Công tác tuyên truyền về biển, đảo cần tiến hành đồng bộ

Mỹ Hằng| 30/09/2016 10:28

Tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đã khẳng định, công tác tuyên truyền là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.

ADQuảng cáo

Học sinh trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa tham quan Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"

Công tác tuyên truyền chưa được đồng bộ

Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sự phồn vinh của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình Biển Đông có những diễn biến rất phức tạp, liên quan đến nhiều nước, nhiều bên và liên quan đến chiến lược mới của các cường quốc trên thế giới.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, làm cho đất nước giàu mạnh”.

Do đó, việc tuyên truyền về vấn đề chủ quyền biển, đảo cần phải được đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở (Bộ TT-TT) thì công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời gian qua còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều ở các lĩnh vực truyền thông.

ADQuảng cáo

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - chuyên gia nghiên cứu về biển, đảo cho rằng, từ trước tới nay, công tác tuyên truyền về biển, đảo được các cấp chính quyền trên cả nước quan tâm, nhưng lại không được thường xuyên liên tục. Đội ngũ tuyên truyền biển, đảo còn hạn chế. Vai trò định hướng dư luận của các cơ quan tuyên truyền và truyền thông còn bất cập. Các xuất bản phẩm về biển, đảo và chủ quyền còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các giai tầng trong xã hội tiếp cận các nguồn thông tin chính thức về chủ quyền biển, đảo và hải đảo của nước ta còn nhiều khó khăn.

Tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo từ bậc mầm non cho đến khi các em trưởng thành

Cần đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức

Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, việc tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất về biển, đảo. Hiện nay, đã có hàng loạt văn bản làm nền tảng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành một cách đồng bộ, cụ thể, dựa trên cơ sở pháp lý, luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với biển, đảo, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi thì các địa phương cần lựa chọn một hoặc một số phương pháp tuyên truyền khác nhau để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nội dung và mục tiêu của một chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo phải kết thành các “thông điệp hoặc khẩu hiệu” để giúp các giai tầng xã hội hiểu đúng và hiểu rõ bản chất của vấn đề. Phải nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho nhân dân, kể cả lãnh đạo các cấp hiểu được vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự sinh tồn của Việt Nam. Biển là không gian sinh tồn của người Việt không chỉ trước mắt mà về lâu dài. Đặc biệt, có nhiều cách để làm tốt công tác này như đưa giáo dục về biển, đảo từ bậc mầm non cho đến khi các em lớn, trưởng thành.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Tạo cho rằng, hiện nay, báo chí là kênh thông tin tuyên truyền kiến thức biển, đảo đến người dân, thế hệ trẻ gần gũi nhất. Nhưng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các cơ quan báo chí cũng cần có sự hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiểu biết về biển, đảo để có thể mang đến cho độc giả những thông tin chính xác nhất. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cần đa dạng hóa nội dung tuyên truyền về chủ đề biển, đảo và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tuyên truyền miệng cũng cần được đẩy mạnh để giúp các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác tuyên truyền về biển, đảo cần tiến hành đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO