Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Đang hành trình chuyển loại thành vườn quốc gia

Đức Hùng| 01/05/2017 08:39

Sở hữu vùng đa dạng sinh học trọng điểm với các loài động thực vật đặc hữu và quý hiếm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (xã Đắk Som, Đắk Glong, Đắk Nông) đang hoàn tất hồ sơ chuyển loại thành vườn quốc gia (VQG) để nâng cao giá trị pháp lý, tiếp tục bảo vệ có hiệu quả các loại động thực vật quý hiếm, có nguy cơ tiệt chủng.

ADQuảng cáo

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng bảo tồn quần thể các loài động thực vật đặc hữu và quý hiếm bị đe dọa toàn quốc và toàn cầu

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng nằm ở phía Đông của cao nguyên Đắk Nông, phía Tây của cao nguyên Di Linh và phía Tây Nam của vùng núi cao Chư Yang Sin trên diện tích liền vùng 20.973 ha. Khu BTTN Tà Đùng là nơi giao thoa về địa lý – sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ. Nơi có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín hỗn giao lá rộng, lá kim. Đây là các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm của vùng cao nguyên.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, Khu BTTN Tà Đùng khá đa dạng về nguồn gen động thực vật, trong đó có các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, nằm trong sách đỏ của Việt Nam và của thế giới.

Qua điều tra của các nhà khoa học ghi nhận Khu BTTN Tà Đùng có khoảng 2.000 lài động, thực vật. Trong đó, có 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Có 574 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 62 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 248 loài có tên trong Sách đỏ IUCN và 58 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, trong số đó có mặt 5 loài ưu tiên bảo vệ được xếp ở cấp CR trong Sách đỏ Việt Nam.

Hệ động vật Khu BTTN Tà Đùng đa dạng và phong phú, có 70 loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn cao

Bên cạnh đó, Khu BTTN Tà Đùng còn là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt, là một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới với 202 loài thuộc 18 bộ và 45 họ. Trong đó, có 5 loài chim đặc hữu của Việt Nam và những loài có vùng phân bố hẹp trên phạm vi toàn cầu đang được quan tâm. Trong tổng số 202 loài chim đã ghi nhận, có 10 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 15 loài trong Sách đỏ IUCN và 14 loài trong danh sách của Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

ADQuảng cáo

Theo các nhà thực vật của Viện Sinh thái học miền Nam mô tả và giám định có tên là Aristolochia cochinchinenis (họ Aristolochiaceae) được tìm thấy tại Khu BTTN Tà Đùng. Sự khám phá mới này cho thấy tài nguyên đa dạng sinh học của Tà Đùng còn rất nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu và khám phá.

Khu BTTN cũng đang có nhiều loài động thực vật nguy cấp và bị đe dọa không chỉ cấp độ quốc gia, mà còn mang tính toàn cầu. Trên cơ sở kết quả điều tra đa dạng sinh học và căn cứ vào các tiêu chí xác lập vườn quốc gia quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, Khu BTTN Tà Đùng đã được quy hoạch chuyển loại để trở thành một VQG trong tổng số quy hoạch 34 VQG của cả nước. Làm được như vậy thì cơ hội bảo tồn những loài này cao hơn, đóng góp cho công tác bảo tồn thiên nhiên không chỉ cho Việt Nam mà còn mang tính toàn cầu.

Hệ động vật Khu BTTN Tà Đùng đa dạng và phong phú, có 70 loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn cao

Theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, các tiêu chí chuyển loại Khu BTTN thành VQG đơn vị hoàn toàn đáp ứng được. Các công ty thủy điện đã đồng ý trả lại các bán đảo để giao lại cho Tà Đùng, sắp tới tỉnh sẽ gửi hồ sơ ra Bộ Nông nghiệp - PTNT  trình Thủ tướng.

Việc chuyển loại Khu BTTN Tà Đùng thành VQG Tà Đùng sẽ nâng cao địa vị pháp lý, tạo điều kiện để tập trung các nguồn lực nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có cũng như hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ bảo vệ môi trường tại một vị trí trọng yếu, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, miền núi và bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên là một việc làm hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương của ngành lâm nghiệp và Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng.

Các nhà khoa học đã ghi nhận có 11 loài động vật đặc hữu của Việt Nam gồm:

Loài thú: Voọc bạc Trung bộ (Trachypithecus magarita), vượn má hung (Hylobates gabriellae), chà vá chân đen  (Pygathrix nigripes).

Loài chim: Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis),  khướu đầu đen (Garrulax milleti), khướu ngực đốm (Garrulax annamensis), khướu mỏ dài (Jabouileia danjoui).

Loài bò sát: Nhông đuôi dài Việt Nam (Bronchocela vetnamensis).

Loài cá: Cá xám (Danio cf. aequipinnulu); cá Poropuntius cf. Kontumensi.

Và nhiều loại động thực vật quý hiếm như: Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae) (năm 2010, ước tính có từ 12-18 bầy), báo gấm (Neofelis nebulosa), hổ (Panthera tigris), sói đỏ (Cuon alpinus); khướu ngực đốm (Garrulax annamensis), khướu đầu xám (Garrulax  vassali); trầm hương (Aquilaria crassna), dầu rái (Dipterocarpus alatus), xá xị (Cinnamomum balansae).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Đang hành trình chuyển loại thành vườn quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO