Đao của nghĩa quân N’Trang Gưh - báu vật của đồng bào Ê đê

Đoàn Nhân| 04/11/2016 09:44

Đao có một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ngoại xâm của đồng bào Ê đê; là vũ khí mà nghĩa quân N’Trang Gưh đã sử dụng trong cuộc đấu tranh chống quân Xiêm và thực dân Pháp bảo vệ bon làng trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (từ năm 1884 đến 1887).

ADQuảng cáo

N’Trang Gưh lập một lực lượng vũ trang gồm 600 quân, vũ khí chủ yếu là đao, cung tên, nỏ, giáo mác,.. trong đó có thanh đao của ông Y plo Enoul, hiện trú tại buôn Dur, thôn 1, xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana (Đắk Lắk).

Đao và vỏ đựng đao của nghĩa quân N'Trang Gưh sử dụng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh

Theo lời kể của ông Yplo Enoul, đao là bảo vật linh thiêng của cả dòng họ, gia đình, có thần linh ngự trị và cai quản nên xua đuổi được tà ma, ác quỷ, thú dữ. Sở dĩ đao có một vai trò quan trọng như vậy, bởi vì, khi chế tác đao người thợ tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt và trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu và phức tạp.

Trước khi chế tác đao, người thợ phải kiêng kị như tắm rửa sạch sẽ, không ngủ với vợ, không làm những việc dơ bẩn,…Như vậy, đao mới đem lại sự may mắn, bình an và xua đuổi được tà ma, muôn loài thú dữ ra khỏi buôn làng.

Từ xa xưa tới nay, người Ê đê cho rằng mỗi vật dụng đều có một vị thần cư ngụ và cai quản. Trong đó, đao là một vũ khí được các vị thần linh cai quản và bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Khi sử dụng đao, gia chủ đều phải xin phép thần (lễ vật hiến sinh thường là một con gà trống tơ và chóe rượu cần,..). Người chủ lễ lấy huyết con vật bôi lên lưỡi đao mời thần về ăn, về uống,…, thì mới linh nghiệm và cho phép người sử dụng vào đúng mục đích.

ADQuảng cáo

Sau khi sử dụng xong, gia chủ để đao ở những nơi trang trọng nhất trong gia đình cho thần đao được nghỉ ngơi. Để chế tác được đao phải là người thợ có uy tín, am hiểu về văn hóa, có sức khỏe tốt và kỹ năng rèn điêu luyện, làm cho thanh đao lúc dẻo, lúc mềm mại và cứng cáp khi sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Đao của nghĩa quân N’Trang Gưh thường có chiều dài 77 cm gồm hai phần vỏ đao và thanh đao. Để rèn được thanh đao thì người thợ chọn một loại thép tốt, không han rỉ,..; còn cán thanh đao thường dùng là sừng con trâu (trâu đực trưởng thành) sẽ làm cho cán thanh đao có độ cứng cáp và vững chắc khi sử dụng. Khi thanh đao được chế tác xong, người thợ phải làm một nghi lễ cúng thần đao cho phép vào rừng tìm gỗ để làm vỏ đao.

Sau khi được sự đồng ý của thần linh, người thợ liền vào rừng tìm một cây gỗ tốt và chọn ngày lành tháng tốt tiến hành làm nghi lễ hạ đốn cây gỗ để làm vỏ đao. Vỏ đao người thợ chế tác bằng các công cụ như rùi, dao,… để gọt đẽo cho suôn thẳng và theo hình lưỡi đao.

Quan niệm của người Ê đê xưa cho rằng, để chế tác hoàn thiện đao phải trải qua 5 yếu tố: nước, lửa, đất, trời,…tương ứng với 5 hành: Thủy – thổ - hỏa – mộc – kim. Lưỡi đao (bằng sắt, thép) hành kim; cán đao và vỏ đao được làm (gỗ, tre, sừng) hành mộc; Kim loại được đưa vào lửa hành hỏa; để tạo cho lưỡi đao có độ cứng, sắc bén,…người thợ đưa vào dung dịch pha nước hành thủy. Sau khi đao được làm hoàn thành, người thợ thường để dưới đất trước khi làm nghi lễ rước đao lên đặt trên bàn thờ tổ tiên rồi đem đi cất giữ là hành thổ.

Hiện đao của gia đình ông Yplo – Enoul đã trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Đắk Nông lưu giữ. Cùng với nhiều di vật đao của nghĩa quân N’Trang Gưh khác, thanh đao đã minh chứng cho một thời kỳ chống ngoại xâm của đồng bào Ê đê; là công cụ chiến đấu có sức thuyết phục và khích lệ tinh thần yêu nước của dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đao của nghĩa quân N’Trang Gưh - báu vật của đồng bào Ê đê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO