Hấp dẫn lễ hội Bà Thu Bồn (Quảng Nam)

Nguyễn Hồng (t.h)| 25/12/2020 09:15

Lễ hội Bà Thu Bồn thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch hằng năm tại thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là lễ hội nổi tiếng linh thiêng, gồm nhiều nghi thức độc đáo, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách tham dự.

ADQuảng cáo

Truyền thuyết mang đậm tính nhân văn

Sự tích về Bà Thu Bồn có nhiều truyền thuyết. Nhưng thuyết phục hơn cả là câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng Thu Bồn như sau: Bà Thu Bồn hay còn gọi là bà Bô Bô – một vị nữ tướng của nhà Lê bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa do tóc bà bị quấn vào chân ngựa, sau đó bà bị giặc giết. Bà đã được các vua triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, là thượng đẳng thần. Có lẽ chính vì vậy mà những người dân nơi đây truyền tụng những truyền thuyết về bà mẹ xứ sở mang sắc màu thần bí nhưng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng thái bình. 

Lễ rước "Ngũ hành tiên nương" (5 vị nữ tướng dưới quyền, theo hầu Bà Thu Bồn trong cuộc chinh chiến) về lăng Bà để cúng tế, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...

Trong không gian lễ hội gắn với di tích Dinh Bà Thu Bồn với các công trình như: Ao Bà, giếng Bà, vườn Bà, ruộng Bà, ghềnh Bà... gắn với các truyền thuyết về Bà Thu Bồn. Người dân tin rằng bà là người cứu nhân độ thế, phù hộ cho dân làng vượt qua thiên tai, bệnh tật, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đặc sắc lễ rước nước

ADQuảng cáo

Trong ba ngày diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn, có các nghi thức quan trọng như: Lễ rước sắc, rước nước, lễ tế Bà, thả hoa đăng... Lễ rước sắc mô phỏng cảnh triều đình nhà Nguyễn về tuyên chỉ sắc phong cho bà là “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”; tiếp đó là lễ rước nước. Nước cúng phải được lấy từ giếng Bà, nơi có mạch nước ngầm từ rừng chảy ra và chưa bao giờ cạn suốt nhiều thế kỷ. Khi đoàn rước nước đi qua vườn Bà sẽ dừng lại cho “quân lính” hái lá thuốc để về nấu nước dâng cúng. Nghi thức này phản ánh việc bà truyền dạy cho dân làng cách dùng các loại lá cây để chữa bệnh. Khi lễ tế kết thúc, dân làng sẽ đặt vật phẩm, hương hoa lên thuyền, thả hoa đăng và bày tỏ ước nguyện của mình. Hoa đăng thả xong cũng là lúc trời hửng sáng.

Phần hội mang đậm màu sắc văn hóa dân gian rực rỡ cổ xưa với những đoàn rước đầy đủ màu sắc tượng trưng cho các dân tộc trên địa bàn, diễu hành qua những ngôi làng ven sông tuyệt đẹp của xứ Quảng. Đặt biệt là sau tiết mục lễ hội có những hoạt động cuốn hút như đua ghe, hát bội, thả hoa đăng trên sông Thu Bồn, trò chơi thi đấu thể thao mang màu sắc hiện đại thu hút nhiều người tham gia, cổ động, khiến không khí ngày hội càng vui tươi, náo nhiệt.

Từ năm 2005 đến nay, lễ hội Bà Thu Bồn được tỉnh Quảng Nam đưa vào Chương trình lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản". Tháng 10/2020, lễ hội Bà Thu Bồn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Trải qua hơn 300 năm biến động của lịch sử Dinh Bà và lễ hội Bà Thu Bồn vẫn tồn tại và phát triển; là sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc, ý nghĩa của cư dân xứ Quảng; nét văn hóa đặc trưng mang sắc thái vùng miền và sự giao thoa văn hóa, tiếp biến giữa văn hóa tâm linh và hiện đại của người dân Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hấp dẫn lễ hội Bà Thu Bồn (Quảng Nam)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO