệ bảo đảm nguồn nước cho diện tích cần tưới đạt 80%. Đầu tư chỉnh trang đô thị, nâng tỉ lệ đô thị hóalên 28%, thị xã Gia Nghĩa được công nhận là thành phố. Phát triển hạ tầng điện[14], tỉ lệ thôn, bon có điện lưới quốc gia đạt 100%[15]. Cơ bản bảo đảm tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Hạ tầng thông tin, mạng lưới viễn thông phát triển rộng khắp, chất lượng được nâng cao.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao dần giá trị trên diện tích canh tác, phương thức sản xuất có bước chuyển biến tích cực, tăng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng thị trường.Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế [16]. Thực hiện02đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện[17]gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)bước đầu đã có tác động tích cực[18], nâng giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồnglên 71,5 triệu đồng và đóng vai trò nền tảng phát triển ngành cho những năm tiếp theo.Diện tíchđất tái cơ cấu trồng trọt đạt 69.570ha/334.000 ha, đạt khoảng 20,8%[19]. Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng cải tạo giống, liên kết chặt chẽ đầu ra, chăn nuôi tập trung, trang trại trở thành xu thế chăn nuôi chính[20]. Thúc đẩy cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp.Dịch vụ nông nghiệp phát triển khá, tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm.Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường. Bước đầu định hướng hình thành được 05 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao[21], trên 69,5 ngàn ha ứng dụng một phần công nghệ caovà 270 ha[22]sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò tiền đề để nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới,mỗi xã đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên (vượt NQ đề ra).Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện.

Ngành công nghiệp có bước phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; bước đầu hình thành vùng công nghiệp trọng điểm luyện Alumin, nhôm của quốc gia.Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng mạnh[23]. Bước đầu khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông[24], lâm[25]sản, công nghiệp nhẹ[26]và năng lượng[27],... tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trênthị trường trong và ngoài nước[28], giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.Công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn[29].Hình thành định hướng chuỗi công nghiệp Alumin - luyện nhôm và sau nhôm, đưa Nhà máy Alumin Nhân Cơ vào hoạt động từ cuối năm 2016, với công suất 650 ngàn tấn alumin/nămđạt hiệu quả[30]; Nhà máy luyện nhôm Đắk Nông đang được triển khai xây dựng[31]. Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 để tiếp tục phát triển công nghiệp sau Nhôm. Đề xuất Trung ương tổng kết thí điểm dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin, làm cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư mở rộng các dự án bô xít - alumin trên địa bàn.

Hoạt động thương mại và dịch vụ ổn định, thị trường hàng hóa và dịch vụ được mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;xuất, nhập khẩu, giao thương hàng hóa quốc tế có bước tăng trưởng khá;bước đầu đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh.Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ ước đạt 71 ngàn tỉ đồng, tăng bình quân 6,5%/năm. Hạ tầng thương mại, hệ thống chợ, siêu thị được đầu tư xây dựnggóp phần ổn định thị trường, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương[32]. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5.132 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.150 triệu USD[33].Phát triểncác hình thức kinh doanh, dịch vụ trên nền tảng công nghệ số.

Du lịch bước đầu định hình lợi thế, xu hướng phát triển; từng bước quảng bá hình ảnh địa danh, văn hóa và con người Đắk Nông; đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu. Hoạt động du lịch có bước phát triển. Hạ tầng du lịch được ưu tiên đầu tư[34].

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.Tăng cường xúc tiến đầu tư, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư[35]. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 2.757 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên gần 5.000. Chấp thuận chủ trương đầu tư cho 143 dự án với tổng số vốn đăng ký 29,4ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế - hạ tầng còn một sốtồn tại, hạn chế:

Tốc độ tăng trưởng và một số chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tếkhông đạt Nghị quyết,nguyên nhân chính là doNhà máy Điện phân nhôm chậm tiến độ.Quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và nguồn vốn đầu tư công có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa đạt được mục tiêu xây dựng một số công trình kiến trúc, văn hóa mang tính biểu tượng. Công tác quy hoạch chưa bảo đảm định hướng cho phát triển. Quản lý quy hoạch hiệu quả chưa cao, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm.Năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp và nông nghiệpcó tăng nhưngphát triển chưa theo chiều sâu, thiếu bền vững.Tỉ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp còn thấp. Việc huy động, sử dụng nguồn lực tài nguyên, khoáng sản, đất đai vào phát triển chưa đạt như kỳ vọng, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chậm được kiểm tra khắc phục.

Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa vào tăng quy mô, mở rộng diện tích canh tác; vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước đối với sự phát triển ngành nông nghiệp chưa thể hiện rõ nét. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Các tiềm năng, lợi thế về kinh tế rừng chưa được phát huy.Tỉ lệ che phủ rừng không đạt chỉ tiêu đề ra. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra phức tạp[36]. Quản lý đất đai chưa chặt chẽ, tranh chấp còn xảy ra nhiều nơi.

Chưa thu hút được đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ quy mô lớn; chưa có trung tâm Logistics nhằm phát triển kinh tế và thương mại; chưa tận dụng được lợi thế kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa địa phương còn thấp. Kinh tế cửa khẩu chưa phát triển. Hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, quy mô hoạt động nhỏ, sản phẩm thiếu đặc sắc,... Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ; phát triển chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thiếu sự quyết liệt, còn nhiều vướng mắc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng. Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Thực hiện sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập; giữa các vùng,  ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Bước đầu thực hiện đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, đầu tư xây dựng trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, Trường Cao đẳng Cộng đồng. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến rõ nét; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt mức trung bình của cả nước; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tăng. Mở rộng, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các bậc học phổ thông, mầm non; xóa mù chữ; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển mạnh về số lượng, nâng cao về chất lượng. Công bằng xã hội trong giáo dục được chú trọng, mọi người dân có điều kiện được học tập thường xuyên và học tập suốt đời. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Hoạt động khoa học công nghệ có những chuyển biến tích cực. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường hợp tác, liên kết về khoa học và công nghệ với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước. Công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới. Thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; đổi mới công nghệ; xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Số giường bệnh tăng từ 14,8 lên 18,5 giường/vạn dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, nhiều dịch vụ kỹ thuật mới được triển khai; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là cho đối tượng bảo hiểm y tế. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19. Kết quả thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu y tế - dân số đạt mức cao, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 95%; tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 0,4% đến 0,6%/năm; mức sinh chung đạt 2,2 con/phụ nữ (mức sinh chung khu vực Tây Nguyên là 2,32 con/phụ nữ). Chú trọng triển khai hoạt động quản lý Nhà nước về y, dược. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trạm y tế, 71,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (tăng 40,8% so với đầu nhiệm kỳ). Mở rộng xã hội hóa tại các cơ sở y tế. Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đưa tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% dân số. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được cải thiện rõ rệt.

Chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin,đặc biệt chú trọng xây dựng, triển khai các đề án xây dựng các giá trị văn hóa, nhân cách, chuẩn mực đạo đức, lối sống mới. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ngày càng phát triển, phát huy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá - lịch sử truyền thống tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng được chú trọng, từng bước đổi mới nội dung, phương thức thực hiện; cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho văn hóa, thể thao. Sáng tạo văn học, nghệ thuật; hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp; thể thao thành tích cao đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí; củng cố, phát triển hệ thống thông tin cơ sở, phát triển các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet. Từng bước đáp ứng yêu cầu về thông tin tuyên truyền trong xu thế mới.

Công tác bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được chú trọng.Chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách an sinh và bảo trợ xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời; bảo đảm ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn vốn xã hội để chăm sóc hỗ trợ gia đình chính sách, người có công và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được toàn xã hội quan tâm và thực hiện thiết thực, hiệu quả. Chương trình hỗ trợ người có công, hộ nghèo cải thiện nhà ở; giảm nghèo bền vững được thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, tỉ lệ hộ nghèo giảm 8,68% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hỗ trợ, điều trị cai nghiện ma túy được chú trọng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, từng bước bảo đảm đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn[37].

Bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được phát huy. Thực hiện đồng bộ, kịp thời công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên các lĩnh vực, đồng thời ban hành các chính sách, bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là trong công tác giảm nghèo bền vững. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho các tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa - xã hội còn một số tồn tại, hạn chế:chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; một số nơi còn thiếu giáo viên, chưa bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ với các viện nghiên cứu, trường đại học chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả còn thấp. Nguồn nhân lực y tế yếu về chất lượng, thiếu về số lượng, nhất là bác sỹ chuyên sâu; cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trang thiết bị hiện đại còn thiếu; công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, văn hóa - văn nghệ chưa được duy trì thường xuyên; việc nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các giá trị văn hóa chưa phát huy được hiệu quả; hoạt động thể thao thành tích cao chưa bền vững. Việc xử lý thông tin giả, xấu, độc trên môi trường mạng còn chậm. Công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí chưa được quan tâm đúng mức. Đầu tư cho báo chí, truyền thông, nhất là đầu tư cho hệ thống thông tin cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.  

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp; tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của một số cơ quan, doanh nghiệp còn kéo dài. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Một số tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; trẻ em bị tai nạn thương tích, bị tử vong do đuối nước và bị xâm hại còn xảy ra.

3. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các ngành, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đã được nâng lên. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc trên cả 3 tiềm lực chính trị tinh thần, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm. Chỉ đạo tổ chức thành công các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã. Đã quan tâm thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực phòng thủ, trên tuyến biên giới, các địa bàn trọng điểm của tỉnh. Triển khai nhiều giải pháp thiết thực xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, lực lượng dự bị động viên “vững mạnh, hùng hậu”, bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia trên địa bàn; tích cực xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia. Triển khai làm đường tuần tra, phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới quốc gia giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri theo đúng kế hoạch.

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hoàn thành việc điều động, bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không để xảy ra khủng bố, biểu tình, bạo loạn, xâm nhập, nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động trên địa bàn tỉnh. Triển khai có hiệu quả nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm, tội phạm ma túy, không để hình thành đường dây, tụ điểm phức tạp về ma túy[38]; tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm kinh tế; tội phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng[39]; nâng cao năng lực bảo đảm trật tự an toàn giao thông[40], phòng chống cháy, nổ[41] và cứu hộ, cứu nạn. Đẩy mạnh xây dựng, củng cố thế trận an ninh Nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Mở rộng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Chủ động mở rộng các quan hệ hợp tác, liên kết, đầu tư với một số tỉnh, thành trong nước, một số tổ chức phi chính phủ và đại sứ quán, lãnh sự quán các nước. Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào đảm bảo đúng quy định.Tăng cường các chương trình hợp tác, hỗ trợ; duy trì, củng cố quan hệ đối ngoại đảng, ngoại giao chính quyền, đối ngoại nhân dân vớitỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.

Tuy nhiên, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số hạn chế: Xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ ở một số địa phương chưa toàn diện, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân; quán triệt quan điểm kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương có nơi thực hiện chưa đồng bộ; chất lượng chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.Công tác nắm, dự báo tình hình có thời điểm, có nơi chưa thật sự chủ động; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi hiệu quả chưa cao.

4. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

4.1.Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Nhiệm vụ xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị được coi trọng, có sự đổi mới trong việc tổ chức, triển khai thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành 02 chỉ thị, 01 đề án chuyên đề chỉ đạo tăng cường công tác chính trị tư tưởng; đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên[42]. Bước đầu tổ chức đồng bộ, tập trung việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy bằng hình thức trực tuyến; đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá nhận thức sau nghiên cứu, quán triệt; từng bước khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận, tình hình tâm trạng, tư tưởng của các giai tầng xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Tăng cường định hướng, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, báo chí, truyền thông, thông tin cơ sở. Việc nghiên cứu biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện[43].

Tăng cường nội dung, đổi mới phương thức xây dựng Đảng về đạo đức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch và đề án chuyên đề triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; cụ thể hóa 85 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quy định chi tiết nội dung cần thực hiện nêu gương của cán bộ chủ chốt. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án được triển khai cơ bản nghiêm túc; trọng tâm là thực hiện nghiêm việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; chú trọng nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Tập trung xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt quan tâm công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên được thực hiện theo hướng coi trọng hiệu quả hoạt động, chất lượng đảng viên, thực hiện đồng bộ ba mặt công tác đảng viên, nhất là đối với những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ. Trong nhiệm kỳ, phát triển được 5.286 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 26.556 đồng chí[44]; rà soát, sàng lọc đưa 169 đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; tiếp tục giảm bớt tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép hoặc chưa có chi bộ ở các thôn, bon, buôn, tổ dân phố; tỉ lệ đảng viên dưới 41 tuổi tham gia cấp ủy các cấp tăng hơn so với khóa trước[45]. Tỉ lệ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố ngày càng tăng.

Chất lượng sinh hoạt của các loại hình chi bộ được nâng lên; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cơ bản phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp[46].

Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đạt được nhiềukết quả tích cực. Đã cụ thể hóa các chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn của Trung ương về công tác cán bộ bằng quy chế, quy định phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; quy trình công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn[47]; đã tiến hành chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ. Triển khai việc xây dựng quy hoạch chức danh chủ chốt của Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp đúng kế hoạch. Tăng số lượng lớp, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ quy hoạch các cấp[48]. Công tác luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch[49]; tăng tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức danh chủ chốt, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Chính sách cán bộ được quan tâm, định hướng ban hành các chính sách thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được coi trọng, chuyển trọng tâm từ nắm tình hình, giải quyết vấn đề lịch sử chính trị sang nắm, giải quyết vấn đềchính trị hiện nay; chủ động làm tốt công tác thẩm định, thẩm tra, xác minh làm rõ phục vụ công tác cán bộ, công tác đảng viên. Trong nhiệm kỳ, tiến hành rà soát, kiểm tra, thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị cán bộ đối với 3.596 hồ sơ cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được thực hiện với tinh thần đúng nguyên tắc, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, hiệu quả.Chủ động xác định đối tượng,tập trung kiểm tra, giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực quan trọng dễ phát sinh tiêu cực và gắn với trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời thực hiện kiểm tra, giám sát khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; xử lý, kỷ luật đảng kiên quyết, nghiêm khắc, nhất là đối với cán bộ giữ cương vị chủ chốt[50]. Chủ động công khai thông tin các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trên các phương tiện truyền thông.

Quan tâm củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp; bước đầu thực hiện luân chuyển cán bộ giữa cơ quan ủy ban kiểm tra và cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp. Đã có sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể nhân dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấpđối với công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.Lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được sắp xếp, củng cố, kiện toàn. Giám sát, định hướng hoạt động của các cơ quan nội chính, tư pháp, hội luật gia, đoàn luật sư...; tập trung xử lý một số vụ việc, vụ án nổi cộm, phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ rừng; điều tra, xử lý nghiêm một số vụ việc tham nhũng, lãng phí. Xây dựng đề án ngăn chặn, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt”. Đổi mới phương thức tiếp công dân; kiên trì, kiên quyết trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bước đầu đã giải quyết dứt điểm một số vụ khiếu nạiphức tạp, kéo dài.

Từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác dân vận.Kịp thời cụ thể hóa các quy định về việc phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng, giám sát hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; ban hành các chủ trương, chính sách đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng nắm bắt và giải quyết những bức xúc, kiến nghị của Nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đối ngoại Nhân dân; vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Huy động được nguồn lực của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ quốc phòng - an ninh, nhất là trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp uỷ và tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới.Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp theo hướng bám sát cơ sở; giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; coi trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị.

Các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Trung ương được xây dựng sát với thực tế của địa phương, xác định rõ nhiệm vụ, chủ thể thực hiện; các nghị quyết, đề án chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, tạo ra bước đột phá để phát triển. Coi trọng việc giám sát, đánh giá kết quả triển khai; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết; kịp thời chỉ đạo, định hướng những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên trách của Tỉnh uỷ được sắp xếp, kiện toàn kịp thời theo quy định của Trung ương. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng đạt được một số kết quả tích cực; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đến các tổ chức cơ sở đảng.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng Đảng còn một số tồn tại, hạn chế:

Công tác tư tưởng chính trị đã có nhiều đổi mới nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết quả phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có lúc, có nơichưa tốt, kết quả “làm theo” chưa đạt như mong muốn. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự nghiêm túc trong việc nêu gương. Việc nhân rộng gương điển hình tiên tiến chưa được tiến hành thường xuyên.

Công tác quy hoạch, bố trí, phân công nhiệm vụ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức có lúc chưa thực sự chặt chẽ; còn tồn tại tình trạng quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn quy định. Chủ trương thí điểm thi tuyển các chức danh cán bộ quản lý cấp sở, phòng chưa được thực hiện trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện đông người, xuất hiện những điểm nóng; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp chuyển biến chậm. Công tác phát triển đảng viên ở một số địa bàn trọng yếu còn nhiều hạn chế. Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, phải xóa tên có xu hướng tăng.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng ở một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quyết liệt. Việc tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên theo Điều lệ Đảng ở một số tổ chức đảng chất lượng chưa cao, thiếu tính răn đe dẫn đến tích tụ vi phạm. Việc thi hành kỷ luật Đảng, xử lý vi phạm về mặt chính quyền ở một số nơi chưa nghiêm, thiếu đồng bộ, còn hiện tượng nể nang, né tránh.Công tác dân vận còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền. Nhận thức về công tác dân vận trong hệ thống chính trị ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu sắc, đôi khi còn xem nhẹ công tác dân vận; cán bộ ít đi cơ sở, ít tiếp xúc với Nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

4.2.Công tác xây dựng hệ thống chính trị

Nội dung, phương thức hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp được đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Hoạt động giám sát, khảo sát có sự chủ động, bám sát những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết hội đồng nhân dân của chính quyền các cấp. Vai trò của hội đồng nhân dân trong việc đại diện Nhân dân yêu cầu các cơ quan Nhà nước giải quyết những kiến nghị, đề xuất, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo được phát huy.

Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên; cơ bản triển khai có hiệu quả các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp. Tập trung đổi mới, sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quảhoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã và thôn, bon, buôn, tổ dân phố. Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền; từng bước khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cùng cấp ở 3/8 địa phương cấp huyện; 37/71 địa phương cấp xã; mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cùng cấp ở 1/8 địa phương cấp huyện; 09/71 địa phương cấp xã. Thực hiện việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại các tổ chức đảng, đơn vị hành chính, tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp cơ bản đạt yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.Công khai, minh bạch, siết chặt kỷ cương trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng cho cán bộ, công chức, viên chức. Ban hành một số chính sách thu hút nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Công tác cải cách hành chính được triển khai khá đồng bộ; chủ động thực hiện mô hình một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính. Quyết liệt trong chỉ đạo vận hành cơ chế một cửa liên thông ở cấp huyện, xã. Triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước;tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn đạt tỉ lệ cao (trên 95%); thực hiện công khai thủ tục hành chính và thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Hoạt động của hệ thống tư pháp có nhiều chuyển biến. Chỉ đạo xử lý có hiệu quả một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp; rút ngắn thời gian, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nâng cao chất lượng tranh tụng và sự tham gia của luật sư trong các hoạt động tư pháp. Triển khai có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội thiết thực, khẳng định được tính bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Bước đầu thực hiện hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm chỉ đạo, thường xuyên làm tốt công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, đoàn viên, hội viên. Tổ chức Công đoàn chú trọng các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong huy động sự tham gia của Nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; từng bước đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp. Các cấp hội phụ nữ đặc biệt quan tâm đến hoạt động nâng cao trình độ nhận thức, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hội Cựu chiến binh khẳng định vai trò nòng cốt trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính xung kích của tuổi trẻ; thực hiện tốt các phong trào cách mạng của thanh niên. Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật làm tốt hơn vai trò tập hợp, định hướng hoạt động của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; từng bước thể hiện vai trò tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Hiệp hội doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp phát huy tốt vai trò hỗ trợ, tập hợp đội ngũ doanh nhân nỗ lực vượt khó, ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng hệ thống chính trị còn một số tồn tại, hạn chế:

Năng lực và chất lượng hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân, hội đồng nhân dân một số địa phương còn hạn chế, nhất là trong việc thẩm định một số đề án, chủ trương lớn do UBND cùng cấp trình; trong việc đôn đốc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của cử tri.

Hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền trên một số lĩnh vực chưa cao. Tính chủ động và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc nắm bắt tình hình, tham mưu đề xuất, xử lý những vấn đề phát sinh chưa kịp thời, chưa đến kết quả cuối cùng.Công tác cải cách hành chính trên một số lĩnh vực còn hạn chế; nhiệm vụ triển khai chính quyền điện tử chưa đạt yêu cầu.Tính kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chưa cao.

Công tác cải cách tư pháp trong hoàn thiện tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác giám định tư pháp, hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án, nhất là án dân sự hiệu quả chưa cao; một số vụ việc còn kéo dài, sai sót làm giảm niềm tin của Nhân dân; quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp còn gặp khó khăn.

Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; chưa thực sự khắc phục tình trạng “hành chính hóa” trong hoạt động. Kết quả giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân còn có mặt hạn chế.

III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI

1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân

Năm năm qua, trong bối cảnh đất nướccó những thuận lợi và khó khăn đan xen; tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố không thuận lợi. Với quyết tâm chính trị cao,Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện được mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức bình quân chung của cả nước; ngành công nghiệp khai khoáng có sự tăng trưởng đột phá; kết cấu hạ tầng cơ bản được quan tâm đầu tư; quy mô và tiềm lực của nền kinh tế được nâng lên. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng. Huy động được nguồn lực xã hội, sự tham gia của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị. Tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Quyết liệt trong việc xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Những kết quả đạt được đã tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển mới, đặt ra yêu cầu cao hơn, thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh nhanh hơn, xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Nông hướng đến mục tiêu giàu đẹp, văn minh, nhân ái, nghĩa tình.

Có được những kết quả quan trọng nêu trên, là nhờ sự quan tâm và lãnh đạo sát sao của Trung ương; sự kế thừa, phát triển hiệu quả các quan điểm, định hướng phát triển từ các nhiệm kỳ trước; sự lãnh đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ, nỗ lực trong tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của các doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

2. Những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của cả đất nước, so với các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và yêu cầu của Nhân dân, quá trình phát triển của Đắk Nông trong năm năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, tái cơ cấu kinh tế chưa rõ nét; kết cấu hạ tầng chuyển biến chậm; khu vực kinh tế tư nhân địa phương có quy mô còn nhỏ, năng lực nội tại còn yếu. Kết quả phát triển một số mặt trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục - y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân. Thu nhập, đời sống kinh tế của người sản xuất nông nghiệp sụt giảm. Tình hình chính trị - xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là trong việc xử lý các mâu thuẫn liên quan đến đất đai; khó khăn trong giải quyết tình trạngdi dân tự do; bức xúc của công dân về thủ tục hành chính, thái độ thực thi công vụ, hiệu lực thực thi pháp luật. Cải cách hành chính, nhất là việc triển khai chính quyền điện tử chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội một số mặt chưa sâu. Kết quả một số mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn tồn tại.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, có yếu tố khách quan từ những xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật nhưng chậm được điều chỉnh, khắc phục; sự thay đổi cơ chế, chính sách đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế từ Trung ương; những yếu tố nội tại của nền kinh tế địa phương; tác động tiêu cực từ việc sụt giảm giá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, v.v... Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là việc khắc phục chưa hiệu quả 03 nguyên nhân chủ quan Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã chỉ ra, đó là: hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước; xây dựng, vận dụng cơ chế chính sách; xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, then chốt là sự hạn chế về năng lực tư duy, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

3. Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện 5 năm qua, Đại hội khẳng định ba bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vẫn còn nguyên giá trị, đồng thời nhấn mạnh một số kinh nghiệm sau:

(1) Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, bản lĩnh chính trị, vai trò nêu gương của đảng viên, nhất là người đứng đầu là yếu tố quan trọng quyết định tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với tôn trọng, tiếp thu những đề xuất có tính đột phá; thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện và kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn; kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên lơ là, hình thức, đối phó trong quá trình tổ chức thực hiện; lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đạo đức, tâm huyết; khuyến khích, ủng hộ, bảo vệ những nhân tố, cách làm có khả năng tạo sự bứt phá.

(2) Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện; tôn trọng  quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật. Nắm vững, thực hiện linh hoạt quan điểm “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh” trên cơ sở tuân thủ những quan điểm, chủ trương cơ bản của Đảng. Giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội phải hài hòa,kiên trì, kiên quyết, phân biệt rõ giữa người dân có quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng với các đối tượng lợi dụng, vi phạm pháp luật.

(3) Quá trình xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế phải luôn đổi mới tư duy, bắt kịp sự thay đổi chính sách của Trung ương, đón đầu xu thế phát triển của thị trường. Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, việc xác định được lĩnh vực, dự án mang tính đột phá khi thực hiện thành công sẽ có khả năng tạo động lực, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác để tập trung đầu tư là yếu tố then chốt. Đồng thời, cần phân định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường, đó là: vai trò tạo nền tảng về cơ chế và kết cấu hạ tầng thuận lợi; môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch để mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp và nhà đầu tư cống hiến hết mình cho sự phát triển của tỉnh.

***

Phần thứ hai

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN;

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢNNHIỆM KỲ 2020 - 2025

Dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến đa chiều, đan xen giữa cơ hội và thách thức. Trên thế giới, hòa bình và liên kết, phụ thuộc lẫn nhau vẫn là xu thế chủ đạo, cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường. Xu hướng liên kết kinh tế trong cộng đồng ASEAN và các quốc gia thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), sẽ tác động lớn đến phát triển của đất nước. Tình hình Biển Đông tiếp tục có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh quốc gia. Nước ta vẫn tiếp tục quá trình chuyển đổi, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định FTA, sẽ có nhiều chính sách, pháp luật được Trung ương tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ tạo ra cả thời cơ và thách thức.

Trong bối cảnh đó, với tình hìnhnền kinh tế địa phương có dấu hiệu phát triển chậm lại, những hạn chế nội tại chưa được khắc phục, để Đắk Nông tiếp tục phát triển toàn diệntrên các lĩnh vực, đòi hỏi trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải nhận định lại thế mạnh[51]và tìm kiếm dư địa tăng trưởng mới[52],có sự đột phá, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, với phương châm của Đại hội XII Đảng bộ tỉnh là: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương -Hành động - Phát triển”.

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

(1) Kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng; ban hành cơ chế, chính sách của địa phương trên cơ sở nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt sát với thực tiễn, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; hướng tới sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện.

(2) Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy các nguồn lực bên trong, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài cho quá trình phát triển của tỉnh. Phát triển kinh tế nhanh nhưng bảo đảm đồng bộ, bền vững trên tất cả các ngành, lĩnh vực; giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại.

(3) Kiên quyết, kiên trì thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Xác định công tác tư tưởng là nền tảng; công tác tổ chức cán bộ là động lực; công tác kiểm tra, giám sát là khuôn phép, xử lý kỷ luật Đảng nghiêm minh, không có vùng cấm.

(4) Khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng trong Nhân dân để trở thành động lực nội tại cho quá trình xây dựng, phát triển Đắk Nông; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là hoạt động giám sát, phản biện.

(5) Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong: phát triển kinh tế; quản lý xã hội, xây dựng chính quyền điện tử; phát triển y tế - giáo dục; nâng cao năng suất lao động.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát: (Là chủ đề của Đại hội)

“Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, phát triển nhanh và bền vững; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phấn đấu đưa tỉnh Đắk Nông phát triểncơ bảnđạt mức trung bình so với cả nước vào năm 2025”.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020-2025

- Về kinh tế - hạ tầng:

(1)Tăng trưởng kinh tế (GRDP): Bình quân từ 7,5-8% (cả nước 7%). Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 trên 70 triệu đồng.

(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: tăng bình quân trên 15%; tỉ trọng chiếm từ 35-40% so với GRDP.

(3) Thu ngân sách: giai đoạn đạt trên 18,4 ngàn tỉ đồng, tốc độtăng bình quân trên 11%;

(4) Kết cấu hạ tầng: Tỉ lệ nhựa hóa chung đường tỉnh 73%; Tỉ lệ đô thị hóa 35%; Tỉ lệ hộ được sử dụng điện 99%; Tỉ lệ bảo đảm nước tưới cho diện tích cần tưới 85%;

- Về văn hóa - xã hội và môi trường:

(5)Lao động và việc làm:Số lao động được tạo việc làm 90.000 lượt người, đào tạo nghề cho trên 20.000 người; 14,8% người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội;

(6)Giảm nghèo:bình quân hằng năm giảm tỉ lệ hộ nghèo 2%;

(7)Y tế:Đạt 21 giường bệnh/vạn dân; 8,9 bác sỹ/vạn dân; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế toàn dân;

(8)Giáo dục:Tăng thêm hơn 50 trường đạt chuẩn quốc gia;

(9)Văn hóa:Phấn đấu 60% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường thị trấn văn minh đô thị.

(10)Môi trường:Tỉ lệ che phủ rừng đến 2025 đạt 40%. Trồng mới rừng tập trung giai đoạn 5.000 ha. Giảm  50% số vụ và diện tích rừng bị phá/năm.

(11)Nông thôn mới:Lũy kế có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí.

- Về quốc phòng, an ninh:

(12)Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, chống phá của các thế lực thù định. Kiềm chế và làm giảm tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai.

- Về xây dựng đảng và hệ thống chính trị:

(13) Phấn đấu trong nhiệm kỳ có trên 80% tổ chức cơ sở đảng, 70% chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn có kết nạp đảng viên. Hằng năm có trên 75% số tổ chức đảng và có trên 90% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

II. PHẤN ĐẤU MỨC TĂNG TRƯỞNG CAO TRÊN NỀN TẢNG ĐẨY MẠNH HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ MỌI NGUỒN LỰC. CHÚ TRỌNG HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC MẠNH TỪ BÊN NGOÀI. PHÁT TRIỂN NHANH KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN,BỀN VỮNG

Phấn đấu tăng trưởng cao hơn bình quân của cả nước trên nền tảng huy động, sử dụng hiệu quả tất cả mọi nguồn lực trên tinh thần “nội lực làm nền tảng” và “ngoại lực để đột phá”. Xây dựng “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045” trình Trung ương phê duyệt, làm định hướng phát triển trong dài hạn. Nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, đô thị và quản lý chặt chẽ, theo hướng phát huy lợi thế về diện mạo, địa hình, thổ nhưỡng để xây dựng tỉnh Đắk Nông có kiến trúc đặc trưng riêng.

Huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia đầu tư, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt tỉ trọng từ 35% đến 40%/GRDP, phù hợp với nhu cầu vốn của tỉnh. Lựa chọn dự án đầu tư công dựa trên hiệu quả kinh tế xã hội và thụ hưởng của số đông người dân. Tăng cường nguồn vốn cho đầu tư công từ ngân sách địa phương. Ưu tiên huy động nguồn vốn ODA cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nội lực trên các mặt chủ yếu, nâng cao giá trị chế biến Alumin và các khoáng sản theo hướng mở rộng chế biến sâu, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, hạn chế và tiến tới không xuất thô; quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, nhất là đối với quỹ đất đô thị đang quy hoạch, quỹ đất để thu hút đầu tư dự án; xây dựng cơ chế để tỉnh tự giải phóng mặt bằng, tạo danh mục kêu gọi dự án đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược.

Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông để làm động lực, đi trước, tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chútrọng hạ tầng thủy lợi để phục vụ nông nghiệp và dần ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; tập trung thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, du lịch và dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp. Kiến nghị Trung ương cho cơ chế hoặc nguồn vốn để đầu tư dự án Đường cao tốc Tây Nguyên - TP HCM (đoạn từ TP Gia Nghĩa - TP HCM); đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước). Đầu tư mở rộng, nâng cấp, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ và một số tuyến giao thông quan trọng.Khai thác quỹ đất hợp lý và hiệu quả, nhất là quỹ đất có giá trị thương mại dịch vụ cao để tạo vốn, tiếp tục tái đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng.

III. CẢI THIỆN MẠNH MẼ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI VÀ BÌNH ĐẲNG ĐỂ DOANH NGHIỆP, NHÀ ĐẦU TƯ SẢN XUẤT, KINH DOANH. PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ, NHẤT LÀ KINH TẾ TƯ NHÂN

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công. Phấn đấu các chỉ số PCI, PAPI, PAR - Index của tỉnh tăng bình quân từ 2-3 bậcmỗi năm, nằm trong nhóm các tỉnh trung bình.

Bảo đảmbình đẳng, công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế, dự án đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ, tài nguyên thiên nhiên, phân bổ nguồn lực,... Phát huy cơ chế để doanh nghiệp trực tiếp, thường xuyên gặp gỡ, phản ánh với lãnh đạo tỉnh. Công khai, minh bạch, giải thích rõ ràng, thuyết phục đối với các quyết định, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, thủ tục,... nhất là liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục cắt giảm tối đa thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch,...

Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, từ chiều rộng sang trọng điểm, trọng tâm; chủ động tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư phù hợp với phát triển các dự án mục tiêu. Nghiên cứu cơ chế, bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư để giải phóng mặt bằng, tạo các điều kiện thuận lợi trước đối với các dự án mục tiêu để kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh.

Tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Tập trung kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, sau nhôm; phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến sâu các nông sản thế mạnh của tỉnh; đầu tư vào khu vực nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; phát triển thương mại, dịch vụ, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa thế mạnh; phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên của địa phương.

Khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn, phát triển mạnh kinh tế tập thể,các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới. Định hướng, khuyến khích kết nối giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, hộ nông dân và nhà máy chế biến; xác định rõ vai trò trong mối liên kết, hợp tác xã tập trung sản xuất đạt chuẩn, doanh nghiệp tập trung vào thị trường đầu ra. Tập trung ưu tiên phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp hiện đại, coi đây là giảipháp để giải bài toán “được mùa mất giá”, tránh biến động lớn về giá cả, ổn định thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh nhằm sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh.Tổ chức lại bộ máy các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm bớt trung gian, sáp nhập các đơn vị có chức năng liên thông. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị; bảo đảm quyền bình đẳng cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài nhà nước theo cơ chế thị trường.

Chủ động kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu, cụm công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các dự án có vốn lớn, động lực lan tỏa, kéo theo phát triển nhiều ngành, lĩnh vực.

IV. ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU TOÀN DIỆN CÁC NGÀNH KINH TẾ; PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG CHẾ BIẾN SÂU; NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG TĂNG THU NHẬP CHO ĐẠI ĐA SỐ NÔNG DÂN; DUY TRÌ TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG, THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ; TẬP TRUNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TIỀM NĂNG DU LỊCH

Nâng cao chất lượng tăng trưởng; kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; khai thác có hiệu quả các lợi thế về đất, rừng, khoáng sản, nhất là khoáng sảnbôxit, du lịch sinh thái và tăng cường thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng và luyện nhôm, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim màu của quốc gia.Phát triển công nghiệp chế biến hỗ trợ cho ngành nông, lâm nghiệp.

Quyết liệt thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, chất lượng, tạo mũi đột phá về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển mạnh các loại hình thương mại và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Khai thác và phục vụ tốt thị trường trong tỉnh, kết hợp với đẩy mạnh giao lưu hàng hóa với các tỉnh để mở rộng thị trường, đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các khu đô thị mới.

Tập trung đầu tư,tạo sự bứt phá trongphát triển du lịch, biến tiềm năng, dư địa du lịch của tỉnh trở thành hiện thực.Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch, gắn với xây dựng và phát triển Công viên địa chất Đắk Nông;xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịchgắn với các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa.

V. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO; CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển, nhất là đào tạo công chức, viên chức, công nhân, lao động kỹ thuật. Đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục, đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục; tập trung mua sắm trang thiết bị dạy và học. Xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở các cấp học theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Xây dựng xã hội học tập, bổ sung các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở các trường ngoài công lập ở tất cả các cấp học,các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đầu tư hoạt động giáo dục và đào tạo, mở các chương trình giáo dục quốc tế.

Đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước về y tế.Áp dụng cơ chế tự chủ cho các bệnh viện có đủ điều kiện. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nhất là đối tượng bảo hiểm y tế. Phát triển hệ thống y tế ngoài công lập, phối hợp đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Phát triển mô hình bác sỹ gia đình. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, mở rộng quy mô giường bệnh; hợp tác với bệnh viện tuyến trên;mở rộng và phát triển dịch vụ kỹ thuật cao, chú trọng công tác chăm sóc toàn diện người bệnh; phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe. Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra; củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng và từng bước củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt chú trọng cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản. Đẩy nhanh tiến độ áp dụng giám định bảo hiểm y tế điện tử.

VI. TIẾP TỤC ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG DỤNG CHUYỂN GIAO VÀ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Quan tâm đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước.Phát triển nguồn nhân lực dựa trên cơ sở đào tạo lại, đào tạo mới, trẻ hóa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, chú ý đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ công nhân lành nghề, kỹ sư công nghệ cao cấp, các nhà khoa học trẻ thuộc các ngành, các lĩnh vực chủ yếu địa phương đang cần.Tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực theo hướng tiếp cận với xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, công nghiệp phụ trợ.Tiến hành rà soát các đề tài khoa học đã được nghiên cứu, nghiệm thu để áp dụng vào thực tế, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; đối với những đề tài đã được áp dụng vào thực tiễn đạt nhiều kết quả tốt thì tiến hành tổ chức đánh giá để nhân rộng.

Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

VII. PHÁT HUY GIÁ TRỊ VÀ SỨC MẠNH VĂN HÓA, CON NGƯỜI

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, chú trọng đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số và tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bền vững mang bản sắc đặc trưng của Đắk Nông. Xây dựng con người Đắk Nông phát triển toàn diện về mọi mặt, phát huy đặc trưng, tính cách trong đặc điểm chung của con người Việt Nam với phong cách văn minh, lịch sự, hiếu khách, thân thiện, nhân ái, nghĩa tình.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các sự kiện, lễ hội lớn. Tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng, di sản văn hóa phi vật thể, di sản địa chất.Tập trung đầu tư, bố trí nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình văn hóa, lịch sử; trùng tu, tôn tạo các công trình, di tích, văn hóa đã được công nhận; đồng thời, xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao cấp tỉnh tương xứng nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, có chính sách khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng dịch vụ, bảo đảm lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng của Trung ương. Quan tâm phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ văn, nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập. Từng bước phát triển thị trường văn hóa; tăng cường hoạt động ngoại giao văn hóa. Đưa cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đi vào thực chất.

VIII. QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI BỀN VỮNG, BẢO ĐẢM TIẾN BỘ, CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Thực hiện tốt quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp, pháp luật; gắn quyền lợi với trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân; đề cao đạo đức xã hội, đạo đức công dân và thượng tôn pháp luật. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, ban hành các chính sách để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới những người dễ bị tổn thương, rủi ro trong cuộc sống được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao. Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức thiết ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm sự ổn định chính trị, phát triển bền vững.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách cho người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn việc làm, liên thông với thị trường của vùng, các tỉnh lân cận và cả nước.Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, tín dụng để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Quan tâm xây dựng các chính sách đặc thù riêng của địa phương đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để tạo cơ hội cho mọi người dân được thụ hưởng các phúc lợi xã hội, phát triển bình đẳng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, trình độ phát triển giữa các dân tộc;bảo đảm an sinh để không xảy ra điểm nóng, xung đột xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục triển khai thực hiện tốt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thanh niên, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, quyền trẻ em, công tác gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội; các chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện các hoạt động trái pháp luật.

IX. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI, TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý và khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.

Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.Thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, giảm thiểu khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất. Thực hiện nghiêm các quy định về thu hồi đất đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác hoàn thổ sau khai thác bô xít.Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để:thực hiện thuê đất và hoàn trả sau khi hoàn thành việc khai thác; quản lý, sử dụng diện tích đất đã được hoàn thổ.

Bảo vệ tuyệt đối diện tích rừng hiện có, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo hướng vừa khai thác hợp lý tài nguyên, phát huy được giá trị kinh tế của rừng, vừa đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo tồn đa dạng sinh học.Đẩy mạnh việc trồng rừng bán ngập ven bờ các hồ thủy điện, thủy lợi nhằm tăng diện tích rừng, tạo cảnh quan, sinh thái cho đô thị và du lịch. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất tại các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa; xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái phát luật tại các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước và các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiêm cấm việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác; trường hợp đặc biệt phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Khẩn trương thể chế hóa, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động Chiến lược quốc gia về: tăng trưởng xanh; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường. Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải. Triển khai thực hiện các công trình chống sạt lở bờ sông Krông Nô. Rà soát, hỗ trợ di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, sạt lở đất và các nguy cơ thiên tai khác. Tiếp tục đầu tư, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; phát triển thủy lợi, nâng cao khả năng tưới, tiêu cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, úng ngập nặng, nhất là ở khu vực Đắk Glong, Krông Nô và Cư Jút.

X. TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI

Quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ Quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”. Phát huy nội lực và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.Lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực phòng thủ. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng thế trận phòng thủ của tỉnh theo thế trận phòng thủ chung của quân khu. Kết hợp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh nhất là trên tuyến biên giới. Điều chỉnh các chỉ tiêu Đề án “Bảo đảm quốc phòng” phù hợp với khả năng của địa phương và bảo đảm tính khả thi.Tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh “cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng an ninh cho 100% các đối tượng theo quy định; tỉ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ trên 22%; dự bị động viên 11%; 100% cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở (65% đạt trình độ đại học hoặc cao đẳng). Tổ chức kiện toàn lực lượng bộ đội địa phương theo quy hoạch của Bộ Quốc phòng, với phương châm “gọn, mạnh, hợp lý” và kế hoạch sẵn sàng phát triển lực lượng khi có tình huống xảy ra.

Chủ động đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng, chống gây rối, biểu tình, bạo loạn và khủng bố; xử lý tốt vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh tư tưởng; chú trọng công tác bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ; không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn tỉnh.Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại diễn ra tại tỉnh. Tiếp tục điều động, tăng cường công an xã chính quy, bảo đảm về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở. Bố trí, hỗ trợ kinh phí để xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho lực lượng công an xã chính quy. Đẩy mạnh xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống, kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội; 100% tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, thụ lý. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phấn đấu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

Thực hiện tốt công tác đối ngoại đảng, ngoại giao chính quyền, đối ngoại nhân dân giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia. Mở rộng quan hệ đối ngoại quốc tế với các nước để thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc liên kết vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước. Chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trên các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng.

XI. XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG

1. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng

Tập trung xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vững chắc về tính khoa học, đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; chấp hành nghiêm những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng.

Nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, chính sách và lãnh đạo tổ chức thực hiện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy đảng các cấp; xây dựng, ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động theo hướng: cụ thể, ngắn gọn, khả thi; xác định được trọng tâm, trọng điểm, đột phá để phát triển; phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ; thường xuyên khảo sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Xác định đúng vai trò, vị trí của công tác chính trị tư tưởng; nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị tư tưởng hiện nay là: đẩy lùi và ngăn chặn triệt để tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; tạo sự đoàn kết, đồng thuận thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng bộ. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Mở rộng phạm vi, đổi mới phương thức nghiên cứu, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội. Triển khai có hiệu quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

2. Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, cục bộ

Đặc biệt coi trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức. Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt coi trọng vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Kiên quyết, kiên trì triển khai Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh, trong đó tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; cán bộ, công chức giữ các vị trí việc làm thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp và các vị trí có khả năng tham nhũng, trục lợi cá nhân.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng coi trọng việc giảng dạy và vận dụng kiến thức lý luận gắn với hoạt động thực tiễn. Đổi mới phương thức học tập, nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp theo hướng: nâng cao tính tự giác; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong việc quán triệt, đánh giá, kiểm tra nhận thức.

3. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị

Hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần các nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XIIbảo đảmtinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quảgắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và sáp nhập một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện.

Thực hiện nghiêm việc chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, có triển vọng giữ những chức vụ chủ chốt của ngành, địa phương. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân cùng cấp; mở rộng việc thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; tiếp tục thực hiện thí điểm một số mô hình kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp huyện, xã.

Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ công tác cán bộ; thực hiện công tác thi tuyển, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp đúng quy trình, quy định, đúng tiêu chuẩn, phù hợp với năng lực, sở trường. Phấn đấu trong nhiệm kỳ đạt ít nhất 30% số cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ cấp ủy các cấp quản lý, kể cả người đứng đầu, được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị có bản lĩnh chính trị, nhiệt huyết, nói đi đôi với làm.

Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đặc biệt chú ý đến tình hình chính trị hiện nay. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

4. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiên phong, gương mu

Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên tại chỗ, có giải pháp hiệu quả để thành lập tổ chức đảng tại các địa bàn, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đảng viên.

Tăng cường chấn chỉnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là tự phê bình và phê bình. Xây dựng đội ngũ đảng viên, trước hết là đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đứctrong sáng, năng lực tốt, gắn bó với Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là các nhân tố tích cực trong công nhân, trí thức, đoàn viên, thanh niên, người lao động có thành tích, có uy tín trong nhân dân; bảo đảm chất lượng đảng viên mới; thường xuyên rà soát, sàng lọc để nâng cao chất lượng đảng viên.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm, nhất là trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức thực thi công vụ, như: công tác quy hoạch, quản lý đất đai, bảo vệ rừng, đất rừng và công tác cán bộ,... Quan tâm kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy trong việc chấp hành quy chế làm việc, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng; tập trung kiểm tra, giám sát việc khắc phục các khuyết điểm sau kiểm tra, giám sát.Chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, bảo đảm tính răn đe, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết xem xét, xử lý triệt để, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và công khai kết quả xử lý.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp giữa các cơ quan điều tra, thanh tra với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

6. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị trong tình hình mới

Phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng đảng bộ, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Đổi mới cách thức tuyên truyền, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, với cách làm sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, mà trước hết là với cấp ủy, chính quyền cơ sở, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, trọng tâm là:  xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; sớm khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được diễn biễn tình hình.

Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chống các biểu hiện kích động Nhân dân trước những hiện tượng tiêu cực, bức xúc có thể xảy ra. Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu Nhân dân,... Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ chính trị được giao. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy chế, quy định nhằm tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

7. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và hoạt động của các cơ quan trong khối nội chính, tư pháp

Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo hướng thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định phòng ngừa là chủ yếu.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan. Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí; không phân biệt đối tượng; không bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ trong xử lý hành vi tham nhũng. Thực hiện hiệu quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đã ban hành theo hướng cụ thể hóa, sát với đặc thù tình hình của địa phương.

Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan trong khối nội chính, gắn với thực hiện công tác cải cách tư pháp. Bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời trong công tác đấu tranh, phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường giám sát, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tránh để hình thành và lan rộng các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích, khen thưởng, bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

8. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới

Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp theo hướng phân định rõ, cụ thể hóa nội dung lãnh đạo của tổ chức đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là đối với chính quyền. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện đối với mọi hoạt động của hệ thống chính trị; đồng thời phát huy vai trò điều hành, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nhằm thực hiện nghiêm các vấn đề có tính nguyên tắc trong phương thức lãnh đạo của Đảng; xác định rõ quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Đổi mới phương thức xây dựng, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy các cấp theo hướng xác định đúng vấn đề trọng tâm, khả thi, đủ nguồn lực triển khai, rõ chủ thể thực hiện; bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong nghị quyết, chương trình hành động toàn khóa; đi đôi với thường xuyên kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện. Nâng cao khả năng tổng hợp, dự báo, tính chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu của ban cán sự đảng, đảng đoàn và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống báo cáo phù hợp với xu hướng tinh gọn tổ chức bộ máy. Xây dựng cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy; hệ thống điều hành, chỉ đạo trên nền Internet; mở rộng, đồng bộ hệ thống hội nghị trực tuyến đến cấp xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành của thường trực cấp ủy và của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp.

XII. XÂY DỰNG BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ

1. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp theo hướng liêm chính, hành động, kiến tạo phục vụ nhân dân

Đổi mới hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng của đại biểu hội đồng nhân dân. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hội đồng nhân dân với các cơ quan tham mưu của cấp ủy đảng cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính; thẩm định, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền trả lời, xử lý dứt điểm những vấn đề cử tri quan tâm.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành của ủy ban nhân dân các cấp, nhất là năng lực đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách; năng lực cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, thực chất chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thầnnghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Thí điểm việc sáp nhập một số cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng và thực thi đồng bộ, hiệu quả mô hình chính quyền điện tử ngay từ đầu nhiệm kỳ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân. Cụ thể hóa các nội dung phân cấp, phân quyền cho chính quyền cơ sở gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao, phát huy dân chủ trong mọi hoạt động.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp; xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Hỗ trợ, bảo đảm hoạt động của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và các hoạt động bổ trợ tư pháp thực sự góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn bó thường xuyên, mật thiết với Nhân dân; thực sự đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân, hội viên, đoàn viên.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính có phẩm chất, năng lực, uy tín và tính chuyên nghiệp cao. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, nhất là công tác bổ nhiệm, quản lý, đánh giá cán bộ theo hướng đúng quy định, đủ tiêu chuẩn, coi trọng tính sáng tạo, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương; phân quyền hợp lý để phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch cán bộ để làm tốt công tác tạo nguồn. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm, quy hoạch chức danh. Phấn đấu trong nhiệm kỳ, 100% cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý. Tăng cường công tác điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó phòng các cơ quan tham mưu cấp tỉnh trong quy hoạch về giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện; luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo chuyên sâu những lĩnh vực cần cho sự phát triển của tỉnh,bảo đảm tính khả thi và bố trí nguồn lực thực hiện; ưu tiên thu hút nguồn nhân lực đang sinh sống ở Đắk Nông, nhất là con em người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Xây dựng chính sách đất đai, nhà ở hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện quản lý cán bộ, công chức theo hướng quản lý nguồn nhân lực công vụ. Có cơ chế khuyến khích, tôn vinh, bảo vệ những cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị có khát vọng, hoài bão và năng lực vượt trội, luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, có sản phẩm cụ thể. Chú trọng khen thưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn khen thưởng với biểu dương, tuyên truyền nhân rộng các nhân tố mới, các mô hình mới. Kiên quyết cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm những cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, giảm sút về phẩm chất đạo đức.

XIII. PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, BẢO ĐẢM QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN

1. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, phát huy niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành của chính quyền; tăng cường đồng thuận xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khơi dậy, phát huy nguồn lực của Nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển Đắk Nông.

Chú trọng bồi dưỡnglòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp, nhận thức pháp luật, trình độ học vấn, tay nghề và chăm lo cải thiện đời sống công nhân, người lao động; bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động; đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp bối cảnh, điều kiện mới.Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học và công nghệ, tiên phong thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân.

Tập hợp, thu hút đông đảo thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia các tổ chức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trau dồi lý tưởng cách mạng, giáo dục nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên; khơi dậy, phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội.

Tạo điều kiện, đồng thời động viên cựu chiến binh tích cực tham gia góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ.Tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau".

Tập hợp, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức - văn nghệ sỹ; đội ngũ doanh nhân thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, phát huy tính sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, kinh doanh đáp ứng yêu cầu sự phát triển toàn diện của tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, trên cơ sở phát huy tinh thần tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, tự chịu trách nhiệm.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, bảo đảm các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển; tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Xử lý nghiêm những âm mưu, hoạt động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật.

2. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Thực hiện có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia.

Tăng cường công tác dân vận chính quyền; thực hiện nghiêm túc việc tham vấn ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nhất là các  dự án có liên quan đến lợi ích, cuộc sống của Nhân dân. Đề cao vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và giám sát hoạt động của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụngdân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.

XIV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ KHÂU ĐỘT PHÁ

1. Những nhiệm vụ trọng tâm

(1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng của đảng viên và tổ chức đảng các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, có đạo đức, trách nhiệm, đủ năng lực, uy tín, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

(2) Tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu Alumin - Nhôm và sản phẩm nông - lâm nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển tiềm năng du lịch; xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế; phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp chế biến sâu trở thành lĩnh vực kinh tế động lực của địa phương. Phát triển thương mại, dịch vụ. Huy động, sử dụng các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đổi mới thu hút đầu tư; phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, phong trào khởi nghiệp. Xây dựng một số doanh nghiệp lớn.

(3) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; quản lý đất đai gắn với quản lý dân cư. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu.

(4) Tăng đầu tư cho phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; chăm lo nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực cho sự phát triển.

(5) Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảmquốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ cương, kỷ luật; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết xử lý dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh, kéo dài liên quan đến quản lý đất đai.

2. Các đột phá chiến lược

Ba đột phá chiến lược do Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung 04 khâu đột phá như sau:

- Một là, phát triển công nghiệp Alumin, luyện Nhôm và phát triển năng lượng tái tạo. Tiếp tục thực hiện định hướng xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm luyện kim màu lớn của cả nước. Kiến nghị Trung ương mở rộng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ; nghiên cứu, đầu tư khai thác bô xít, luyện Alumina, điện phân nhôm tại Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; đưa nhà máy luyện nhôm Trần Hồng Quân, khu công nghiệp Nhân Cơ 1, 2 vào hoạt động. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời.

- Hai là, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; củng cố thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh liên kết chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

- Ba là,phát triển hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Ưu tiênđầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh và hạ tầng trung tâm đô thị. Kiến nghị, vận động Trung ương đầu tư, xây dựng mới đường cao tốc Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông (kết nối Đắk Nông - Tp Hồ Chí Minh), đường sắt phục vụ việc khai thác bô xít – nhôm; mở rộng quốc lộ 28.

- Bốn là,phát triển nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểmcủa địa phương. Xây dựng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp, có bản lĩnh, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; từng bước thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ cấp ủy các cấp quản lý thông qua thi tuyển. 

*

*       *

Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm khắc phục khó khăn, hạn chế, tranh thủ thời cơ, phát huy tốt lợi thế, vượt qua thách thức, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

*****

BẢNG PHỤ CHÚ

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội

Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025

-----


[1]Định hướng phát triển vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu; đóng cửa rừng hoàn toàn, cấm chuyển đổi diện tích rừng qua mục đích sử dụng khác; ưu tiên đầu tư chống hạn, đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm kết hợp với các công trình thủy lợi quy mô phù hợp; không đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư; điều chỉnh toàn bộ hệ thống quy hoạch; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; chuyển đổi nền kinh tế thích ứng với Cách mạng công nghệ 4.0...và điều chỉnh nhiều trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.

[2]Kế hoạch trung hạn của Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017 giảm so với thông báo dự kiến năm 2015 để xây dựng Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh là 21%, riêng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ giảm 42% so với số thông báo dự kiến; đến năm 2018, Trung ương mới giao mở mới các dự án ngân sách Trung ương; điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối, thu xếp nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.

[3] Cụ thể: Nhà máy Alumin Nhân Cơ chậm tiến độ 01 năm (dự kiến năm 2016, tuy nhiên năm 2017 mới đi vào sản xuất), dự án luyện Nhôm Trần Hồng Quân dự kiến đi vào sản xuất năm 2019, tuy nhiên đến nay vẫn chậm tiến độ và một số dự án đầu tư công khác... (Yếu điểm của tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ là phát triển nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu phụ thuộc rất nhiều vào các dự án đầu tư lớn,...nên khi gặp trục trặc, sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đề ra).

[4] Trường hợp nhà máy luyện nhôm đạt tiến độ như dự kiến thì tăng trưởng GRDP giai đoạn ước đạt 9,12%/NQ 9%, vượt NQ đề ra; kéo theo các chỉ tiêu kinh tế liên quan đều đạt nghị quyết.

[5] Giá so sánh 2010, đánh giá theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố tại tại Công văn số 1448/TCTK-TKQG ngày 14/11/2019 về công bố số liệu tăng trưởng giai đoạn 2010-2018.

[6] GRDP bình quân đầu người của tỉnh xếp thứ 39/63 tỉnh thành, đạt mức thu nhập trung bình thấp của cả nước.

[7] Cụ thể: Tạm dừng phê duyệt chủ trương lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực từ năm 2016; rà soát 125 quy hoạch ngành lĩnh vực để chấn chỉnh lại công tác quy hoạch; tạm dừng phê duyệt đối với 12 quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh huỷ bỏ toàn bộ đối với 32 quy hoạch, huỷ bỏ một phần đối với 16 quy hoạch, chuyển tiếp thực hiện 35 quy hoạch ngành lĩnh vực theo Điều 59, Luật Quy hoạch. Trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn mới.

[8] Tại Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh: Theo đó, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp hiện nay là 293,5 ngàn ha, giảm gần 26 ngàn ha so quy hoạch của năm 2013.

[9] Ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 13/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2016-2020. tỉ lệ thu gom chất thải rắn tại các khu đông dân cư đạt trên 80%, trên 90% trang trại chăn nuôi đạt chỉ tiêu trang trại hợp vệ sinh, vận chuyển xử lý 100% chất thải nguy hại và y tế.

[10] Cụ thể các nguồn vốn: Trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 10,2%; vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 2,9%; vốn tín dụng đầu tư nhà nước chiếm 1,2%; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chiếm 3,5%; vốn của dân cư và các doanh nghiệp tư nhân chiếm 54,1%; vốn nước ngoài chiếm 2,3% và vốn huy động khác 25,9%.

[11]Trên địa bàn tỉnh gồm có Ngân hàng Nhà nước tỉnh,4 chi nhánh Ngân hàng Thương mại Nhà nước, 6 chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 03 Quỹ tín dụng nhân dân.

[12] Tổ chức đấu thầu các dự án xây dựng khu đô thị trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa; thường xuyên tổ chức đấu giá các khu đất có giá trị thương mại cao.

[13]Gồm: 56 km quốc lộ, 99 km đường huyện, 338 đường xã, thôn, bon; 38 km đường đô thị. Đầu tư nâng cấp đạt chuẩn loại IV đối với 07 bến xe cấp huyện, xây dựng bến xe liên tỉnh Gia Nghĩa đạt loại III.Tính theo thời điểm xây dựng NQ, tỉ lệ nhựa hóa đường huyện là 100%; Tuy vậy, theo quyết định phân loại mới, thì đường huyện tăng lên 152 km (tổng cộng là 650km) dẫn đến tỉ lệ thực tế là 76%.

[14] Đầu tư xây dựng 501 trạm biến áp, 139 km đường dây trung áp, 306 km đường dây hạ áp. Thu hút đầu tư và đưa vào vận hành 01 nhà máy thủy điện, 02 nhà máy điện năng lượng mặt trời.

[15] Đến nay, hệ thống điện tỉnh Đắk Nông có: tổng chiều dài đường dây 4685km và 2062 trạm biến áp truyền tải và phân phối. 14 nhà máy thủy điện với công suất 349,11 MW, 02 nhà máy điện mặt trời với công suất 106,4 MWp đang vận hành cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

[16] Tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp hiện có là 598 ngàn ha, chiếm 91,7%; số lao động trong ngành chiếm trên 79,48% tổng số lao động.

[17] Đề án Quy hoạch vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

[18] Cơ cấu trong ngành: Trồng trọt chiếm 87,41%; chăn nuôi chiếm 8,75%; dịch vụ nông nghiệp 2,32%; Thuỷ sản 1,14%; Lâm Nghiệp 0,34%.

[19]Cụ thể: Cây Hồ tiêu: Tổng diện tích 34.382 ha, trong đó 19 ha ứng dụng công nghệ cao, khoảng 5.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sinh học. Cây cà phê:Tổng diện tích 131.185 ha, trong đó có khoảng 118 ha ứng dụng công nghệ cao, khoảng 29.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận UTZ, 4C..., 400 ha áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, 1.933 ha ghép cải tạo, 14.130 ha tái canh. Cây ăn quả: Tổng diện tích 9.235 ha, trong đó có khoảng 90 ha ứng dụng công nghệ cao, khoảng 2.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.Cây hằng năm: Tổng diện tích 110.764 ha, trong đó có khoảng 42ha ứng dụng công nghệ cao, khoảng 5.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Chuyển đổi cơ câu cây trồng từ các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác khoảng 3.500 ha.

[20]Lĩnh vực chăn nuôi:Tổng đàn bò 31.750 con, trong đó cải tiến bê lại F1 được 17.085 con và bê lai F2 là 1.548 con. Tổng đàn heo 212.300 con, trong đó có 196 trang trại nuôi heo liên kết với các doanh nghiệp, 80 hộ dân liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, 02 cơ sở chăn nuôi heo giống của HTX Đồng Tiến và trang trại của Công ty Green Farm. Thủy sản: Diện tích nuôi thủy sản 1.770 ha thấp hơn so với kế hoạch, sản lượng 4.985 tấn.

[21](1) Vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ caothành phố Gia Nghĩa, (2) Vùng hồ tiêu ứng dụng công nghệ caoxã Đắk R’Moan, thành phố Gia nghĩa (3) Vùng sản xuất giống thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, (4) Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Đức Minh, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, (5) Vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa ứng dụng công nghệ cao xã Quản Phú, huyện Krông Nô.

[22] HTX Công BằngThuận An 118ha, Trang trại Gia Ân 10ha, trang trại Gia Trung 60ha, Công ty TNHH 02 thành viên trang trại xanh Thu Thủy 21 ha (rau 02ha và tiêu 19ha), doanh nghiệp tư nhân Trung Thành Phát 04ha (cá), Trang trại thiên nhiên Oganic 43ha (03 ha cây ăn quả và 40 rau, củ các loại), trang trại Golden Tulip15ha cây ăn quả các loại….

[23] Sản phẩm điện thương phẩm tăng gần 2 lần; sản phẩm đá xẻ tăng 3,41 lần; sản phẩm thùng, bể chứa và các vật liệu bằng nhôm tăng 4 lần; ván ép từ gỗ tăng 3,24 lần; sản phẩm cao su tăng 1,5 lần; sản phẩm gường tủ, bàn ghế tăng gần 4 lần,  nước sinh hoạt tăng 4 lần. Hơn 10.000 công nhân làm việc trong ngành công nghiệp.

[24] Thu hút đầu tư thêm dự án chế biến hồ tiêu của Công ty CP DV-TM XNK Trân Châu, công suất 950 tấn/năm; Công ty CP SAM nông nghiệp công nghệ cao, công suất 4.000 tấn/năm. Nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê bột được hình thành, nâng cao tỉ lệ chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh, sản lượng cà phê bột giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6.915,0 tấn, vượt 4% kế hoạch đề ra và tăng 75% so với giai đoạn 2011-2015.

[25]Nhà máy sản xuất ván dán công nghệ cao của Công ty cổ phần ván công nghệ cao BiSon, công suất 60.000m3/năm. Sản phẩm bàn, giường tủ bằng gỗ đạt 784 ngàn sản phẩm, tăng 231%.

[26]Nổi bật là nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm cửa nhựa lõi thép được hình thành đáp ứng nhu cầu thị trường, dần thay thế vật liệu truyền thống.

[27] Công nghiệp sản xuất điện năng (gồm 14 nhà máy thủy điện với công suất 349,11 MW và 02 nhà máy điện mặt trời với công suất 106,4 MWp.

[28] Sản lượng cà phê nhân xuất khẩu hàng năm của tỉnh khoảng hơn 116.000 tấn; cao su mủ cốm hằng năm được chế biến khoảng 12.000 tấn; sản lượng tiêu xuất khẩu hằng năm khoảng 3.267 tấn; điều nhân hằng năm chế biến được khoảng 3.200 tấn và xuất khẩu được khoảng hơn 1.000 tấn; sản lượng ván MDF, ván dán hằng năm sản xuất khoảng hơn 70.000 m3/năm, ngoài ra còn có khoảng 30 cơ sở đăng ký chế biến lâm sản và sản xuất mộc dân dụng với quy mô hộ gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư, sản xuất giường tủ, bàn, ghế...phục vụ nhu cầu tại địa phương.

[29] Ngành khai thác và chế biến khoáng sản tạo việc làm trực tiếp cho trên 2.000 lao động và nhiều lao động gián tiếp, đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng: Năm 2016 đóng góp trên 130 tỉ đồng, năm 2017 đóng góp trên 194 tỉ đồng, năm 2018 đóng góp trên 300 tỉ đồng.

[30] Doanh thu năm 2017 của dự án là 3.985 tỉ đồng và năm 2018 là 6.379 tỉ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.100 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương.

[31] Dự án nhà máy điện phân nhôm được khởi công xây dựng từ tháng 02/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ và do Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong thời gian tới với công suất giai đoạn 1 là 150.000 tấn nhôm/năm.

[32]Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 46 chợ (tăng 05 chợ so với năm 2015) đang hoạt động được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn, còn lại 29 xã, phường chưa có chợ; 01 Trung tâm thương mại; 02 Siêu thị hạng III (tăng 01 siêu thị so với năm 2015); đầu tư xây mới trên nền chợ cũ 01 chợ hạng 1 (chợ Gia Nghĩa) và hệ thống trên 14.000 nhà phân phối, đại lý, cơ sở kinh doanh thương mại.

[33]Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, trong đó có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định.

[34] Hiện nay toàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch có chủ trương đầu tư (Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ, thị trấn Ea T'Ling, huyện Cư Jut; Điểm du lịch sinh thái số 1 thác Đắk G'lun, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; Tu viện Liễu Quán thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk GLong. Dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại huyện Đắk R'Lấp; Khu du lịch Thiền Hiểu về trái tim tại Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung); trong đó có 04 dự án đã hoạt động phục vụ khách du lịch (Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long, Điểm du lịch sinh thái số 1 thác Đắk G'lun, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, Khu du lịch sinh thái Phước Sơn), các khu, điểm còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Về cơ sở lưu trú có 242 cơ sở lưu trú (26 khách sạn và 216 nhà nghỉ) với tổng số 3.271 phòng.

[35] Hằng năm tổ chức ít nhất 02 cuộc gặp mặt đối thoại doanh nghiệp, tổ chức các buổi “Cà phê doanh nhân” vào sáng thứ 5 hàng tuần, để lãnh đạo tỉnh và các ngành trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư, đến nay đã tổ chức được 21 buổi cà phê doanh nhân. Tổ chức nhiều đoàn làm việc trực tiếp với các tập đoàn, Tổng công ty lớn, các lãnh sự quán, đại sứ quán. Tập trung kêu gọi đầu tư vào một số ngành lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh.

[36]Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, phát hiện 1.781 vụ phá rừng với diện tích hơn 702 ha.

[37]Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 37% năm 2016 lên 45% vào cuối năm 2020.

[38]Phát hiện, xử lý 346 vụ, 553 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 849,94g heroin, 748,8g ma túy tổng hợp, 113,22g cần sa.

[39]Phát hiện, xử lý 124 vụ 475 đối tượng hủy hoại rừng; 526 vụ 554 đối tượng vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng.

[40]Tổ chức 747 đợt tuyên truyền với 293.850 lượt người tham gia; phát hiện, xử lý hành chính 254 trường hợp vi phạm, phạt hơn 142 tỉ đồng; tai nạn giao thông hằng năm đều giảm cả ba tiêu chí.

[41]Tổ chức chữa cháy 72 vụ; xử lý hành chính 49 cơ sở vi phạm các quy định về PCCC, phạt 43 triệu đồng.

[42] Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 07/6/2016 về nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng; Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 26/4/2017 về tăng cường côn tác chính trị tư tưởng; Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 05/7/2018 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh”.

[43]Hoàn thành việc biên soạn, bổ sung Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 1930 – 2015; có 8 đảng bộ cấp xã, 9 đảng bộ cấp huyện; 02 ngành đã triển khai biên soạn lịch sử truyền thống.

[44] Tính đến 30/6/2019, toàn Đảng bộ có 25.952 đảng viên; tăng 4.768 đảng viên so với thời điểm 31/12/2015.

[45] Số đảng viên dưới 41 tuổi tham gia cấp ủy cấp huyện giai đoạn 2010-2015 là 85; giai đoạn 2015 – 2020 là 104; tương ứng ở cấp ủy cơ sở là 607 – 711.

[46]Trong nhiệm kỳ, hằng năm có trên 50% TCCS Đảng đạt trong sạch vững mạnh; hơn 90% đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

[47] Quyết định số 923-QĐ/TU, ngày 09/4/2009 và Quy định số 07-QĐi ngày 12/6/2018 quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ (nay là Quy định số 17-QĐ/TU ngày 02/7/2019); Quyết định số 116-QĐ/TU, ngày 14/3/2011 quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Quyết định số 217-QĐ/TU, ngày 25/7/2011 và Quy định số 11-QĐi/TU ngày 17/10/2018 về bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 10-QĐi/TU ngày 17/10/2018 về luân chuyển cán bộ.

[48] Xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn với số lượng 338 đồng chí, qua quá trình tinh chọn hiện tại còn 221 đồng chí; đào tạo, bồi dưỡng: tiến sĩ 04; thạc sĩ 128, CCLLCT 587; TC LLCT 2.698; mở 04 bồi dưỡng nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý; 04 bồi dưỡng chiến lược phát triển kinh tế, với tổng số 496 lượt cán bộ nguồn tham gia.

[49] Luân chuyển từ tỉnh về huyện, thị 13 đ/c; từ huyện, thị lên tỉnh 06 đ/c; từ huyện, thị về xã, phường 59 đ/c, từ xã, phường lên huyện, thị 23 đ/c; từ sở, ngành sang sở, ngành 7 đ/c; phòng, ban sang phòng, ban 35 đ/c; xã, phường sang xã, phường 4 đ/c.

[50] Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với 11 đồng chí (có 04 Tỉnh ủy viên), trong đó khiển trách 04, cảnh cáo 02 và cách chức 05; huyện ủy và tương đương thi hành 75 đồng chí (41 đồng chí cấp ủy viên các cấp), trong đó khiển trách 22, cảnh cáo 07, cách chức 37, khai trừ 09 đồng chí. UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 32 đồng chí (huyện ủy viên 04 đồng chí), trong đó khiển trách 19, cảnh cáo 11 và cách chức 02 trường hợp. UBKT huyện ủy và tương đương thi hành 69 đảng viên (Đảng ủy viên 49 đồng chí), trong đó khiển trách 45, cảnh cáo 21 và cách chức 02 và khai trừ 01 trường hợp. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 10.900 lượt đảng viên (có 2.034 cấp ủy viên các cấp) và 1.219 tổ chức đảng.

[51] Nhận định lại thế mạnh của tỉnh:(1) Khoáng sản Alumin quy mô lớn; (2) Khí hậu ôn hòa; (3) Tiềm năng đất đai nông nghiệp và quỹ đất phát triển đô thị; (4) Tiềm năng về rừng; (5) Vị trí địa lý chiến lược.

[52] Nhận định dư địa tăng trưởng trong nhiệm kỳ 2020-2025: (1) Luyện Nhôm: Tiếp tục phát triển và đạt kết quả trong công nghiệp luyện Nhôm, định hướng chế biến sâu nâng cao giá trị khoáng sản, chuẩn bị kết cấu hạ tầng để mở rộng công nghiệp luyện nhôm và sau nhôm; (2) Mở rộng khai thác Alumin: Tiếp tục kiến nghị Trung ương cho phép mở rộng quy mô và các thành phần kinh tế khai thác Alumin, phát huy hiệu quả đã được minh chứng trong giai đoạn thí điểm; (3) Kiến nghị phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại trọng điểm liên vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (đường cao tốc, đường sắt qua tỉnh Đắk Nông, đề xuất phương án đổi quyền khai thác mỏ bô xít lấy hạ tầng) là động lực thúc đẩy toàn diện phát triển KTXH; (4) Thu hút đầu tư phát triển đô thị trung tâm, gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng trên lợi thế khí hậu và lượng lớn quỹ đất đô thị chưa khai thác theo quy hoạch; (5) Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, đấu giá quyền sử dụng đất sau hoàn thổ alumin để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến.

*****

PHỤ LỤC 1

ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI,

XÂY DỰNG ĐẢNG NHIỆM KỲ 2015-2020 THEO NGHỊ QUYẾT XI

-----

1. Về tăng trưởng kinh tế:

1.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 (giá so sánh 2010 - theo hệ số trung gian thời điểm xây dựng nghị quyết, theo cách đánh giá của tỉnh) ước đạt 8,02%/NQ trên 9%, không đạt nghị quyết đề ra (trong đó: KV1 đạt 5,79%/NQ 5,27%; KV2 đạt 13,79%/NQ 20,94%; KV3 đạt 8,29%/NQ 7,15%; KV Thuế đạt 8,62%/NQ 12,17%). Đánh giá: Không đạt.

Chủ yếu do khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp hơn dự kiến, Nhà máy Alumin Nhân Cơ chậm tiến độ 01 năm (đi vào sản xuất năm 2017, trong khi xây dựng kịch bản hoạt động trong năm 2016); Nhà máy luyện Nhôm Trần Hồng Quân dự kiến đi vào sản xuất năm 2019, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành và còn nhiều vướng mắc. Trường hợp, nhà máy nhôm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch dự kiến từ đầu nhiệm kỳ thì tốc độ bình quân của giai đoạn ước đạt 9,12%/NQ trên 9%, đạt nghị quyết đề ra.

1.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giá hiện hành - theo hệ số trung gian thời điểm xây dựng nghị quyết) dự kiến năm 2020 là: KV1 chiếm 41,58%/NQ 45,5%; KV 2 chiếm 17,22%/NQ 25,68%; KV3 chiếm 34,92%/NQ 28,82%; KV Thuế chiếm 6,28%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh hơn so với nghị quyết, tuy nhiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực chất, do khu vực công nghiệp chuyển dịch chậm do tăng trưởng không đạt kế hoạch; giá nông sản chủ lực giảm thấp, làm giảm giá trị của khu vực nông nghiệp nên làm tăng chuyển dịch cho khu vực phi nông nghiệp. Trường hợp, khu vực công nghiệp tăng trưởng theo kế hoạch thì: KV1 chiếm 39,46%; KV2 chiếm 21,1%; KV3 chiếm 33,15%; KV 4 chiếm 6,29%. Đánh giá: Không đạt.

1.3. GRDPbình quân đầu ng­ười: Đạt 52triệu đồng/NQ 5 năm là 54 triệu đồng, thấp hơn nghị quyết 5 năm. Nguyên nhân, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch và giá nông sản chủ lực giảm sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân. Tuy dân số trung bình sau Tổng điều tra của Trung ương giảm so với dự kiến (cụ thể: Dân số trung bình chính thức tháng 04/2019 của tỉnh là 622.168 người nên dự kiến dân số tỉnh năm 2020 là 635 ngàn người/dự kiến tại nghị quyết là 646,7 ngàn người) nhưng do giá trị hiện hành năm 2020 của KV1 đạt thấp, thấp hơn 2.200 tỉ đồng/so với NQ; KV2 thấp hơn 3.500 tỉ đồng/so với NQ, dẫn đến GRDP bình quân không đạt nghị quyết đề ra. Trường hợp KV2 tăng trưởng đạt nghị quyết thì GRDP/đầu người đạt 54,82 triệu đồng.Đánh giá: Không đạt.

1.4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn ước đạt 72.298tỉ đồng/NQ 74.206tỉ đồng, thấp hơn nghị quyết 05 năm, nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn ngân sách Trung ương cân đối cho tỉnh thấp hơn dự kiến, các dự án trọng điểm chậm tiến độ, chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư; ngoài ra tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến dẫn đến nguồn vốn đầu tư trong dân, doanh nghiệp đạt thấp. Đánh giá: Không đạt.

1.5. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 11.531tỉ đồng, vượt 1.430tỉ đồng so với nghị quyết đề ra, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt trên 12%, vượt NQ đề ra. Đánh giá: Vượt.

2. Về phát triển kết cấu hạ tầng:

2.1.Bảo đảm nguồn nước cho 80% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới/NQ 80%. Đánh giá: Đạt.

2.2. Tỉ lệ nhựa hoá đường toàn tỉnh đạt 65%/NQ 64%. Đánh giá: Vượt.

2.3. Cấp điện: 99% số hộ được dùng điện/NQ 99%; 100% thôn, bon, buôn có điện lưới Quốc gia/NQ 5 năm 100%. Đánh giá: Đạt.

3. Môi trường:

3.1. 90% hộ dân nông thônsử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dân thành thị sử dụng nước sạch. Đánh giá: Đạt.

3.2. Tỉ lệ che phủ rừng ước đạt 39,3%/NQ 5 năm 42%. Nguyên nhân, do công tác bảo vệ rừng không đạt mục tiêu đề ra; đồng thời nhiều diện tích rừng bị phá trước năm 2016 nhưng các đơn vị chủ rừng trốn tránh trách nhiệm, “giấu” số liệu không báo cáo (đặc biệt là tại các công ty lâm nghiệp giải thể theo nghị định 118/2014/NĐ-CP), đến nay quá trình rà soát, theo dõi mới cập nhật số liệu, chênh lệch lớn với số liệu thời điểm xây dựng nghị quyết. Công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn do nhiều diện tích lâm nghiệp bị lấn chiếm, chưa được thu hồi. Diện tích rừng trồng thay thế chưa đủ thời gian tạo tán, để tính độ che phủ rừng. Tình trạng phá rừng xảy ra, gây nhiều ảnh hưởng. Đánh giá: Không đạt.

3.3. Bảo vệ rừng: Hằng năm đều đạt so với mục tiêu giảm 50% số vụ và số diện tích rừng bị phá (riêng năm 2017 tăng số vụ, số diện tích bị phá). Đánh giá: Không đạt.

3.4. Công tác trồng mới rừng tập trung cả giai đoạn ước đạt 8.471 ha/NQ 5.000 ha. Đánh giá: Vượt.

4. Đô thị hóa: Tỉ lệ đô thị hóa chung toàn tỉnh ước đạt 28%/NQ là 30%, nguyên nhân do thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức chưa nâng cấp đô thị như dự kiến. Đánh giá: Không đạt.

5. Nông thôn mới: Lũy kế đạt 27 xã, dự kiến huyện Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi xã đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên/NQ 5 năm là 18 xã; bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí. Đánh giá: Vượt.

6. Phát triển văn hóa - xã hội:

6.1. Lao động và việc làm: Tổ chức đào tạo nghề cho 90.969 người/NQ 90 ngàn người; đào tạo nghề cho 20.122 người/NQ 19 ngàn người. Đánh giá: Vượt.

6.2. Giảm nghèo: Đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo còn 7%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 26%. Đánh giá: Vượt.

6.3. Y tế: 71% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đánh giá: Vượt.

6.4. Giáo dục: Công nhận 71 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học/NQ 40 trường; 70% dân số trong độ tuổi học THPT. Đánh giá: Vượt.

6.5. Văn hóa: 40,5%  xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hoá nông thôn mới (hoặc tiêu chuẩn văn minh đô thị)/NQ 20%.Đánh giá: Vượt.

7. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:

7.1. Phấn đấu trong nhiệm kỳ có trên 80% tổ chức cơ sở đảng, 100% chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn có kết nạp đảng viên. (Nghị quyết đạt được: trong nhiệm kỳ có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, có trên 70% chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn có kết nạp đảng viên).Đánh giá: Đạt.

7.2. Hằng năm có trên 60% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và có trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. (Nghị quyết đạt được: Hằng năm có trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và có trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên).Đánh giá: Đạt.

Như vậy, đánh giá chung:

- Có 14/21 chỉ tiêu vượt, chiếm 66,7%;

- Có 07/21 chỉ tiêu không đạt, chiếm 33,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO