Di sản của sự hòa thanh độc đáo

Nguyễn Hồng (th)| 04/02/2021 08:50

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Phú Yên luôn coi “trống đôi, cồng ba, chiêng năm” là tài sản quý báu, biểu thị sức mạnh trong đời sống vật chất, tinh thần. Đây là bộ nhạc cụ độc đáo bởi có sự hòa quyện âm điệu, tiết tấu, kết hợp với ngôn ngữ hình thể, là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong đời sống, luôn được đồng bào các dân tộc nơi đây trân trọng, gìn giữ và phát huy…

ADQuảng cáo

Sự kết hợp của trống đôi, cồng ba, chiêng năm

Mỗi dịp lễ hội khác nhau, âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm đều thể hiện những giá trị riêng, mang triết lý sâu sắc. Âm thanh bộ nhạc cụ nêu trên có nhiều điệu thức khác nhau, được vận dụng trong từng trường hợp khác nhau khi đón khách, tiễn khách, giao lưu... Mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng: chiêng năm giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát, âm vang ngân xa; cồng ba giữ bè trầm sâu lắng mượt mà. Theo các chuyên gia âm nhạc dân tộc, trong bộ hòa thanh “trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho các cuộc hội vui hào hứng, rộn ràng, vui tươi, thu hút mọi người say mê xem hội.

Nghệ thuật trình diễn

“Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” được đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na ở Phú Yên biểu diễn trong những ngày hội lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa ba loại nhạc cụ này từ âm điệu đến tiết tấu và ngôn ngữ hình thể của người biểu diễn đã tạo nên một nghệ thuật trình diễn nghệ thuật độc đáo. Tiếng trống đôi của các chàng trai với những động tác múa nhuần nhuyễn, tinh tế, cùng cơ thể và đôi bàn tay mềm mại của các cô gái tạo nên chuỗi âm thanh với tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, lúc dồn dập sôi nổi. Cồng ba là giữ bè trầm tạo nên âm thanh sâu lắng, mượt mà. Còn chiêng năm có vai trò giữ giai điệu thanh thoát, ngân xa vang vọng đến chân núi, rừng sâu.

Biểu diễn nghệ thuật “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”

ADQuảng cáo

Ngoài các bài nhạc đón, tiễn khách khá phổ biến, nghệ thuật trình diễn, “trống đôi, cồng ba, chiêng năm” còn có các bài giao lưu, cầu mưa, cầu hôn, đám ma, đâm trâu… được xem là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Ba Na ở Phú Yên. Đặc biệt, “trống đôi, cồng ba, chiêng năm” còn có thể chơi được những bài hát mang âm hưởng cách mạng hùng tráng.

Cộng đồng người Chăm H’roi, Ba Na ở Phú Yên cho rằng, đánh trống đôi là một cách nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn, luôn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp, tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất êm tai. Còn ví như không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, tức giận, biểu hiện coi thường bạn chơi. Do đó, nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp “ngang sức ngang tài” người tung, kẻ hứng, hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn.

Bảo tồn và phát triển

Năm 2016, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, từ năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Đồng Xuân tổ chức lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm vào ngày 16 tháng Giêng, trở thành một lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Xuân vào dịp năm mới.

Địa phương đề ra một số công tác bảo tồn di sản này, đó là: Tiếp tục khảo sát, thống kê nhạc cụ, kịp thời phát hiện những bộ có niên đại cổ xưa, có chất lượng âm thanh tốt; tiến hành ghi âm, ký âm các bài bản, nghệ thuật trình diễn của nghệ nhân giỏi truyền dạy thế hệ trẻ; tạo điều kiện khuyến khích đồng bào sử dụng trống đôi, cồng ba, chiêng năm trong các lễ hội, sinh hoạt giao lưu văn hóa, qua đó phát hiện, khích lệ động viên nghệ nhân trẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản của sự hòa thanh độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO