Tết mùa của người Ca Dong ở Quảng Nam

Nguyễn Hồng (t.h)| 21/01/2022 08:50

Khi những đợt giá rét của mùa đông sắp kết thúc, để khởi đầu cho một mùa xuân mới đầy ước vọng và no đủ, lúa trên rẫy đã thu họach xong, phơi khô và đưa hết vào kho, người Ca Dong (một nhánh dân tộc Xơ Đăng) huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), lại cùng nhau tổ chức ăn Tết mùa mừng năm mới trong không khí tưng bừng, ấm áp.

ADQuảng cáo

Ý nghĩa Tết mùa

Tết mùa, theo tiếng Ca Dong là “pai - ố”, “pai” có nghĩa là nấu rượu, “ố” có nghĩa là uống. Sau một vụ mùa bội thu, để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với trời, đất, thần linh, ông bà,… đã cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, con vật nuôi phát triển tốt, người Ca Dong tại các nóc (mỗi nóc có từ 8-10 hộ gia đình quây quần sinh sống) lại cùng nhau ăn Tết mùa. Tùy vào mùa vụ lúa rẫy trong năm được mùa hay mất mùa mà người Ca Dong ăn Tết mùa to hay nhỏ.

Mâm cúng thần lúa

Để được ăn Tết mùa, thì gia đình Ca Dong nào cũng làm một mâm cúng để báo và xin thần lúa (Mó pế). Nấu cơm làm rượu cần, chuẩn bị heo, gà trước đó khoảng 6-7 ngày và không quên thông tin gia đình, anh em, họ hàng biết. Tại không gian bếp của gia đình, một phụ nữ lớn tuổi trong nhà tiến hành nghi thức cúng cơm ống để gọi hồn thần lúa về. Sau khi nghi lễ được tiến hành, phụ nữ trong các gia đình sẽ đem gạo nếp bỏ vào ống nứa để nướng cơm ống, gói và nấu các loại bánh lá dong như: bánh dài, bánh ốc, bánh dẹp.

Tiến hành nghi lễ

Ngày đầu tiên của Tết mùa, trong trang phục truyền thống, già làng mở cửa kho lúa và thận trọng khấn mời thần lúa về nhà mình ăn Tết mùa cùng gia đình. Sau đó, đóng cửa kho lúa lại, dùng rựa phát dọn cây thoáng đãng để thần lúa theo đường mà biết về nhà. Cùng lúc, các chàng trai Ca Dong đi bắt heo về và tắm cho heo sạch.

ADQuảng cáo

Đồng bào Ca Dong tiến hành nghi thức cúng Tết mùa

Trong không gian thờ tổ tiên trang nghiêm, heo được khiêng đến để cạnh bàn cúng. Chủ nhà tiến hành nghi lễ cúng heo sống tiễn năm cũ; với ý nghĩa tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ gia đình một năm an lành, hạnh phúc. Sau đó, vật hiến sinh sẽ được chế biến thành nhiều món ăn dâng cúng thần đất, thần núi rừng, thần nước, thần mặt trời, thần mặt trăng, hồn lúa, tổ tiên, ông bà, người thân đã mất.

Tại gian cúng, chủ nhà dùng một con gà có bộ lông đen làm vật hiến sinh và dùng tiết của gà vẩy vào kho lúa mới làm phép. Sau khi làm lễ xong, gà được luộc chín để dâng cúng năm mới.

Trong không gian thành kính, trang nghiêm, các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ. Chủ nhà bắt đầu chắp tay cúng, miệng vừa khấn cầu mong năm tới thần linh, ông bà, tổ tiên bảo vệ mùa màng, ngăn cản không cho những loài con chim, con chuột, con heo rừng,…đến khu vực rẫy xâm hại phá lúa của gia đình. Năm tới, thần rừng, thần núi, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần nước phù hộ không thiên tai, mất mùa. Thần lúa năm nay được bao nhiêu lúa, thì năm sau sẽ thêm nhiều hơn nữa.

Khi gia chủ hoàn tất việc cúng xin, lễ vật tại mâm cúng được hạ đem ra dọn ngay tại không gian nhà sàn của gia đình. Mọi người trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn truyền thống; mời nhau những cốc rượu cần ngây ngất thơm, cùng chuyện trò, vui chơi, hát hò; cầu chúc cho nhau những điều may mắn.

Những ngày diễn ra Tết mùa, đón mừng năm mới ở các nóc, người Ca Dong luôn hát cho nhau nghe các làn điệu dân ca mộc mạc như ca leo, ca choi, âm thanh vui tươi, rộn vang cả không gian núi rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết mùa của người Ca Dong ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO