Dư luận quốc tế chỉ trích hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông

Nguồn Dangcongsan.vn| 15/05/2014 14:28

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí và dư luận quốc tế.

ADQuảng cáo

Hãng truyền thông quốc tế Đức The Deutsche Welle (DW), ngày 13/5 đã đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Ernest Bower - Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ ở Washington cho rằng, những sách lược gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm cho 10 nước thành viên ASEAN thêm gắn kết. Ông Bower khẳng định, những hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến nhiều nước trong khu vực phải quan ngại. Việt Nam có thể tin tưởng vào sự ủng hộ chính nghĩa từ phía cộng đồng quốc tế.

Trong bài trả lời phỏng vấn trước phóng viên Gabriel Domínguez của tờ DW, ông Bower nêu rõ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan ngại việc một nước lớn dùng sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế để theo đuổi lợi ích chủ quyền của mình và gây bất lợi cho một nước nhỏ hơn. Lần này, hầu hết các nước đều có quan tâm chung về việc thuyết phục Trung Quốc tham gia tiến trình đưa ra những quy tắc chung để điều chỉnh các quan hệ tranh chấp ở khu vực và tuân thủ những quy tắc này. Ông Bower cảnh báo: “Nếu không thực hiện được vấn đề này thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bất ổn do những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc”.

Liên quan đến những cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc ngày 11/5 ở Việt Nam, ông Bower nhận định cuộc tuần hành đã diễn ra tốt đẹp và thông qua đó, Chính phủ Việt Nam đang cảm nhận được tinh thần, ý chí của nhân dân Việt Nam - những người đang muốn chứng kiến đất nước họ đứng lên chống lại sự “bắt nạt” của Trung Quốc. Qua đó, chuyên gia này tin tưởng rằng, việc tìm kiếm giải pháp cùng hợp tác trong hòa bình để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông chính là lợi ích của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, việc thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN được xem là một “bước tiến đầu tiên, rất hữu ích” dựa trên tinh thần này.

Theo nhà bình luận Ankit Panda của tạp chí “The Diplomat”, ngày 13/5 thì vấn đề ai, cái gì, ở đâu, khi nào và làm sao giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển Việt Nam đã và đang được đề cập đến một cách toàn diện bởi các chuyên gia trên khắp thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi thường trực, cùng với nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương, vẫn là tại sao? Sự không rõ ràng trong tiến trình ra quyết định trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc khiến rất khó để đưa ra một lời giải đáp toàn diện, song hiện có nhiều bằng chứng cho thấy việc Trung Quốc gây ra cuộc khủng hoảng giàn khoan với Việt Nam là nhằm thử thách phản ứng của các nước ASEAN và Mỹ. Nó tạo ra cơ hội để Bắc Kinh có thể đo lường phản ứng quốc tế trước việc Trung Quốc kiên quyết thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình.

Trong khi đó, ông Chistian Le Mière – chuyên gia về an ninh hàng hải và hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) cho rằng: Với việc triển khai giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981, Trung Quốc dường như không muốn đối thoại để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo với Đông Nam Á, khiến cho căng thẳng ngày càng leo thang. Vụ việc này sẽ đẩy các nước Đông Nam Á vào một cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường tiềm lực quân sự đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Chuyên gia trên cảnh báo, ngân sách đầu tư cho các hoạt động mua sắm vũ khí sẽ gia tăng nhanh chóng, trong khi các cường quốc bên ngoài can dự ngày càng sâu hơn trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Như vậy, Đông Nam Á sẽ phải sống trong một môi trường “đối đầu và cạnh tranh khốc liệt” trên Biển Đông.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Diplomat ngày 12/5, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales tiếp tục khẳng định việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương – 981 bên trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam là hành động “bất ngờ, gây hấn và bất hợp pháp”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt một giàn khoan trong EEZ của một nước khác mà không xin phép, và là động thái bất ngờ khi quan hệ Trung - Việt đang có xu hướng cải thiện đáng kể từ sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 10/2013. Theo luật pháp quốc tế, các hành động nói trên của Trung Quốc là bất hợp pháp.

ADQuảng cáo

Ngày 14/5, hãng tin Reuters có bài viết về chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy tới Washington để thảo luận với Mỹ về diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông sau khi Trung Quốc trái phép đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Mỹ cùng ngày đã đưa ra lập trường về vấn đề này khi tuyên bố thẳng thắn rằng : “Họ (Trung Quốc) sẽ thảo luận về những điểm tương đồng và khác biệt với chúng tôi về vấn đề này… Song, chúng tôi không đồng ý trước một số cách tiếp cận của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề căng thẳng trên Biển Đông”.

Trang mạng đài phát thanh rti Đài Loan (Trung Quốc) ngày 11/5 đăng bài viết của phóng viên Hải Ly cho biết, hàng ngàn lao động, du học sinh và kiều bào người Việt tại Đài Loan đã mang theo “một rừng cờ đỏ sao vàng” để tham dự hoạt động biểu tình tại Đài Bắc lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan nổi 981 khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Mới đây, tờ Nhật báo phố Wall (The Wall Street Journal) dẫn lời ông Michael Green, phó Chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Mỹ cho rằng, những diễn biến căng thẳng mới nhất trên Biển Đông đã củng cố quan điểm rằng, vấn đề này sẽ không thể được giải quyết bằng một chuyến đi hay một bài phát biểu. Và điều này cũng cho thấy, phía Trung Quốc dường như đang thách thức dư luận trong khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, đài RFA cho rằng, việc Trung Quốc ngang nhiên đặt một giàn khoan khổng lồ tại vùng biển của nước khác chỉ có thể diễn tả bằng cụm từ “xâm lược chủ quyền” chứ không còn cách nào khác để lột tả thực trạng hành vi xâm lấn công khai, thách thức dư luận quốc tế bằng “cung cách” như họ đang làm.

Trang mạng Forbes của Mỹ trích nhận định của nhà phân tích Gordon G.Chang cho rằng, vụ việc xảy ra là cách để các nhà lãnh đạo Trung Quốc thách thức cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với an ninh trong khu vực không lâu sau chuyến công du châu Á của ông hồi tháng trước. Với hành động lần này, Bắc Kinh đã vượt qua hai “lằn ranh quan trọng”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu quân sự hỗ trợ hoạt động thăm dò, khai thác trái phép tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.

Bài báo nêu rõ “dù hành động của Trung Quốc có nhằm mục đích gì thì cũng cực kỳ nguy hiểm. Việt Nam không có lịch sử lùi bước, ngay cả khi trước sự khiêu khích của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư luận quốc tế chỉ trích hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO