Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia chùa Hội Khánh

Nguyễn Hồng| 26/08/2019 10:29

Chùa Hội Khánh là một danh lam cổ tọa lạc tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do Thiền sư Đại Ngạn đặt nền móng xây dựng năm 1741.

ADQuảng cáo

Đến đời thứ 6 Hòa thượng Thích Từ Văn trụ trì, chùa đã trở thành ngôi Tổ Đình, có nhiều kiến trúc chạm trổ điêu khắc độc đáo. Ngày 29/4/1993, chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Chánh điện chùa Hội Khánh

Điều đặc biệt, nơi đây, trong khoảng thời gian từ năm 1923-1926, cụ Phó bảng, sĩ phu yêu nước Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến đây cùng với Hòa thượng Từ Văn, lập ra Hội Danh dự để truyền bá tư tưởng yêu nước trong giới Phật giáo.

Giai đoạn 1945-1975, chùa Hội Khánh có nhiều đóng góp sức người, sức của vào kháng chiến cứu nước. Nhiều chư tăng đã đi theo con đường chân tu và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, Giáo hội Phật giáo Sông Bé (Nay là tỉnh Bình Dương) đã tổ chức bảo tồn, trùng tu ngôi chùa Hội Khánh. Nơi đây đã góp phần phát huy truyền thống  Bi - Trí - Dũng và tinh thần yêu nước bất diệt.

ADQuảng cáo

Chùa Hội Khánh có kiến trúc đặc trưng riêng biệt là pho tượng Đức Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật nhập niết bàn. Tượng Phật nằm có chiều dài 52m, cao 12m, được an vị trên chân bệ cao 24m giữa khu rừng dầu, sao. Dưới chân tượng là 20 bức phù điêu mô phỏng cuộc đờì của Đức Phật từ lúc Đản sanh đến lúc nhập Niết bàn, quanh tượng Phật được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi măng. Tháng 5/2013, tổ chức kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật Nằm tại chùa là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á”.

Bằng công nhận chùa Hội Khánh là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia

Trong khuôn viên chùa có 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật. Xung quanh sân chùa là 9 ngôi tháp của 9 vị trụ trì đã viên tịch, được xây dựng công phu. Phía bên trái chùa còn có ngọn tháp 7 tầng uy nghi, sừng sững. Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong chùa Hội Khánh đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi, với những đề tài như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung... 

Nơi đây còn lưu lại câu đối của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với ý nghĩa ngôn từ hàm súc của thiền học: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt. Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong” (Tạm dịch: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước. Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây). Bên cạnh đó, chùa Hội Khánh còn lưu giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia chùa Hội Khánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO