Lễ hội đền A Sào

Nguyễn Hồng (t.h)| 16/04/2021 09:08

Lễ hội truyền thống đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một trong những hoạt động văn hóa trọng điểm của địa phương, được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định, tôn vinh công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong lịch sử dân tộc.

ADQuảng cáo

Không gian và tiến trình lễ hội

Người dân A Sào tổ chức lễ hội ở cụm di tích đình, đền, bến Tượng. Trong đó, đền A Sào là không gian tổ chức chính, diễn ra các nghi lễ quan trọng của lễ hội.

Quang cảnh lễ hội đền A Sào

Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo và ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày hóa của ngài. Vào cả hai dịp, lễ hội đều được tổ chức long trọng.

Theo ngọc phả được lưu tại đình, lễ diễn ra theo quy trình: Ngày sinh thần mùng 10 tháng 2, dùng lễ xôi, thịt trâu, rượu và xướng ca đủ 10 ngày. Ngày hóa thần 20 tháng 8 dùng lễ thịt trâu, rượu, xôi… Ngày khánh hạ chính nguyệt, dùng lễ bánh tròn, rượu nếp. Ngày khánh hạ mùng 2-12 hóa thần, dùng lễ bánh tròn, rượu nếp, ca múa 1 ngày.

Trước lễ hội 1 tháng, các đội tế nam quan, nữ quan bắt đầu tập luyện với các nghi thức như kiểm soát lễ vật, tiến hương hoa nến, tiến rượu, tiến chúc văn... Lễ vật dâng cúng bao gồm: Đầu lợn, gà luộc, thịt trâu, xôi, rượu nếp, hoa quả, tiền vàng..., đặc biệt phải có bánh dày và mía. Mía được giao cho một gia đình trong làng trồng, chăm bón cẩn thận, đến ngày lễ, tuyển chọn những cây to và thẳng nhất để lễ voi.

ADQuảng cáo

Trong dịp lễ hội tháng 8, người dân A Sào tổ chức diễn xướng, tái hiện cảnh tiễn quân đi đánh giặc Nguyên Mông, cảnh dân làng ném đất cứu voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy. Đặc biệt là những nghi lễ như: rước kiệu, khao quân, múa kéo chữ.

Giá trị của lễ hội đền A Sào

Lễ hội A Sào có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó minh chứng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung và quá trình khởi dựng, phát triển vùng đất A Sào nói riêng. Địa điểm đền A Sào, đình Mễ Thương, bến Tượng là không gian của lễ hội mang đậm giá trị lưu niệm danh nhân. Lễ hội đã gợi nhớ thân thế, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cũng như tri ân công lao của ngài.

Bên cạnh đó, lễ hội còn là môi trường giáo dục tự nhiên mà hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình thực hành và tham dự lễ hội, người dân A Sào được cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương, nhắc nhở con cháu luôn khắc ghi công ơn của những người có công với dân, với nước. Những câu chuyện về Trần Hưng Đạo sẽ làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc cho Nhân dân A Sào nói riêng và các thế hệ người Việt nói chung.

Lễ hội đền A Sào cũng là nơi cư dân A Sào nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống thái bình, thịnh trị. Đây là một trong những môi trường tồn tại, nuôi dưỡng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của con người. Bên cạnh đó, lễ hội đáp ứng nhu cầu vui chơi, ẩm thực của người dân, thể hiện sự ứng xử hài hòa với môi trường trong cách thức tổ chức các nghi lễ, trò chơi.

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, lễ hội đền A Sào đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tháng 10/2015.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đền A Sào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO