Lễ bỏ mả - tín ngưỡng độc đáo ở Tây Nguyên

Nguyễn Hồng (th)| 18/03/2022 09:27

Lễ bỏ mả (hay còn gọi là lễ Pơ Thi) là lễ hội mang sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; có truyền thống lâu đời mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng độc đáo. Đồng bào nơi đây tin rằng, khi con người chết đi sẽ không đi về thế giới bên kia mà quay lại dương thế nhập vào cơ thể trẻ em. Vậy nên người dân cần làm lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn về với tổ tiên ông bà.

ADQuảng cáo

Tín ngưỡng về lễ bỏ mả

Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, Ê đê, người chết từ một năm trở lên (có khi 3 đến 5 năm) sẽ được làm lễ bỏ mả. Đây là ngày hội mừng người sống được gặp gỡ, chung vui lần cuối cùng với người đã khuất, trước khi tiễn biệt họ về một thế giới khác. Kể từ đây, người sống không phải chăm lo cơm nước hằng ngày ở nhà mồ, không có đám giỗ hàng năm cho người chết. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm rằng mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Linh hồn họ mới có thể tái sinh vào kiếp khác, sống một cuộc đời mới. Vì ý nghĩa này, lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất, vui nhất trong năm.

Chuẩn bị lễ vật

Lễ bỏ mả có 2 phần: Tại nhà và ngoài mả, kéo dài 2 đến 3 ngày. Các gia đình có người chết phải chuẩn bị đồ cúng lễ rồi báo tin cho họ hàng, toàn thể buôn làng tới dự. Trước lễ bỏ mả cả tháng đã có hàng chục người chặt gỗ, đẽo tượng, làm nhà mồ. Mâm cúng làm lễ không bắt buộc, tùy từng nhà. Nếu giàu có thì trâu, bò, heo, gà, rượu cần, cây nêu. Nếu gia đình khó khăn thì sắm heo, gà, rượu cần. Đồng thời còn có tượng gỗ phản ánh các lứa tuổi, sinh hoạt khác nhau.

Già làng thực hiện nghi lễ

ADQuảng cáo

Những tài sản được phân chia tại nhà sau đó mang ra nhà mồ chôn cùng, bao gồm những đồ vật quý như chiêng, chóe, vòng cườm, lục lạc đến các vũ khí, công cụ sản xuất như kiếm, xà gạt… và các vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày như nồi, tô, chén bát... Số của cải này tùy thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết được chia khác nhau.

Hòa nhịp cồng chiêng

Khi cúng và chia của cải xong, đến phần trình diễn âm nhạc, tiếng cồng chiêng được những người già, uy tín trong làng đánh lên rộn rã. Theo nhịp cồng chiêng, tất cả họ hàng, bà con buôn làng gần xa hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ.

Trong những ngày lễ ở mả, mọi người tụ tập ăn uống, tuyệt đối không mang trở về bất cứ thứ gì.

“Cuộc sống mới” cho các linh hồn

Đồng bào Tây Nguyên rất coi trọng, chuẩn bị cho người chết một “cuộc sống mới” chu đáo, với mong muốn người thân được hạnh phúc, no đủ. Điều lý thú là, sau lễ bỏ mả, mọi thứ thuộc về thế giới của người chết không còn ý nghĩa gì với người sống. Đây là nét đặc sắc rất riêng trong văn hóa tâm linh của đồng bào Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ bỏ mả - tín ngưỡng độc đáo ở Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO