Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Mẫn Doanh| 10/04/2015 09:40

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp ghé thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) nằm cạnh quốc lộ 24B thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).

ADQuảng cáo

Trên đường đến Khu Chứng tích, một đồng nghiệp ở Quảng Ngãi  nói rằng: “Các anh chị em nào có khăn nhớ đem theo nhé…”. Chưa đến, chưa hiểu, tưởng rằng là câu nói đùa. Ấy vậy mà khi đặt chân vào khu trưng bày, những hình ảnh của 47 năm về trước tái hiện một cách chân thực đã làm cho người xem không khỏi bàng hoàng mà rơi nước mắt. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng những nỗi đau, mất mát vẫn còn hằn in trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Du khách đến tham quan Nhà trưng bày

Xã Tịnh Khê (tức Sơn Mỹ) cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 13 km về hướng đông – đông bắc. Vụ thảm sát, Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 chủ yếu xảy ra ở xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Mỹ Hội, thôn Cổ Lũy. Nơi đây gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, đồng thời trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ mà nạn nhân là những thường dân vô tội.

Khu Chứng tích Sơn Mỹ bao gồm nhiều di tích, một nhà chứng tích, một tượng đài và nhiều bia bản được xây dựng bên con mương mà lính Mỹ đã tàn sát tập thể 170 dân làng. Ðến Sơn Mỹ với khoảnh khắc bình yên hôm nay, không ai nghĩ nơi đây đã từng phải chịu thảm kịch kinh hoàng trong lịch sử.

Những hiện vật trong Nhà chứng tích như chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn, các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn, chiếc mõ tụng kinh và tấm ảnh của nhà sư Thích Tâm Trí, chiếc kẹp tóc của cô gái vừa tròn 20 tuổi…

Đặc biệt là 18 bức ảnh màu của Ronald Haeberle, trung sỹ nhiếp ảnh viên quân đội Mỹ đã lần lượt phơi bày sự tàn bạo, mất nhân tính của những tên lính Mỹ mà chủ công của vụ tàn sát đẫm máu chính là trung đội 1 do Trung úy William Calley làm Trung đội trưởng, thuộc đại đội Charlie, một trong 3 đại đội của Lực lượng đặc nhiệm Barker (Task Force Barker), lữ đoàn 11, sư đoàn Armerical, quân viễn chinh Mỹ.

Những lời kể rành mạch của hướng dẫn viên tại Khu Chứng tích dần dần tái hiện khung cảnh của “nhiều ngôi làng nối tiếp nhau đã phải hứng chịu cảnh tượng tàn khóc do lính Mỹ gây ra. Sự bình dị và yên tĩnh của chốn làng quê bỗng chốc bị phá vỡ bởi hàng loạt tràng pháo đủ cỡ, đạn rốc-két và đại liên nhắm vào các tụ điểm dân cư.

ADQuảng cáo

Không dừng lại ở đó, lính Mỹ chia thành nhiều tốp, lùng sục đến từng nhà, tìm đến từng hầm, hãm hiếp, xả súng, ném mìn, đốt nhà, tàn sát tất cả người già, phụ nữ, trẻ em và ngay đến những đứa trẻ sơ sinh cũng không buông tha…”.

Đỉnh điểm của sự man rợ và tội ác chiến tranh gây nên đó là khi chúng gom những người dân lành, tay không một thứ vũ khí chống cự nào lại và tàn sát tập thể một lúc hàng chục, hàng trăm người tại con mương cuối xóm Thuận Yên, nay là rìa đông của khuôn viên Nhà Chứng tích Sơn Mỹ.

Trong Nhà Chứng tích Sơn Mỹ hôm nay có một bản kê với đầy đủ tên tuổi của 504 nạn nhân của vụ thảm sát khi ấy; trong đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 178 trẻ em (56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi và 89 trung niên.

Tội ác ấy không chỉ diễn ra ở Sơn Mỹ mà còn bao trùm lên cả đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù bị bưng bít trong thời gian dài, nhưng đến gần cuối năm 1969, dư luận Mỹ và thế giới đã vô cùng xúc động, phẫn nộ khi vụ việc bị phơi bày trên khắp các mặt báo. Đặc biệt là khi những bức ảnh màu chụp tại hiện trường của Haeberle về sự thật khủng khiếp được công bố trên tờ Người lái buôn thành thật Cleveland vào cuối tháng 11/1969.

Mặc dù các cuộc điều tra được mở ra nhưng những bản án xét xử các sĩ quan không được công minh và còn nhiều bao che tội lỗi. Tuy nhiên, dư luận Mỹ và thế giới đều bắt đầu hiểu, kết án rằng Sơn Mỹ nằm trong chuỗi tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, kéo dài của Mỹ ở Việt Nam… Điều này cho thấy Chính quyền Mỹ, quân đội Mỹ đã đi ngược lại mong muốn của hầu hết người dân trên nước Mỹ và thế giới lúc bây giờ.

Tại Sơn Mỹ, một số ít người may mắn sống sót như cụ Trương Châu, cô Đỗ Thị Tuyết, Võ Thị Liên, anh Đỗ Ba, anh Trương Liêm… đã trở thành nhân chứng sống lúc bấy giờ. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng hậu quả của vụ thảm sát đã trở thành vết thương khó nguôi ngoai với những người dân lao động hiền hòa, chân chất nơi đây.

Được xây dựng từ năm 1976 và qua nhiều lần tu bổ, ngày nay, Khu Chứng tích Sơn Mỹ trở thành bằng chứng thép cũng như một lời cảnh giác, cảnh tỉnh tội ác chiến tranh, trở thành nơi thu hút, chia sẻ đối với nhiều khách thăm quan khi đến Quảng Ngãi. Các du khách trong và ngoài nước đều bày tỏ sự cảm thông sâu sắc mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng trong những năm tháng chiến tranh khói lửa. Tòa án cũng đã mở, những vụ xét xử đã khép lại nhưng bên cạnh đó, tòa án lương tri vẫn sẽ còn mãi mãi…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu Chứng tích Sơn Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO